NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

CẨN TRỌNG VỚI VIỆC TỰ MUA THUỐC PHÒNG, ĐIỀU TRỊ COVID-19 TRÊN MẠNG XÃ HỘI.

 

Trước thực tế số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vẫn còn cao, cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron - có khả năng lây lan nhanh, nhiều người dân không khỏi lo lắng, hoang mang và “truyền tai” nhau những đơn thuốc phòng và điều trị Covid-19. “Ăn theo” tâm lý nhiều người dân đang "săn lùng" mua thuốc phòng và điều trị COVID-19 để dự trữ sẵn phòng ngừa khi “khan hàng”; trên các trang mạng, mạng xã hội đang “nở rộ” việc buôn bán các loại thuốc như Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir... và sẵn sàng giao “hỏa tốc” với giá “trên trời”. Với việc quảng cáo tràn lan trên mạng, người dân dễ dàng mua được các loại thuốc phòng và điều trị Covid-19. Miễn chi tiền, là có thuốc. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các loại thuốc này chỉ ĐANG ĐƯỢC THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG và CHƯA ĐƯỢC CẤP PHÉP lưu hành tại Việt Nam, nhưng người dân vẫn uống.

Theo Bộ Y tế, các thuốc như: Molnupiravir, Favipiravir và Remdesivir đều chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành và mới chỉ được đưa vào sử dụng thí điểm có kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Bởi, dù có hiệu quả trên virus nhưng tác dụng phụ vẫn đang nghiên cứu với tác dụng chính của thuốc để đánh giá tác dụng nào nhiều hơn.

Như thuốc Molnupiravir có một số tác dụng phụ như rụng tóc, đau đầu, buồn nôn, mẩn ngứa… Vì thuốc ĐANG ĐƯỢC THỬ NGHIỆM nên có các tiêu chuẩn kiểm soát rất chi tiết, chặt chẽ như chống chỉ định với F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận… Do vây, thuốc CHỈ ĐƯỢC DÙNG KHI CÓ CHỈ ĐỊNH CỦA BÁC SĨ và phải THEO DÕI SÁT SAO TRONG KHI DÙNG để có thể can thiệp kịp thời nếu có biến chứng. Cùng với đó, các thuốc trong chương trình thử nghiệm đều có mã số quy định riêng. Người dùng không thể dựa trên mẫu mã để phân biệt vì tên thương mại hay quy cách đóng gói hoàn toàn có thể bị làm giả. Vì vậy, nếu sử dụng thuốc mua trôi nổi bên ngoài, sẽ dẫn tới hậu quả "tiền mất, tật mang".

Còn vấn đề uống thuốc để dự phòng Covid-19, các bác sĩ cho biết, đó là "chiêu trò" mà người bán hàng đồn thổi để bán được hàng và nhấn mạnh rằng hiện nay CHỈ CÓ VACCINE mới có thể giúp chúng ta phòng tránh và giảm các triệu chứng tăng nặng khi mắc Covid-19. Vì vậy, việc rao bán các loại thuốc chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép lưu hành, mua bán, sử dụng trên các trang mạng, mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, đồng thời làm giảm hiệu quả phòng chống dịch.

Trước tình hình mua bán thuốc điều trị Covid-19 tràn lan trên mạng, các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, với bất kỳ bệnh lý nào, thuốc uống phải được bác sĩ kê toa đúng thời điểm, phù hợp cơ địa người dùng. Vì vậy, không có công thức, toa thuốc chung nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Có những toa thuốc rất hữu hiệu với người này nhưng người khác dùng lại không hiệu quả, có những biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, khi sử dụng thuốc phải là những thuốc hợp pháp, được đăng ký, nhập khẩu theo nguồn chính thống, được sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Nếu chưa rõ nguồn gốc thật giả, người dân không nên tiếp tay, mua sử dụng.

#gocnhinnguoidalat

0 nhận xét:

Đăng nhận xét