NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

CÂU CHUYỆN MỪNG TUỔI ĐẦU NĂM “NGÀY NAY”

Mừng Tuổi đầu năm

Tết đến – Xuân về là dịp để người thân trong gia đình cùng nhau tụ họp, sum vầy sau một năm làm việc vất vả. Đây cũng lúc người ta trao cho nhau những câu chúc, những ước nguyện về năm cũ đủ bình an và tân niên đầy an nhiên! Đặc biệt, người lớn sẽ mừng tuổi (lì xì) cho trẻ em, chúc các bé thêm tuổi mới, ngoan hơn và giỏi hơn!
Ý nghĩa của phong tục mừng tuổi ngày xưa
Phong tục mừng tuổi (lì xì) đã có rất lâu đời tại Việt Nam, trong dịp tết Nguyên Đán. Đây được xem là một phong tục tốt đẹp, mang tính chất gia đình. Vào ngày đầu tiên của năm mới, người lớn trong nhà thường sẽ tặng cho con cháu những phong bao bì nhỏ, thường sẽ là màu đỏ tượng trưng cho tài lộc và may mắn; kèm theo đó là lời chúc mừng thêm tuổi mới mạnh khỏe, ngoan hơn, học giỏi hơn; còn con trẻ sẽ cảm ơn người lớn với lời chúc khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi…
Thời gian sau, mừng tuổi biến tướng thành một căn bệnh xã hội. Nó không còn mang ý nghĩa tượng trưng hay nét đẹp văn hoá như ngày đầu.
Mừng tuổi ngày càng “được thương mại hóa”
Ngày xưa, tiền lì xì vốn dĩ chỉ là tượng trưng, thể hiện những điều tốt đẹp được gửi gắm cho người nhận. Do đó, tiền mừng tuổi ngày xưa chủ yếu là tiền hào, tiền xu, tiền càng lẻ càng tốt, bởi theo quan niệm của ông bà xưa, tiền lẻ thể hiện cho sự sinh sôi, nảy nở và may mắn.
Thế nhưng, việc mừng tuổi ngày nay đã khác khá nhiều so với ngày xưa! Thay thế cho những đồng tiền lẻ ấy là những tờ tiền với mệnh giá khá cao và dĩ nhiên, lì xì không còn có ý nghĩa đơn thuần là mừng tuổi mới cho các bé mà còn ẩn chứa nhiều mục đích cá nhân khác. Dần dần, tết Nguyên Đán trở thành dịp để người lớn “quà cáp” cho nhau, thông qua hình thức lì xì cho con trẻ.
Mừng tuổi thành hoạt động "thương mại hóa"
Mỗi năm số tiền mừng lại càng nhiều hơn. Mừng ít, mừng 10 ngàn, 20 ngàn, thậm chí 100 ngàn còn bị khinh. Đúng vậy. Cho tiền còn bị chê là mừng ít và bị coi thường bởi người nhận. Phải 500K đến 1 triệu trở lên. “Sao mừng có 100K ki thế? Năm nay làm ăn thất bát à”
So sánh xem ai mừng nhiều hơn. Người mừng nhiều hơn được quý hơn. Người mừng ít hơn lạnh nhạt hơn. Từ bao giờ số tiền mừng tuổi được cho là thước đo của sự ưu ái.
“Chú X mừng 1 triệu, cô Y mừng có 100K”
Trẻ em cũng không còn hồn nhiên khi nhận tiền mừng tuổi nữa
Điều đáng buồn nhất khi phong tục mừng tuổi ngày càng bị “biến dạng” đó chính là trẻ em chẳng còn hồn nhiên như ngày xưa nữa. Dù với bất kỳ nguyên nhân nào đi nữa, là do các con được ba mẹ dạy như vậy hay do các con trưởng thành “quá nhanh” trong một xã hội mà vật chất dần chiếm ưu thế hơn tinh thần thì Tết đang dần trở thành dịp để “kiếm tiền” nhiều hơn và…dễ hơn!
Bạn trao cho con một phong bao lì xì, chưa kịp chúc con ngoan ngoãn hay giỏi giang đã nghe câu cảm ơn thật vội vã từ con. Và sau đó? Con sẽ mở phong bao ngay trước mặt bạn, con sẽ xịu mặt và thậm chí là bỉu môi nếu chẳng may trong phong bao ấy là một tờ tiền mệnh giá thấp: 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng và có khi 50 nghìn vẫn chưa làm con vui.
Tất nhiên, chúng ta không thể đánh đồng mọi trẻ em đều như nhau. Thái độ của các con, nhận thức của các con, cảm nhận của các con về Tết và phong tục ngày tết thật ra đều xuất phát từ cách mà bố mẹ dạy dỗ chúng và hành động của người lớn xung quanh. Đừng để Tết trở thành dịp người lớn “trả lễ” cho nhau, đừng biến mừng tuổi thành cách “buôn danh – trả nợ”, và đừng khiến những tâm hồn vốn trong sáng của con thơ nghĩ rằng: lì xì là phải thật nhiều tiền!



0 nhận xét:

Đăng nhận xét