NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

TÁI SỬ DỤNG HAY SỰ VÔ MINH?


Ban đầu, đọc tựa bài báo, tôi không hiểu nổi. Nó lủng củng, tối nghĩa, khó hiểu và sặc mùi xu nịnh. Phải đến khi trên mạng xã hội tràn ngập bức ảnh chụp tít bài báo được đặt vị trí vedette trên tờ Đầu Tư, tôi mới chú ý và sửng sốt: tác giả bài báo là TS Nhị Lê, nguyên Phó TBT Tạp chí Cộng Sản. Với tác giả này, tôi phải đọc, hơn thế nữa, đọc kỹ.
Vài ba năm gần đây, tôi rất chú ý, quan tâm đến tác giả Nhị Lê vì những bài báo của ông.Tôi cho rằng, phần lớn đều có sức nặng lý luận trong hoài bão “chẩn bệnh” cho thể chế; góp ý, chỉ trích, phê bình thẳng thắn (về mặt học thuật) để bảo vệ lý tưởng Cộng sản ở Việt Nam. Ông sắc sảo, khá quyết liệt nhưng vẫn ôn hòa. Cảm nhận cá nhân của tôi là, ở vị thế của mình ông vẫn (hay bắt buộc) phải thận trọng để tránh sốc xã hội. Cách truyền thông duy nhất mà ông ấy có thể/ được phép là bằng phương pháp mũi kim tiêm - truyền thông một chiều, không tương tác tức thời. Đáng tiếc, cách nghĩ của ông khá lẻ loi, sự lên tiếng thì khá muộn, khi tuổi công chức đã xế chiều. Tôi không nghĩ TS Nhị Lê có tham vọng lập ngôn cá nhân, cố tạo ấn tượng cho mục đích gì khác. Vì như tôi thấy, trong các bài viết, ông quyết liệt nhưng mô phạm, chừng mực.
Tôi luôn tôn trọng, quý trọng những người học thuật thuần thành. Vì thế tôi vô cùng hoải nghi: TS Nhị Lê không thể là tác giả viết một tít báo tệ hại về mọi lẽ như tít trên báo Đầu Tư. Tôi không tin ông Nhị Lê viết thế. Hoặc là ông ấy muốn gợi cho người đọc nghĩ về điều gì đó mà đầu óc kém cỏi, tôi không hiểu nổi chăng?
Trao đổi với một nhà văn nữ lớn tuổi ở ngoài nước, tôi đã thẳng thắn nêu ra những nhận xét này. Thật may mắn, chị đã giúp tôi giải tỏa một phần nghi ngờ. Ngoại trừ tít bài bị thay gây “bão” dư luận mạng - chỉ chê, chưa thấy ý kiến tán đồng - toàn bộ nội dung bài trên báo Đầu Tư được copy nguyên xi bài “3 giềng mối phải giữ để Đảng luôn xứng đáng là đứa con nòi của nhân dân” đã đăng trên Thanh Niên số ra ngày 3-2-2019 và một vài tờ báo khác. Nội dung bài chỉ khác vài ba chữ bằng cách thức + 1: sửa 89 năm (ngày thành lập Đảng) thành 90 năm, 32 năm sau đổi mới thành 33 năm!
Vậy là rõ. Báo Đầu Tư đã “hâm” lại một bài báo cũ từ năm trước, chỉ sửa cái tít. Nhiều khả năng, tít bài đăng lại - rất ngớ ngẩn - là do BTV báo này bịa ra, nhằm thay đổi, che dấu hành vi ăn cắp lại một bài cũ trên báo khác. TS Nhị Lê có biết, có đồng ý với việc “đổi mới”, “thâm canh” bài viết cũ này hay không, tôi không rõ, không khẳng định. Tuy nhiên, điều này rất tệ hại. Không mấy ai bàn về nội dung bài báo. Dư luận xã hội chỉ nhìn vào tít bài tối nghĩa để chỉ trích, chê bai, dè bỉu dữ dội. Một nhà văn nữ khác đã viết trên trang cá nhân của mình đề nghị Đảng phải “trảm” cả tờ báo lẫn tác giả, vì “can tội” phá hoại, bôi nhọ Đảng.
Dù do ai, sự bạch hóa cũng cần thiết. Nếu đây là hành vi báo tự ý, lấy một nội dung trong bài rút thành tít, báo Đầu Tư cần ngay lập tức thừa nhận, xin lỗi cả người đọc và tác giả Nhị Lê, đồng thời phải nhận những hình thức xử lý tương xứng cho lỗi xào bài. TS Nhị Lê cũng cần lên tiếng ngay để bảo vệ sự vô can, trong sáng của mình. Nếu việc “xào nấu” và sửa tít được tác giả đồng ý, cả tờ báo lẫn tác giả phải đồng liên đới chịu trách nhiệm. Nếu rơi vào trường họp sau, với riêng tác giả, ngay cả có xin lỗi đi nữa, ông cũng đã coi như trở thành hư vô trong lòng bạn đọc từng tôn trọng và quý mến. Ít nhất, mọi thứ nơi ông sụp đổ về zero trong cảm nhận riêng của cá nhân tôi.
Tôi dẫn link hai bài báo cách nhau chẵn một năm, bạn đọc tự suy xét, trước khi người trong cuộc lên tiếng.
Nguồn: facebook lam hồng nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét