NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

CÂU CHUYỆN ĐÁNH VẦN LỚP 1 - ỦNG HỘ HAY KHÔNG?


Ngôn ngữ bao gồm tiếng nói và chữ viết. Không có chữ viết thì vẫn là ngôn ngữ, có điều nó hơi khiếm khuyết. Ngay cả động vật thì nhiều loài cũng có ngôn ngữ giao tiếp riêng của chúng.
Phần chữ viết là phần sáng tạo sau này của con người. Có dân tộc thì tự sáng tạo ra chữ viết. Có dân tộc thì dùng các ký tự hoặc các nét cơ bản sáng tạo trước đó của dân tộc khác rồi phát triển thành chữ viết để biểu thị cho tiếng nói của dân tộc mình.
Người Việt từng dùng hán tự (chữ của Trung Quốc) để biểu thị tiếng Việt, đó là chữ Nôm. Sau thì các nhà truyền giáo lại dùng ký tự la-tinh để chú âm (ghi chú âm tiếng Việt bằng chữ la-tinh), dần dần sau đó hình thành nên chữ quốc ngữ.
Việc dùng hán tự, chữ la tinh để hình thành nên chữ nôm hay chữ quốc ngữ hoàn toàn đều mang tính quy ước. Chữ nôm là quy ước một cách trực tiếp. Chữ quốc ngữ là quy ước gián tiếp qua cách phát âm la-tinh.
Để học chữ viết thì có nhiều cách học. Đối với người Việt thì học chữ quốc ngữ bằng cách ghép vần. Ghép vần chủ yếu dựa vào cách phát âm la tinh, đúng cái cách mà những nhà truyền đạo chú âm tiếng Việt ngày xưa. Tuy nhiên cũng có những bất quy tắt không đúng như cách phát âm la-tinh. Cũng có một số người học tiếng Việt không theo cách ghép vần. Những người này nhìn một tổ hợp các ký tự và dấu (tức là từ/từ vựng) rồi nhớ cách phát âm của nó. Sau đó họ thuộc chữ luôn.
Học cách ghép vần chỉ có ý nghĩa duy nhất là để học chữ viết. Khi rành chữ viết rồi thì ghép vần không còn ý nghĩa gì nữa đối với việc sử dụng chữ viết.
Các nhà ngôn ngữ học luôn có xu hướng cải cách để làm sao học chữ nhanh và dễ nhớ. Như trường hợp ông Gs Đại cải cách cách dạy tiếng Việt, trong đó có thay đổi cách đánh vần khác với cách phổ biến xưa nay (hình như cách phổ biến xưa nay là của Gs. Hoàng Xuân Hãn).
Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Hiệu quả của phương pháp của Gs Đại đã được những người làm giáo dục khẳng định. Từ đó mới được áp dụng ngày càng nhiều. Hồi ông Phạm Vũ Luận còn làm Bộ trưởng BGD, chính ông đã thân chinh đi xe ôm lên 5 điểm trường ở vùng cao Tây Bắc, nơi dạy thí điểm tiếng Việt theo phương pháp của Gs Đại cho con em đồng bào dân tộc, đây vốn dĩ là những đối tượng khó học tiếng Việt nhất và đã từng làm cho ngành giáo dục đau đầu. Từ kết quả thẩm định trực tiếp, ông Luận sau đó về thuê luật sư thẩm định luật pháp để xem việc thí điểm dạy tiếng Việt theo cách của Gs Đại có vi phạm luật pháp hiện hành hay không để ông cho phép mở rộng phạm vi áp dụng. Kết quả là dạy tiếng Việt theo phương pháp của Gs Đại ngày càng mở rộng ra. Từ năm học 2013-2104 đã cho áp dụng đại trà hơn. Ở thời điểm đó thì đã có tới 37 tỉnh thành cho dạy thí điểm.
Những phụ huynh có con em học theo phương pháp thực nghiệm của Gs Đại không thấy ai lên tiếng phê phán cách dạy ghép vần và cách dạy tiếng Việt theo cách của ông ấy. Họ đều bảo là con em của họ học tiếng Việt theo cách này rất nhẹ nhàng.
Xin nhắc lại rằng: quy ước về cách ghép vần chỉ có tác dụng để học chữ. Học rành rồi thì vứt bỏ chứ không ai còn ê a đánh vần như con nít lúc học chữ viết nữa.
Tuy không ủng hộ phương án một quốc gia có nhiều cách học chữ khác nhau và cũng chẳng bênh vực gì ông Gs Đại nhưng thấy những người lên án, phê phán phương pháp của ông Đại là "sai" thì nghe rất là buồn cười. Cá nhân tôi nghĩ, các nhà chuyên môn về ngôn ngữ học của BGD nên có một cuộc thẩm định chính xác về hiệu quả của phương pháp này và áp dụng chung cho cả nước nếu nó hiệu quả hơn so với hiện hành. Gs Đại cũng đã nói rằng ông sẵn sàng tặng bản quyền bộ sách của ông cho BGD. Chỉ có thế thì mới hết ồn ào.
Tony Ngo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét