Chủ đề hot mấy hôm nay có lẽ là
việc bỏ hay không từ “Ngụy”. Nhân đó, tôi xin chia sẻ trải nghiệm từ
gia đình tôi thời hậu chiến có liên quan ít nhiều đến chủ đề này
nhé.
Năm 1975, ba
má tôi – 2 cán bộ miền Nam tập kết trở về Saigon, cả dòng họ gia
đình nội ngoại mừng lắm, vui lắm khi gặp lại họ sau 20 năm xa cách
và ba má tôi, tất nhiên cũng vậy. Vui chưa được mấy ngày, lại phải
chia tay vài người trong dòng họ là sĩ quan chế độ cũ đi học tập
cải tạo theo quy định của Ủy ban quân quản Sai gòn – Gia định. Có
người trở về sau vài năm, có người sau này chết bệnh trong trại
ngoài Bắc.
Với khoảnh
khắc đoàn tụ cùng lúc với chia ly như thế, hoặc hoàn cảnh trong 1
dòng họ có người chết khi phục vụ bên này và bị lãng quên, người
nằm xuống khi chiến đấu dưới lá cờ bên kia được công nhận Liệt sĩ
với lòng biết ơn của đất nước, cũng xảy ra với nhiều gia đình Việt
nam khác.
Điều làm
tôi luôn thắc mắc, là từ đó cho đến ngày nay, trong sinh hoạt hay mỗi
lần giỗ đám, tất cả mọi người dù trước 1975 là dân là người chế
độ cũ hay “Việt cộng” đều trò chuyện thân tình, vui vẻ. Đặc biệt từ
khi quay về Saigon, chưa bao giờ ba má tôi dùng từ “ ngụy” khi có người
thân, dù ông bà vẫn dùng từ đó khi nói chuyện về 1 số người khác.
Cái lạ nữa là, nói về Thiệu, Kỳ… thì gọi là “thằng” nhưng nói về
Trần văn Hương chẳng hạn (Cựu Phó tổng thống chế độ cũ) thì lại
“ổng” hay “chả” chứ không bao giờ gọi “thằng”.
Mãi sau
này khi tôi đã lớn, ông bà mới giải thích là: khi còn chiến tuyến
chúng ta gọi địch là “ngụy” vì bản chất kẻ địch là thế. Hết chiến
tranh, họ là thân nhân là xóm giềng, là người Việt nam giống mình,
chúng ta dùng từ “chế độ cũ” để nói về công việc trong quá khứ của
họ. Nhưng ba má vẫn gọi là “ngụy” và gọi như thế 100 năm nữa với
những kẻ tiếp tục chống đối vì chúng vẫn là địch, nếu chúng hay ba
má còn sống. Còn tại sao gọi Thiệu, Kỳ … bằng thằng, thì do đám đó
bằng hoặc nhỏ hơn ba má, còn Trần văn Hương và trang lứa của họ là
ông, đơn giản vì họ lớn tuổi hơn. Con cứ để ý cách Bác Hồ nói
chuyện, cách Bác dùng danh xưng khi nói đến bên địch thì biết vì sao
ba má quan niệm như thế. Cả cách Bác yêu cầu lực lượng vũ trang phải
quyết chiến quyết thắng trong chiến đấu nhưng phải nhân đạo với tù
hàng binh. Với ngành Công an cũng thế, tuyệt đối không dùng nhục hình
nhất là với tù chính trị.
Nên tôi
cũng thế, tôi dùng từ “chế độ cũ” khi nói về quá khứ của những
người nay không còn là kẻ địch của chế độ. Thậm chí tôi không nghĩ
đến quá khứ của họ, khi họ là những người bình thường như bao
người, dù họ sống ở Việt nam hay bất kỳ đâu trên thế giới. Nhưng với
những ai vẫn cầm lá cờ 3/ trên tay, miệng hô hào chống phá đất nước
VIỆT NAM CỦA TÔI, thì dù họ sống ở đâu đi nữa, với tôi họ vẫn là
“NGỤY”.
Tôi cũng
có vài người bạn Mỹ là Cựu binh đã tham chiến vào thời điểm nóng
bỏng nhất trong những năm 1968 – 1972. Từ khi quen họ vào thập niên 90
khi họ qua Việt nam thăm lại chiến trường xưa, tìm kiếm cơ hội làm ăn
… Để rồi “phải” ở lại đây làm ăn, sinh sống cho đến nay. Cách đây vài
năm vào dịp lễ 30/4, tôi trở lại thăm họ ở Nha trang, một người chỉ
mặt tôi bảo: “ Anh, VC chúng mày ác lắm. Ngày xưa VC đuổi bọn tao
chạy tóe khói – reeky snake on my ash, giờ VC lại còn nhuộm đỏ tụi tao
và làm tụi tao yêu Vietnam nữa là sao” rồi chỉ tay xuống áo T-shirt
đang mặc với màu Cờ đỏ Sao vàng cả 2 mặt J J. Đó, những cựu thù
đó những người làm tôi khi còn là thằng nhóc ước gì mau lớn để
giết được họ, giờ là bạn của tôi. Nhưng với người như Đại sứ Mỹ Ted
Osius, đại diện cho những người vẫn muốn can thiệp vào công việc nội
bộ của Việt nam, với tôi vẫn là Đế quốc Mỹ
Trở lại
vấn đề ngôn từ chính thức sẽ được Nhà nước dùng là “ngụy” hay
“VNCH”, tôi thấy cũng đơn giản không cần phải phản ứng thái quá.
Trước hết là không có cá nhân nào có thể tự tiện làm việc đó nếu
Nhà nước không cho phép, nên việc công kích vào cá nhân nào đó là
không cần thiết. Kế đến là, khi Nhà nước cần thay đổi cách gọi
chính thức thì phải có lý do cần thiết. Có thể là để thực hiện
chính sách hòa hợp dân tộc với những người thuộc về chế độ cũ đã
hướng về Tổ quốc, nhưng nay vẫn còn chút e ngại ở câu chữ xác định
vị trí của họ trong xã hội hiện tại. Hay vấn đề pháp lý biển đảo
để đấu tranh với Trung quốc trong những năm sắp tới …
Còn chúng
ta vẫn có quyền dùng từ nào cho đối tượng nào là theo quan điểm cá
nhân của chính chúng ta mà. Như cách tôi và gia đình mình đã tự dùng
từ hơn 42 năm nay, dùng từ như vậy chưa hề làm gia đình tôi mất niềm
tin vào Đảng vào Nhà nước, hay mất đi sự cảnh giác với các thế lực
thù địch. Nhưng chắc chắn làm những người thân, quen từng làm việc
cho chế độ cũ hết tự ti khi hòa nhập vào cuộc sống mới. Bằng chứng
là họ đã làm việc, đã cống hiến suốt 42 năm qua như mọi công dân
khác. Kể cả những người sau này xuất cảnh diện H.O, họ sinh sống ở
Mỹ có Quốc tịch Mỹ nhưng chả bao giờ ngó ngàng đến mấy cái hội 3/
bên đó. Mục tiêu của họ là làm việc để tích lũy, con cháu thành
đạt thì họ về Việt nam sống nốt tuổi già rồi nằm xuống trên mảnh
đất quê hương. Với họ, ba má tôi luôn là người thân trong gia đình dòng
họ. Tôi thỉnh thoảng cũng tự nghĩ, nếu ngày xưa ba má tôi đối xử
với họ như những kẻ bại trận, là “ngụy” thì liệu họ có suy nghĩ
tích cực như bây giờ không.
Câu chuyện của gia đình tôi là vậy, còn
bạn?
Nguồn
facebook: Anh Huynh Ngoc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét