NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG THÔNG BÁO “THIẾU KIỂM CHỨNG” TRÊN MẠNG XÃ HỘI FACEBOOK


Những ngày gần đây, trên Facebook lan truyền những dòng trạng thái (status) mang tính cảnh báo về việc bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Những lời cảnh báo này lan truyền như “bệnh dịch”, ngoài việc gây hoang mang cho cộng đồng mạng do liên quan đến việc lộ lọt thông tin cá nhân của người dùng, những lời cảnh báo này còn gây nhiễu thông tin, khiến mọi người không phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả.
Nội dung của dòng trạng thái (gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt) được bắt đầu bằng tiêu đề “Thông báo chính thức” có nội dung “không đồng ý cho Facebook hoặc bất kỳ thực thể nào liên kết với Facebook nhằm sử dụng hình ảnh, thông tin, tin nhắn hoặc bài viết của người dùng, cả quá khứ lẫn tương lai”, thông báo này còn đính kèm thêm nội dung “nếu bạn không đăng tuyên bố này ít nhất một lần, bạn sẽ mặc định cho phép hình ảnh cũng như thông tin chứa trong trạng thái cả công khai lẫn cá nhân của mình được sử dụng”. Bên cạnh đó, thông báo này còn đề cập, nếu vi phạm quyền riêng tư có thể bị trừng phạt bởi luật pháp (UC 1-308-1 1 308-103 và quy định Rome). Điều này khiến cộng động mạng liên tục chia sẻ đoạn thông báo trên dòng trạng thái của mình nhằm bảo vệ thông tin cá nhân mặc dù hầu hết mọi người đều không hiểu thông báo này có ý nghĩa gì, do ai tạo nên? từ lúc nào? và để làm gì?…. Tuy nhiên, nếu chú ý ta có thể dễ dàng nhận thấy một số điểm bất hợp lý trong cái gọi là “Thông báo chính thức” kia.
Thứ nhất, câu “The violation of privacy can be punished by US law (UCC 1-308- 1 1 308-103 and the Rome Statute)”, dịch sang tiếng việt là “Vi phạm quyền riêng tư có thể bị trừng phạt bởi luật pháp (UC 1-308-1 1 308-103 và quy định Rome)”. Nghe rất đáng sợ vì đụng đến luật pháp! Thế nhưng luật “UCC 1-308-1 1 308-103” là luật gì? Thật tế không hề có luật nào tên “UCC 1-308-1 1 308-103”, trong khi đó quy định Rome là khuôn khổ pháp lý được thành lập bởi Tòa án Hình sự Quốc tế, chuyên xử lý tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh, không liên quan tới vi phạm bản quyền và quyền riêng tư.
Thứ hai, câu “Facebook is now a public entity”, dịch đúng là “hiện giờ Facebook là một cơ quan công quyền”. Rõ ràng không chính xác bởi Facebook là công ty tư nhân chứ không phải là cơ quan công quyền. Bản tiếng Việt dịch một cách mập mờ thành “Facebook hiện là một thực thể công khai”. Đây rõ ràng là một sự ngụy biện, với ý định dẫn dắt từ chữ public (nghĩa là công khai) để nói rằng thông tin và nội dung của bạn trên Facebook cũng sẽ bị công khai!
Đáng chú ý, ban quản trị Facebook cũng đã có thông báo đính chính, trong đó khẳng định những thông tin liên quan đến việc thông tin cá nhân của người dùng facebook sẽ được sử dụng một cách công khai là không chính xác. Ngoài ra, để hiểu hơn về những ràng buộc giữa người dùng và Facebook, chúng ta có thể tham khảo thêm tại mục “Term of Services” khi chúng ta đăng ký tài khoản, với những ràng buộc trách nhiệm giữa Facebook và người dùng. Nếu người dùng vi phạm, facebook sẽ đóng tài khoản người dùng, nếu Facebook vi phạm, người dùng có quyền lôi facebook ra tòa kiện. Do đó, cái tuyên bố kia chẳng có ý nghĩa gì cả.
Vấn đề về tin giả trên facebook
Trên thực tế, từ lâu đã xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo người dùng facebook với mục đích kéo tương tác, câu like… và các đối tượng lừa đảo đã thu về khoản lợi không nhỏ do người dùng facebook mang lại. Gần nhất là trò lừa “share fanpage” để nhận xe Vinfast miễn phí hay trò lừa bình luận "Bisou" để kiểm tra tài khoản đã được bảo mật hay chưa. Một trò lừa khác tương tự cũng được lan truyền trên Facebook vào năm 2015 với thông tin giả, cho biết mạng xã hội lớn nhất hành tinh sẽ thu phí 5,99 USD để giữ các status của người dùng ở chế độ riêng tư, nếu không đăng tải dòng status này lên thì mọi thứ người dùng chia sẻ sẽ bị chuyển sang trạng thái công khai.
Bên cạnh việc tung thông tin sai lệch, không đúng sự thật nhằm câu view, câu like, thời gian vừa qua còn xuất hiện một số đối tượng sử dụng các bài viết ngắn, lập lờ đánh vào tâm lý tò mò của người dùng facebook để chiếm đoạt tài khoản facebook cá nhân nhằm sử dụng các tài khoản facebook chiếm đoạt để thực hiện các hành vi lừa đảo khác. Phương thức các đối tượng thường sử dụng là đăng tải các vụ án hiếp dâm, đánh ghen, lộ ảnh nóng… với các tựa đề giật tít gây tò mò cho người xem và sử dụng các hình ảnh được lấy từ mạng internet để minh họa kèm theo đường dẫn để “xem chi tiết”. Khi người dùng facebook nhấn vào đường dẫn để xem chi tiết sẽ được chuyển sang một trang đăng nhập mới của facebook với nội dung yêu cầu đăng nhập. Thực chất đường dẫn đăng nhập này là một trang đăng nhập giả do các đối tượng xấu tạo ra, mục đích là để người dùng đăng nhập vào sẽ chiếm đoạt tài khoản đăng nhập của người dùng thông qua việc ghi nhận ký từ nhập của người dùng.
Do đó, người dùng facebook khi gặp các vấn đề liên quan đến việc yêu cầu đăng nhập, cần chú ý các vấn đề sau:
- Thứ nhất, kiểm tra xem mình đã đăng nhập trên thiết bị chưa, nếu đã đăng nhập trên thiết bị rồi mà vẫn bị yêu cầu đăng nhập để xem thông tin thì phải kiểm tra việc yêu cầu đăng nhập có cùng ứng dụng (trên điện thoại) hoặc cùng trình duyệt (trên máy tính) hay không? Nếu vẫn cùng ứng dụng hoặc trình duyệt thì 90% là trang đăng nhập giả do các đối tượng xấu tạo ra.
- Thứ hai, kiểm tra giao diện đăng nhập có giống với giao diện đăng nhập mà bản thân thường đăng nhập hàng ngày không (chú ý logo, màu sắc, vị trí các ô nhập dữ liệu…)
- Thứ ba, nếu đang sử dụng trình duyệt web, cần tiến hành kiểm tra tên miền đăng nhập có đúng là www.facebook.com/login hay không vì thường các trang đăng nhập giả sẽ không có cùng địa chỉ đường dẫn với trang chính thức.
Đây không phải là lần đầu tiên “chiêu lừa” này xuất hiện. Trước đó, vào cuối năm 2015, nhiều người dùng Facebook cũng đã chia sẻ nhau bài viết có nội dung y hệt như trên. Thực tế một loạt các vụ bê bối dữ liệu thời gian qua cũng chứng minh Facebook vẫn tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng (cả chủ động lẫn bị động) dù người dùng đưa lên mạng xã hội này ở bất kỳ chế độ nào.
Lời kết:
Mạng xã hội facebook ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu đối với phần lớn những người sử dụng thiết công nghệ khi facebook trở thành nơi cung cấp thông tin, trao đổi, làm việc, mua bán… và mạng xã hội facebook cũng trở thành một môi trường thuận lợi và béo bở để các đối tượng xấu lợi dụng để làm lợi cho bản thân mình. Do đó, để bảo vệ và kiểm soát các thông tin cá nhân của mình trên facebook, người dùng cần quan tâm đến chế độ cài đặt quyền riêng tư do facebook hỗ trợ, đồng thời hình thành thói quen xác minh thông tin qua nhiều nguồn nhằm tự trang bị cho mình những thông tin chính xác và bổ ích nhất, tránh chạy theo số đông và trào lưu để biến mình thành công cụ kiếm lợi cho kẻ xấu. Bên cạnh đó, cần cảnh giác trước những yêu cầu mang tính mập mờ, không rõ ràng để không bị mất tài khoản cá nhân một cách oan uổng và tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân của mình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét