NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Ông Thái Hạo lại sai bét rồi!

 

Lê Văn Hoàng

Vô tình lướt mạng gặp bài viết “Tất cả chúng ta thật lòng nói dối…” của tác giả Thái Hạo trên mạng xã hội. Tôi có vài lời trao đổi với ông nhân bài viết rất chủ quan cá nhân và hàm hồ này!

Được biết ông Thái Hạo gần đây nổi lên như một cây bút “bất đồng chính kiến”, một dạng “nhà dân chủ” bất mãn với chế độ hiện hành ở Việt Nam. Ông ta có rất nhiều bài viết với các góc nhìn khác nhau nhưng tựu chung lại bao giờ cũng là đả phá đổ lỗi cho Đảng và Nhà nước trong tất cả mọi việc từ lớn đến nhỏ.

Chính vì góc nhìn cực đoan mà đầy thiên kiến ấy nên trong mắt Thái Hạo “Thói gian dối ngập tràn khắp nơi”. Phải thừa nhận một số những biểu hiện của sự dối trá mà ông Thái Hạo nêu ra là có tồn tại trong xã hội hiện tại. Thậm chí đó là quy luật của muôn đời bởi từ khi con người có tiếng nói, có suy nghĩ thì sự dối trá đã xuất hiện.  Thói dối trá, thiếu trung thực và những biểu hiện của nó có thể đang tồn tại, hiện diện trong xã hội hằng ngày, hằng giờ, thậm chí trở thành thói quen của nhiều người. Đã có những thời điểm bản thân mỗi chúng ta trở nên thiếu trung thực mà trong vô thức cảm thấy không chút ngượng ngùng.

Nhưng ông Thái Hạo ạ, đừng như bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng; cũng như công an nhìn đâu cũng thấy tội phạm. Trong bất cứ xã hội nào để tồn tại và phát triển cũng đan xen cả cái xấu và cái tốt. Nhưng phải khẳng định cái tốt là xu thế chủ đạo, là dòng chảy chính. Nếu không thế, xã hội đó đã băng hoại và không thể tồn tại dài lâu.

Xin ông Thái Hạo đừng vơ đũa cả nắm kiểu như cái suy diễn quá cực đoan và những câu hỏi là vấn đề mà ông quy chụp rất thiếu thiện chí của ông: “Có bao nhiêu người đang say mê làm việc, sáng tạo trong 100 triệu người Việt? Có bao nhiêu người đang “tối ngày đày công”, có bao nhiêu người đang “sáng cắp ô đi tối cắp về”, có nhiêu người đang chờ từng ngày để về nghỉ hưu? Chúng ta đang có một xã hội trì trệ mà ở đó cấp trên nói dối cấp dưới, cấp dưới đối phó với cấp trên và cả hai cùng nhau đối phó với xã hội”. Ông không hề khách quan một chút gì trước một xã hội với bao điều tốt đẹp này hay sao, hoặc phải chăng ông cố tình bôi đen nó đi mới thấy vừa lòng, mới hả hê?

Có thể bản thân ông Thái Hạo do bất mãn với cuộc sống, với chế độ mới có thái độ và cách hành xử tiêu cực theo kiểu tự dối trá chính bản thân mình như vậy thôi. Chứ còn rất, rất nhiều tấm gương học tập và lao động ở ngoài kia đang ngày đêm hăng say cống hiến và sáng tạo. Họ đã ghi dấu ấn của mình không chỉ trong nước và cả trên trường quốc tế, xứng đáng với những người “công dân thế hệ mới” – “công dân toàn cầu”. Đừng giống như con ếch chỉ ngồi ở đáy giếng mà lại đi phán xét xung quanh và gom tất cả vào quỹ đạo nhận thức hạn hẹp của mình.

Xin đơn cử lấy ra một ví dụ, hẳn ông cũng biết vụ việc một giáo viên ở Đồng Nai xin thôi việc với lá đơn gây xôn xao mạng xã hội, trong đó nêu “tởm nhất là việc dối trá tràn lan”. Có thể thấy người thầy giáo này đã viết đơn trong trạng thái bức xúc quá mức khiến cho “cả giận mất khôn” như các cụ ta thường nói. Những thiếu sót, sai phạm của cơ sở giáo dục có thể tồn tại dưới dạng này hoặc dạng kia. Tuy nhiên, nếu có điều gì đó không bằng lòng, trước hết giáo viên phải có tiếng nói tới cơ quan, tới tập thể, tới cấp trên hoặc người có thẩm quyền để họ giải quyết. Không thể chỉ vì một vài lý do được nêu chung chung, không thuyết phục, không có đủ lý lẽ và chứng cứ… mà nhà giáo bất mãn, tự ý nghỉ việc và có cách hành xử thiếu chuẩn mực như vậy được. Có hiện tượng trên thực tế nhiều người bị cảm xúc cá nhân chi phối cộng với việc bất mãn một điều gì đó trong cuộc sống nên biến thành một kẻ cực đoan, lúc nào cũng “nhìn đời bằng con mắt hình viên đạn”; không tiết chế được bản thân, rồi từ sự giận dỗi cá nhân, không tự giải tỏa được thành ra là quy chụp cho cả hệ thống kiểu như thầy giáo đáng trách kia, rồi tới một ngày bỗng thấy mình đã quá hồ đồ, thấy lỗi, tự ngượng ngùng với chính bản thân về những phát ngôn, hành xử thiếu suy nghĩ trong lúc nóng giận, đáng ra không tới mức như vậy. Ấy thế mà Thái Hạo vẫn cố tình lợi dụng sự việc này, khi mà người thầy giáo đó đã thấy mình quá lời, thiếu suy nghĩ trong phát ngôn để soi mói, chọc ngoáy và công kích thể chế, bôi nhọ chế độ. Lại sai bét rồi Thái Hạo ơi. Quá thất vọng với một kẻ cực đoan cầm bút mang tiếng đã từng làm thầy như ông.

Xin trích dẫn vài câu trong bài thơ Phố ta của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ:

Bác thợ mộc nói sai rồi!

Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa

Tại sao cây táo lại nở hoa

Sao rãnh nước trong veo đến thế?

Hãy nhìn cây táo nở hoa, ngắm rãnh nước trong veo (trong thơ, hay là trong tâm hồn mình) để thấy đời không chỉ là xấu xa nhé, “bác thợ mộc” nhiều thiên kiến Thái Hạo ơi!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét