NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

HỘI CHỨNG DAN HAUER - DAN SYNDROME



Tôi đã định nói về việc này từ rất rất lâu rồi, nhưng chưa tìm được một dịp phù hợp. Hôm nay, sau khi xảy ra sự việc một thằng Tây (nó sinh năm 1986 nên tôi sẽ gọi là thằng), ăn nói hỗn xược và coi khinh người Việt, mặc dù nó đã đến và làm việc tại Việt Nam (chẳng theo diện 'được cử sang' hay 'nhiệm kỳ' gì hết), tôi mới lại suy nghĩ về chuyện này.
Chuyện nó làm, tôi không nói đến nữa. Việc đó sẽ có pháp luật vào cuộc (tùy mức độ nghiêm trọng) và các trung tâm tiếng Anh cũng đã có những động thái cắt hợp đồng, đuổi việc nó và bạn nó (một lão tên Marty trên Hanoi Massive). Điều mà tôi muốn nói ở đây chính là 'nguyên do' tại sao lại có những thằng như Dan tồn tại trong xã hội Việt Nam và còn kiếm tiền được trên mồ hôi của người Việt nữa.
Tôi gọi nó là Hội chứng Dan Hauer (Dan Syndrome) - tức là dạng 'tây' sang Việt Nam dạy tiếng Anh (tôi biết có nhiều trường hợp vì ko tìm được việc ở quê hương nên sang Việt Nam dạy tiếng Anh), kiếm tiền trên đất Việt, có thêm chút tiếng Việt thì 'thăng chức' lên thành 'sao', nhưng có thái độ coi thường người Việt (thậm chí coi người Á là không đồng đẳng).
Vì đâu mà có hội chứng này?
Là do CHÚNG TA.
Từ ngày tôi còn học lớp bảy (tức là năm 1993 gì đó), chị gia sư tiếng Anh của chúng tôi đã nói rằng nếu người nước ngoài sang dạy tiếng Anh ở Việt Nam thì sẽ được trả nhiều tiền hơn người Việt Nam. Khi ấy, tôi chỉ nghe cho biết.
Năm 2002, khi tôi học tiếng Anh ở một trung tâm trên đường Láng Hạ, thầy giáo tôi, một người nói tiếng Anh rất chuẩn nhưng lại nói rằng "lương thầy không bằng lương một bạn da trắng, mặc dù cô ấy không đến từ một nước nói tiếng Anh và nói không chuẩn". Thầy là người Malaysia.
Năm 2004, khi tôi học tiếng Anh ở một trung tâm, thầy giáo người Việt cũng bảo thầy đi dạy này là làm thêm, chứ người nước ngoài mới sống được bằng lương dạy tiếng Anh. Cô giáo người Mỹ của tôi ở một trung tâm khác cũng 'thừa nhận' so với mức sống ở Việt Nam, thu nhập của một người nước ngoài da trắng dạy tiếng Anh ở Việt Nam là thừa để chi tiêu thậm chí rất dư dả.
Việc này tôi nghĩ bắt nguồn rất lớn từ sự 'sính hình thức' của rất nhiều người Việt mình.
Tức là phụ huynh sẽ có chút gì đó không tin tưởng khi thầy, cô giáo tiếng Anh không có vẻ ngoài của một người phương Tây da trắng (vẻ ngoài của người Á lại càng không được sủng!). Rồi không tin tưởng lắm khi thấy cô này đến từ Nam Phi và là người da màu, trong khi cô giáo Nam Phi dạy còn nhiệt tình và vui tính hơn nhiều giáo viên da trắng khác...Tức là suy nghĩ luôn có một mặc định rằng "da trắng và đến từ Mỹ hay Úc là đương nhiên sẽ được tin tưởng hơn".
Tôi cũng nghe được rằng một trung tâm tiếng Anh sẽ không ưu tiên tuyển người châu Á. Da màu lại càng không vì trẻ con sợ. Cái này, theo tôi là ngụy biện cho sự trọng hình thức.
Và chính vì như thế mà nhiều người nước ngoài có tâm lý lợi dụng cái sự "sính hình thức" này mà có cư xử như thằng Dan. Kiếm tiền bằng việc dạy tiếng Anh ở Việt Nam nhưng coi người Việt không ra gì.
Nói như vậy không phải vơ đũa cả nắm rằng người nước ngoài nào cũng thế.
Cô giáo người Mỹ mà tôi đã nhắc ở trên là cô giáo dạy tiếng Anh tốt nhất mà tôi từng được học. Cô rất nghiêm khắc, nhưng rất vui tính và hòa đồng cùng học viên. Các lỗi phát âm của tôi đều là cô sửa và cô chính là người khiến tôi thấy thích phát âm Anh Mỹ (mặc dù bây giờ giọng tôi lại là Anh Anh) Cô giáo tiếng Ý mà nay đã là con bạn thân của tôi là người rất tình cảm và thân thiện. Nó dạy tiếng Ý một tuần 2 buổi, còn tối nào không đi dạy thì đi làm phục vụ bàn ở một quán Ý. Chúng tôi trở thành bạn của nhau chỉ sau vài buổi học và lúc ấy, tôi mới hiểu tình yêu Việt Nam của nó nhiều thế nào. Nó chính là đứa đi đến nhà bác Giáp, gửi bó hoa tiễn đưa bác cùng với tôi vì "Tướng Gíap thì không chỉ người Việt Nam biết đâu, người Ý cũng biết đấy."
Hay những người bạn Anh và Nam Phi của tôi hiện đang dạy tiếng Anh cho các trường cấp 2 lân cận Hà Nội vô cùng dễ mến và thân thiện. Chưa bao giờ, dù chỉ một lần, tôi có cảm giác 'lợn cợn' về việc họ coi mình hơn người khác, kể cả những lúc ngồi nói chuyện nghiêm túc bên tách cà phê, hay khi chúng tôi mời họ đến nhà dùng bữa.
Từ sự việc lần này, tôi tự dưng đặt ra một câu hỏi "Có phải sướng quá hóa hỗn không?"...Có phải vì tiền nhận được của giáo viên nước ngoài nhiều, họ kiếm tiền quá dễ dàng ở Việt Nam mà cuộc sống lại sang chảnh hơn khi còn ở đất nước họ nên họ mới sinh ra cái thói xấu "Chúng mày cần bọn tao, chứ bọn tao ko cần bọn mày" như thế không?
Hay còn lý do nào khác? Liệu có còn những thằng Dan, thằng Marty nào đang cười hả hê trước những gì bọn nó kiếm được ở Việt Nam không?
Đúng là đây là dịch vụ, là mua - bán. Không ai là người 'tạo công ăn việc làm' cho ai hết. Nhưng có người bán nào bán hàng xong cười và bình phẩm khách hàng là không cùng cấp với mình không? Và chúng ta cứ phải 'mua dịch vụ' từ những thằng mất dạy như thằng Dan sao? Hay vì thấy nó nói tiếng Việt nên thấy vinh dự? Không nhé!
Rồi cứ mỗi lần một người nước ngoài nào đó trả lời báo chí rằng "Tôi ở lại Việt Nam vì tôi yêu Việt Nam" là lại hoắng lên, tung hê, ca ngợi người bạn nước ngoài chí cốt. Không nhé! Báo Thái mà hỏi thì nó sẽ yêu Thái. Báo Lào hỏi thì sẽ yêu Lào...Mà Đức Phúc đã bảo đấy là "bắt cá hai tay" rồi! Đừng ảo nữa!
Năm còn học bên Anh, trong một lần ngồi ở sân tàu, điện thoại của tôi báo có tin nhắn. Một bà ngồi bên cạnh nói rất dõng dạc "Hãy tắt chuông đi để đừng làm phiền người khác!" Lúc ấy tôi chưa hiểu lý do, và tàu đã đến ga nên nói "xin lỗi" và đi lên tàu luôn. Nhưng sau khi ngồi nói chuyện trong bữa tối với một nhóm bạn Ấn Độ, Anh, Ireland, Ý và tôi kể câu chuyện này thì tôi mới biết có rất nhiều người 'da trắng' cho mình cái quyền được phép coi thường người có màu da khác.
Đừng để chuyện đó diễn ra ở ngay đất nước mình!
Không có thằng Dan thì vẫn còn nhiều người bạn nước ngoài biết cư xử khác!
Đây là Việt Nam! Là nhà của chúng ta! Chúng ta nồng hậu, chào đón bạn bè năm châu. Nhưng nếu đến để coi thường, để hả hê hỗn hào thì mời ngược!
Không tiễn!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét