NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ - TỪ GÓC NHÌN AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta xác định hai vấn đề liên quan đến chủ đề FIR 4.0 và an ninh phi truyền thống đó là: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”; và “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống”. Vì thế, việc tìm hiểu mối quan hệ giữa FIR 4.0 với an ninh phi truyền thống là rất cần thiết và cấp bách để sớm đưa Nghị quyết XII của Đảng vào hoạt động thực tiễn có hiệu quả.
Trên phạm vi toàn cầu. FIR 4.0 sẽ khiến cho mọi tiện ích đều có thể được thực hiện từ xa, chi phí giảm, hiệu quả tăng, kinh tế - xã hội phát triển nhanh. Tuy nhiên, FIR 4.0 cũng gây hệ lụy không nhỏ như: Thị trường lao động bị phá vỡ, phân công lao động xã hội bị phân hóa; sự bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội gia tăng làm nảy sinh những bất ổn về an ninh phi truyền thống.
          Việc robot hóa nền sản xuất, đặc biệt là robot cao cấp với trí thông minh nhân tạo, robot trở thành người quản lý, thậm chí là thành viên hội đồng quản trị... khiến năng lực, chứ không phải nguồn vốn, trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. Thị trường lao động bị phân hóa thành hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp được trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao được trả lương cao. Tình trạng tăng hai đầu, rỗng ở giữa xuất hiện. Tức là lao động có trình độ cao và lao động có trình độ thấp đều tăng, còn ở trình độ trung bình bị giảm mạnh, khiến khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh. Bất bình đẳng chính là những nhân tố tiền an ninh mà FIR 4.0 có thể gây ra.
          Những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ là những nhà cung cấp vốn tri thức, tài chính (nhà sáng chế, cổ đông và đầu tư), còn người lao động dựa vào sức lao động thu nhập bị giảm, khiến khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh, gây bất bình đẳng xã hội. Sự kiện Brexit, D.Trump, dân túy đã phần nào nói lên điều đó, vì trong thế giới hội nhập, người lao động ở các nước phát triển bị thiệt hơn so với các nước chậm phát triển, đồng thời còn chịu tác động do phân hóa thu nhập trong nước. Ông Trump và những người dân túy hiểu rõ điều đó, nên đã tạo được lợi thế trong các cuộc bầu cử, khiến an ninh toàn cầu “rung lắc” mạnh và khó có thể ổn định trong tương lai gần, thậm chí cả trong trung hạn.

Vấn đề đang đặt ra là, FIR 4.0 đang đặt ra một xu hướng không thể đảo ngược, cùng với nền dân chủ mà tính chất “dân chủ hóa” ngày càng cao hơn do sự lan tỏa của công nghệ mới. Giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội hiện đại do tác động của FIR 4.0 như thế nào là một thách thức lớn về an ninh đối với nhân loại?
          Trong mỗi quốc gia. Ở tầm quốc gia, khi vật lý, số hóa, sinh học tích hợp với nhau thông qua IOT, ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn với chính phủ của họ để nêu ý kiến, cùng phối hợp hoạt động. Đồng thời, các chính phủ cũng sở hữu sức mạnh về công nghệ để tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với toàn bộ xã hội. Quá trình đồng sở hữu công nghệ vừa là thời cơ, vừa là thách thức bởi những yếu tố tiền an ninh phi truyền thống cũng dễ nảy sinh.
          Hiệu ứng của sản phẩm siêu kết nối sẽ tái phân phối quyền lực mô hình từ trên xuống sang mô hình từ dưới lên, buộc Nhà nước phải gần dân, gần cơ sở nhiều hơn. Tuy nhiên, sản phẩm siêu kết nối cũng làm cho an ninh mạng, thông tin, tin tặc... gia tăng và ngày càng khó chống đỡ hơn.
          Ở Việt Nam, việc kê khai, giao dịch, nộp thuế, thương mại, dịch vụ điện tử; sự liên thông trong từng bệnh viện, giữa các bệnh viện, các tuyến viện với ngành bảo hiểm, chính phủ điện tử, thành phố thông minh... cũng đang phát triển, góp phần thuận lợi hóa đối với người dân, doanh nghiệp, trong và ngoài nước; nhiều sự kiện được phát hiện nhanh hơn qua mạng xã hội được xử lý kịp thời có hiệu quả như: Vụ cô giáo bạo hành trẻ em, hiệu trưởng gây tai nạn không tự giác nhận lỗi, người dân chết phải vận chuyển về nhà bằng bó chiếu thồ trên xe đạp...
          Cũng nhờ mạng xã hội mà Nhà nước phát hiện kịp thời, bắt quả tang các vụ tung tin nhảm: Đổi tiền, cá chết, nước bùn đỏ, bôi nhọ các cô giáo... Vì thế, trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã bổ sung thêm cụm từ “giám sát” trong “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và gần đây, Trung ương còn nêu ra cần phải kiểm soát bệnh “lạm dụng quyền lực” là rất phù hợp không chỉ về mặt quy trình, đạo lý mà còn phù hợp với những điều kiện đã, đang và sẽ hiện thực hóa khi sản phẩm siêu kết nối ngày càng gia tăng trong FIR 4.0.
          Ở cấp độ doanh nghiệp: Quan hệ cung - cầu cũng thay đổi đáng kể. Nguồn cung từ nhà cung cấp đến chuỗi giá trị, đối thủ cạnh tranh, tính sáng tạo gia tăng, dẫn đến chất lượng, giá cả và tốc độ thay đổi cũng nhanh hơn khiến các logic truyền thống bị phá vỡ, thay bằng quy trình linh hoạt và sáng tạo.
          Theo đó, cầu cũng thay đổi, sự minh bạch ngày càng cao, sự cá biệt hóa là một xu hướng, làm cho mối quan hệ cung - cầu ngày càng gắn kết hơn bao giờ hết, sản xuất gắn với tiêu thụ theo yêu cầu. Người tiêu dùng sản phẩm có thể đặt hàng và kiểm tra sản phẩm của mình từ A - Z trong quy trình sản xuất 3D, khiến cho doanh nghiệp buộc phải quan tâm đổi mới quy trình sản xuất kinh doanh.
          Đối với mỗi con người: FIR 4.0 không chỉ thay đổi những gì con người tạo ra mà còn làm thay đổi chính bản thân con người, chẳng hạn như: Sự riêng tư, ý thức về sở hữu, phương thức tiêu dùng, thời gian công việc và giải trí, cách thức phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ, giao tiếp với nhau và củng cố các mối quan hệ...
          Với sản phẩm siêu kết nối, con người bị tràn ngập trong biển thông tin bên cạnh sự tiến bộ nhanh, thì họ cũng gặp hệ lụy không mong muốn như: Sự giảm sút tính nhân văn, từ bi, bác ái; các quan hệ hợp tác, cộng đồng; tâm tư, tình cảm, giao tiếp (quan hệ xã hội ảo tăng, nhưng xã hội trực tiếp lại giảm). Nảy sinh nhu cầu phải định nghĩa lại con người, vì con người đã gia tăng tuổi thọ, sức khỏe, nhận thức và năng lực. Theo đó, cũng cần phải định hình lại những ranh giới về đạo đức, phẩm chất và hành lang pháp lý...
          Sự chuyển hóa trong lĩnh vực an ninh: FIR 4.0 cũng khiến cho lĩnh vực an ninh gia tăng tính lai tạp, giữa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bạo lực và phi bạo lực; bạo lực vũ trang và phi vũ trang; chiến tranh và hòa bình; tiền tuyến và hậu phương; vai trò cá nhân và tập thể; trong công tác tình báo, tác chiến chính xác tăng lên một cách đáng kinh ngạc... khiến cho an ninh phi truyền thống có thể chuyển hóa nhanh thành an ninh truyền thống và ngược lại.
          Xuất hiện những yếu tố tiền an ninh rất đa dạng như: Robot tham gia thị trường lao động, tắc xi bay tham gia hệ thống giao thông vận tải, trực thăng không người lái tham gia dịch vụ giao hàng tại nhà... sẽ đặt ra vấn đề pháp lý rất cấp bách trong việc tranh chấp giữa con người với con người, con người với robot, nhất là robot cao cấp (AI).
          Đến năm 2025, 21 sản phẩm định hình tương lai phát triển của thế giới sẽ xuất hiện với quy mô thương mại, khiến một số nước đã chủ động đi trước một bước về quy hoạch cũng như pháp lý. Nhật Bản đã cho phép xe không người lái được tham gia hệ thống giao thông vào năm 2020; EU sẽ ban hành luật về việc robot tham gia thị trường lao động; thành phố Dubai (Ả-rập Xê-út) cho phép 25% phương tiện không người lái hoạt động vào năm 2030.
          Sự chuyển hóa dạng thức an ninh cũng rất phức tạp, thậm chí khó xử lý như các thiết bị bay không người lái nếu lọt vào tay bọn khủng bố thì rất khó đối phó, chúng ta không thể mang quả tên lửa hàng triệu USD để bắn máy bay không người lái, mang 1 quả lựu đạn, nếu quả lựu đạn đó lại chứa chất độc hóa học thì càng nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, một số nước cũng đang nghiên cứu phương thức bắn hạ hay thu hồi phương tiện bay không người lái nếu tình nghi nó gây nguy hại cho an ninh.

ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét