NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2021

Tập trung dân chủ không phải là để Đảng “độc tài lãnh đạo”

    Ngày 14/7/2021, trên trang Thông Luận, Phạm Trần tung bài viết “Tập trung dân chủ là chết“; trong đó, không chỉ xuyên tạc bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng mà còn bịa chuyện, vu khống khi cho rằng: tập trung dân chủ là “chủ ý áp đặt ý muốn, quan điểm và chủ trương của đảng trên quyền được thảo luận dân chủ của cá nhân”; là “đám con cháu “Bác” đã tự tung tự tác không làm theo lời dậy của ông, hay đảng đã nhập nhằng trắng đen để độc tài lãnh đạo”…

    1. Sự thật, thì tập trung dân chủ chính là một nguyên tắc căn bản trong tổ chức và hoạt động, để phân biệt một chính Đảng Mácxít Lêninnit với một đảng phái khác. Tập trung và dân chủ là hai mặt không mâu thuẫn với nhau mà luôn thống nhất biện chứng, không thể tách rời. Trong đó, tập trung được thực hiện trên cơ sở dân chủ, hỗ trợ, bảo đảm để dân chủ được kiểm soát trong khuôn khổ; chứ không phải tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền… Còn dân chủ được thực hiện và bảo đảm của tập trung, giúp cho tập trung được thực hiện linh hoạt, hiệu quả; tránh dân chủ theo kiểu tùy tiện, phân tán, vô tổ chức, hình thức…
    Trong tư tưởng của V.I.Lênin, “chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”[1] và “không có gì sai lầm bằng việc lẫn lộn chế độ tập trung dân chủ với chủ nghĩa quan liêu và với lối rập khuôn máy móc”[2]. Cho nên, tập trung dân chủ là nguyên tắc rường cột chỉ đạo toàn bộ, xuyên suốt quá trình xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của một Đảng Cộng sản để xây dựng Đảng thành một tổ chức thống nhất, chặt chẽ, kỷ luật; đồng thời, chi phối các nguyên tắc khác của Đảng, bảo đảm để vừa phát huy được tính chủ động, năng động, sáng tạo mỗi cán bộ, đảng viên vừa kiểm soát được, để Đảng luôn là một tổ chức lãnh đạo/hành động/chiến đấu thống nhất chứ không phải là một “câu lạc bộ”.


Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng ta, 
nhất là trong công tác cán bộ.

    Là liên minh tự nguyện của những người cùng chung chí hướng cộng sản; cùng đồng chí, đồng lòng đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội/một chế độ xã hội tự do, dân chủ, công bằng vì con người và cho con người thì tất yếu Đảng Cộng sản phải là một tổ chức dân chủ mới phù hợp với bản chất và mục đích; phải được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và thống nhất mới đảm đương được sứ mệnh lịch sử ấy. Cho nên, Đảng phải được tổ chức, sinh hoạt và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; theo đó, tập trung và dân chủ có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời.
    Vì thế, bất cứ quan điểm/luận điệu nào cho rằng tập trung và dân chủ là hai mặt đối lập, cho nên, nếu thực hiện tập trung sẽ tất yếu dẫn đến thu hẹp dân chủ, triệt tiêu dân chủ và ngược lại, nếu muốn thực hiện dân chủ, ắt phải từ bỏ tập trung thì đều là trái với nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lênin, đều là phản động. Vì thế, việc xuyên tạc bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong các thủ đoạn chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nhằm từng bước hạ thấp vị thế, uy tín, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam, cần phải được nhận diện đúng!
    2. Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng theo nguyên tắc một Đảng Mácxít Lêninnit chân chính. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng luôn khẳng định và kiên trì thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là xuất phát từ bản chất của Đảng; từ yêu cầu, nhiệm vụ lịch sử của Đảng; từ kinh nghiệm của các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế. Điều 9 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ…”.
Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì “tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung” và “lãnh đạo mà không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không có cá nhân thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ.Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”…
    Dân chủ trong Đảng nghĩa là mọi cán bộ, đảng viên đều được tự do bày tỏ chính kiến của mình trong sinh hoạt Đảng, để bàn bạc, thảo luận và đi đến thống nhất về quan điểm, chủ trương… để không chỉ trong xây dựng nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống mà còn thể hiện rõ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tập trung trong Đảng để toàn thể đảng viên tư tưởng nhất trí và hành động nhất trí, để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”…
Thực tế, hơn 91 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ở Việt Nam, “nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ. Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung. Từ hội đồng nhân dân và ủy ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Thế là vừa dân chủ vừa tập trung”[3].
    Dân chủ vừa là bản chất vừa là động lực; đồng thời, cũng chính là mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân kiên định xây dựng trong suốt 9 thập niên qua. Đó là sự thật và sự thật này đã được kiểm chứng bởi lịch sử Việt Nam hiện đại; bởi sự tin tưởng, ủng hộ, đi theo của các tầng lớp nhân dân; bởi sự ghi nhận của các tổ chức quốc tế… Vì thế, nhận định của Phạm Trần: “Nhân dân, 85 triệu người đã người sinh ra và nuôi ăn 5 triệu đảng viên, chẳng được lợi ích gì với chủ trương “tập trung” vì nó chỉ bảo vệ vị trí lãnh đạo và thao túng quyến lực cho đảng. Nhân dân còn là ông chủ của đất nước nhưng lại là nạn nhân của những đầy tớ bất trung này” và “thực hành tập trung dân chủ trong đảng để lan tỏa ra toàn xã hội” là hoang tưởng, mị dân” chính là sự xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, nguyên tắc nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, hoạt động của Đảng nói riêng.
    3. Trên thực tế, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn là mục tiêu công kích, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội, xét lại… hòng phá hoại các Đảng Cộng sản nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng
    Việc cho rằng trong tập trung dân chủ, thì nếu đặt tập trung ở phia trước và dân chủ ở phía sau nghĩa là tập trung chính là mục đích, còn dân chủ chỉ là phương tiện chính là lập luận khiên cưỡng có chủ đích để đưa ra một luận điểm sai. Từ luận điểm sai này, những người nhân danh dân chủ, khoác áo dân chủ như Phạm Trần cho rằng, tập trung dân chủ chính là một hình thức “tập quyền, độc đoán bảo thủ” nó kìm kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân, nó chỉ là dân chủ hình thức… Từ đó, đã không chỉ tán dương dân chủ tự do kiểu phương Tây mà còn nhân danh dân chủ để đòi dân chủ vô hạn độ, kích động, ủng hộ nhiều người/phe nhóm đối lập sử dụng chiêu bài dân chủ để đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tự do ra báo, lập hội, biểu tình…
    Không chỉ cố tình không hiểu mà Phạm Trần còn cố tình xuyên tạc bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ và kích động nhân tâm khi cho rằng “tập trung dân chủ là chết” và đòi xóa bỏ nguyên tắc này. Việc xuyên tạc về tập trung dân chủ của Phạm Trần khi cho rằng, “dàn loa tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam đồng loạt tăng năng xuất tranh cãi về chủ trương “tập trung dân chủ”, thay vì “dân chủ tập trung” vào lúc bị chỉ trích đã tước bỏ vai trò ông chủ đất nước của dân” và đặt câu hỏi “thù địch ở đâu?” chính là một thủ đoạn thâm độc chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam.
    Thực tế cũng cho thấy, nguyên tắc tập trung dân chủ không phải lúc nào/nơi nào cũng được thực hiện một cách nghiêm túc. Lịch sử đã chứng kiến nguyên tắc này bị vô hiệu hóa trong quá trình cải cách, cải tổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và các Đảng Cộng sản ở các nước Đông Âu những thập niên trước. Việc từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ chính là một trong những sai lầm nghiêm trọng làm cho các Đảng này tan rã, mất vai trò lãnh đạo xã hội. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.Goócbachốp đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ khi quyết định giải tán Ban Chấp hành Trung ương Đảng… làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô tan vỡ.
    Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ “sợ bị mất quyền “tập trung dân chủ” ví nếu mất, quyền cai trị độc tài của đảng sẽ bị tiêu diệt” mà chính là Đảng đã, đang và sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc bài học của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu để kiên định thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, không ngừng hoàn thiện, thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn nguyên tắc này; tiếp tục xử lý đúng đắn quan hệ giữa lãnh đạo tập trung và phát huy dân chủ, bảo đảm để nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ được thực hiện nghiêm trong Đảng mà còn trở thành nguyên tắc quản lý của một xã hội văn minh, hiện đại nhằm xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, phát triển bền vững.

(theo Phụng Hoàng Nhi - Hương Sen Việt)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét