Internet và mạng xã hội (MXH) ở Việt Nam đã
trở thành công cụ vô cùng quen thuộc, là “một phần tất yếu” trong cuộc sống của
người dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây
dựng và bảo vệ đất nước. Thế nhưng, vừa qua trên một vài trang mạng vẫn xuất
hiện những giọng điệu cho rằng: Việt Nam vi phạm tự do internet, tự do MXH.
Thực
tế cho thấy Nhà nước Việt Nam luôn
nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của
con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận
thông tin, tự do internet nói chung và MXH nói riêng. Ngoài các báo điện tử, các trang tin, thông
qua MXH (Facebook, YouTube, Lotus, Viber, Zalo, Twitter, Instagram...), người
dân Việt Nam có thể tự do chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm,
ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Trong hệ thống chính
trị, bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương ở Việt Nam ngày càng nhiều
cơ quan, tổ chức sử dụng MXH để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính,
giữ mối liên hệ với người dân, nắm bắt và giải quyết kịp thời những tâm tư,
nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân… Hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tự do tiếp cận thông tin của công dân là cơ bản đầy đủ, đồng bộ và
tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Đặc biệt, Luật An ninh mạng
(ANM) đã dần đi vào cuộc sống, mang lại những hiệu
quả rất rõ nét, thiết thực trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, nhận thức, quan điểm về internet, MXH và
tham gia MXH của một số người chưa đúng, chưa đầy đủ. Không ít người dùng nghĩ
rằng tự do internet, tự do MXH là vô hạn, không thấy rõ sự gắn bó giữa quyền
lợi với nghĩa vụ và trách nhiệm của mình khi tham gia MXH. Do cách nhìn thiên
về mặt trái của MXH nên vẫn có người nhìn nhận MXH với thái độ thành kiến. Đi
kèm với tốc độ phát triển mạnh mẽ của internet, MXH, Việt Nam cũng là quốc gia
có nguy cơ xảy ra các hành vi phạm pháp từ MXH. Đặc biệt, tình trạng tin giả, lừa đảo, xuyên tạc, bịa đặt qua
MXH là một trong những vấn đề nhức nhối nổi lên thời gian qua. Sự bùng phát của
tin giả, tin xuyên tạc cũng một phần do chính những người tiếp cận thông tin,
những người tham gia MXH. Do nhận thức hạn chế, thiếu kiến thức và kinh nghiệm
cần thiết nên không ít người không biết thông tin mình tiếp cận là đúng hay
sai, có cơ sở khoa học hay không, tác động, ảnh hưởng đến người khác, đến xã
hội như thế nào nên đã đăng tải, chia sẻ, bình luận một cách tùy tiện, vô trách
nhiệm... Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động tạo ra rất nhiều
thông tin giả, thông tin xấu độc nhằm tuyên truyền xuyên tạc, kích động, làm
nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận, tạo sự bất ổn về an ninh
trật tự để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Một số đối tượng mang danh “thực hiện
quyền tự do ngôn luận” thông qua MXH để “bày tỏ quan điểm cá nhân” nhưng thực
chất là tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và đã bị xử lý trước
pháp luật. Sau mỗi trường hợp bị xử lý, các thế lực thù địch, phản động lại lu
loa rằng “Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận”, “vi phạm tự do internet”...
Cần khẳng định rõ rằng giọng điệu ấy không nhằm mục đích gì khác là bao che,
dung túng, tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật và sâu xa là chống phá
Việt Nam. Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do MXH là nhiệm vụ của mọi quốc gia trên
thế giới. Nhưng cũng như các quyền cơ bản khác, quyền tự do MXH chỉ được bảo vệ
khi nó được dùng vào mục đích đúng đắn và phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.
Mọi hành vi lợi dụng quyền này để vi phạm pháp luật thì không chỉ có Việt Nam
mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải xử lý nghiêm minh.
Để đối phó với nạn tin giả, tin xấu độc trên
không gian mạng, trước hết cần tuyên truyền, giáo dục để mọi người thấy rõ tính
nguy hại của vấn đề; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, nhất
là người tham gia MXH cần tỉnh táo trong tiếp cận thông tin để tránh bị lợi
dụng tiếp tay cho kẻ xấu, đồng thời tích cực đấu tranh với vấn nạn tin giả. Có thể ví MXH như cái chợ, ở đó người ta bán
đủ thứ thông tin, hình ảnh mà không ai kiểm chứng, kiểm duyệt. Ở đó có cả hàng
thật lẫn hàng giả, hàng nhái; lẫn cả hàng tươi ngon với hàng ôi thiu… Mỗi chúng
ta hãy trở thành những người “tiêu dùng thông thái” khi tham gia vào chợ thông
tin này. Hãy giữ cho mình tác phong thận trọng và luôn mang tâm thế của người
hiểu biết, tỉnh táo. Chỉ có như vậy mới tạo ra cho mình một bộ lọc chuẩn trong
thời đại “bão” thông tin này.
Cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới,
Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong
đó có tự do internet, MXH. Mặt khác, đối với những người vi phạm các quy định
của pháp luật trên không gian mạng, đăng phát các thông tin thất thiệt, lừa
đảo, xuyên tạc, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân...
các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Việt
Nam kiên quyết phản đối, đấu tranh với mọi hành vi lợi dụng quyền con người nói
chung và quyền tự do internet, MXH nói riêng để chống phá, can thiệp vào công
việc nội bộ của Việt Nam. Việc đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao
nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người dân đang được các cấp, các
ngành, các địa phương chú trọng thực hiện. Cùng với đó, trong thực hiện quyền
và nghĩa vụ của mình, điều quan trọng đối với mỗi người dân là phải hết sức
bình tĩnh, tỉnh táo trong tiếp nhận và xử lý thông tin. Trong khi thực hiện
quyền của mình, mỗi người còn phải tôn trọng quyền và lợi ích của tập thể, cá
nhân; luôn đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên hàng đầu, thể hiện rõ tinh thần
thượng tôn pháp luật.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét