Trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta tiến hành
cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như thời kỳ đổi
mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước, Ðảng
ta luôn coi trọng vai trò to lớn của báo chí, truyền thông.
1. Quan điểm của Ðảng về vai trò của báo chí
và truyền thông đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Báo chí, truyền thông là vũ khí tư tưởng sắc
bén của Ðảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân, là
phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng
và hệ thống chính trị, là diễn đàn để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám
sát quyền lực, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh.
Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng to lớn và đa
dạng của nhân dân về thông tin, Ðảng ta chủ trương phát triển mạnh mẽ đi đôi
với quản lý tốt hệ thống báo chí, truyền thông. Ðảng lãnh đạo trong việc đề ra
các chủ trương, chiến lược phát triển, nội dung thông tin, công tác cán bộ, cơ
chế tài chính và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của báo chí, truyền
thông.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, trong những năm
qua, hệ thống báo chí, truyền thông đã góp phần to lớn vào việc tổ chức thực
hiện đường lối đổi mới của Ðảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, thật sự đóng
vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người,
khoa học, kỹ thuật, bảo vệ Tổ quốc. Ðặc biệt, báo chí, truyền thông trở thành
vũ khí quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,
quan liêu, tệ nạn xã hội. Hơn 70% số các vụ việc tham nhũng, lãng phí được phát
hiện, xử lý là do báo chí, truyền thông phát hiện. Thông qua phản ánh dư luận
xã hội, phân tích, đánh giá nguyên nhân và các bài học từ các vụ việc tham nhũng,
lãng phí, tiêu cực, báo chí, truyền thông đã góp phần răn đe, cảnh báo, ngăn
chặn một phần tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, giáo dục cán bộ, đảng
viên sống trong sáng, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh những ưu điểm, thành tựu to lớn và
căn bản đó, hệ thống báo chí, truyền thông Việt Nam không tránh khỏi những hạn
chế, khuyết điểm. Nhìn tổng thể, quy hoạch phát triển hệ thống báo chí, truyền
thông chưa thật sự khoa học, cho nên còn những bộ phận chưa hợp lý, chồng chéo
nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Có lúc, có nơi, sự chỉ đạo của cấp ủy
đảng, sự quản lý của cơ quan nhà nước chưa theo kịp tốc độ phát triển và tình
hình thực tế của báo chí, truyền thông. Một số cơ quan báo chí sa đà khi thông
tin các mặt tiêu cực của đời sống xã hội, chưa chú ý đúng mức việc phát hiện,
cổ vũ, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những mặt tích cực của
xã hội; hoặc có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm
tốt chức năng định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu
cực, chăm lo xây dựng con người. Trong thực tiễn, vẫn còn một số đối tượng bất
mãn hoặc thù địch chống phá chế độ, chống phá đất nước từ bên trong và bên
ngoài tung thông tin sai trái, xấu độc lên mạng xã hội, bóp méo sự thật, xuyên
tạc đường lối, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những
thông tin này là những tác nhân gây nhiễu về tư tưởng, văn hóa, ảnh hưởng xấu
đến sự đồng thuận trong nhân dân.
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo báo chí, truyền
thông ở Việt Nam có thể rút ra một số bài học:
Bài học thứ nhất có tính nguyên tắc bất di, bất dịch là phải
luôn luôn giữ vững sự lãnh đạo của Ðảng đối với báo chí, truyền thông, thực
hiện đồng bộ cả bốn khâu: định hướng phát triển; định hướng nội dung; công tác
cán bộ; công tác kiểm tra, kiểm soát, trong đó khâu cán bộ giữ vai trò quyết
định.
Bài học thứ hai, các cấp ủy Ðảng cần nhận thức đầy đủ và đúng
đắn về vai trò to lớn ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của báo chí, truyền thông đối
với xã hội, đối với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.
Bài học thứ ba, Ðảng cần thường xuyên chăm lo phát triển
hệ thống báo chí, truyền thông một cách khoa học, hợp lý, đồng bộ cùng với sự
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ðặc biệt là quan tâm đến công tác tổ
chức, cán bộ, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí, truyền
thông. Hệ thống tổ chức các cơ quan báo chí, truyền thông phải được xây dựng
khoa học, hợp lý, từng bước hoàn thiện về cơ chế vận hành; tạo điều kiện cho
hoạt động của báo chí đồng thời kịp thời phát hiện và kiên quyết đưa ra khỏi vị
trí lãnh đạo, quản lý đối với những người không đủ bản lĩnh chính trị, năng lực
chuyên môn, những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với báo
chí, truyền thông trong tình hình mới
Thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục có
những diễn biến phức tạp, khó lường. Xu thế truyền thông đa phương tiện, truyền
thông hội tụ phát triển thông tin đa dịch vụ, thông tin có tính tương tác, cá
nhân hóa thông tin… tiếp tục làm thay đổi sâu sắc lối sống và các mối quan hệ
xã hội, thúc đẩy sự đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, quản lý, phương thức
hoạt động, tổ chức sản xuất, trao đổi, xử lý thông tin của các cơ quan, tổ chức
hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng gay
gắt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, đặc
biệt là an ninh mạng. An toàn, an ninh thông tin mạng ngày càng trở thành vấn
đề quan trọng, nóng bỏng, bức xúc đối với mọi quốc gia, dân tộc, đối với từng
gia đình, từng cá nhân con người.
Những năm tới là thời kỳ Việt Nam bước sang
một giai đoạn phát triển mới, phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng
ASEAN và WTO, triển khai thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,
hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn so với giai đoạn trước. Tình hình
kinh tế - xã hội đã có nhiều cải thiện tích cực, nhưng cũng đang đứng trước
không ít khó khăn, thách thức về nhiều mặt. Nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân
dân ngày càng phát triển, đa dạng, phong phú hơn. Những nhiệm vụ đặt ra cho sự
nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trong
giai đoạn mới là rất to lớn.
Bên cạnh đó, sự phát triển vũ bão của công
nghệ thông tin, của mạng xã hội và của phương tiện truyền thông khác trên
internet cũng mang tới cả những hệ lụy, mặt trái, mặt phức tạp; các thế lực thù
địch, phản động chống phá Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Trong tình hình, điều kiện ấy, việc đổi mới,
tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí,
truyền thông là một yêu cầu khách quan, cấp thiết, có ý nghĩa vô cùng quan
trọng.
Thứ nhất, tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của các cấp ủy
đảng trong việc lãnh đạo, quản lý, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông,
nhằm phát huy tốt nhất vai trò của báo chí, truyền thông trong thông tin, tuyên
truyền, thực hiện các nhiệm vụ công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Ðảng,
đồng thuận của xã hội; coi trọng việc cổ vũ, thúc đẩy nhân tố mới, điển hình
tiên tiến, hạn chế những tác động tiêu cực, bất lợi. Tích cực, chủ động đấu
tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả
thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Không ngừng nâng cao chất lượng tư
tưởng, văn hóa, tính chiến đấu, tính nhân văn, tính hấp dẫn, tăng cường cơ sở
vật chất, kỹ thuật, các nguồn lực cần thiết cho hệ thống báo chí, truyền thông.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Ðảng, đề
cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trong các cơ quan
báo chí, truyền thông. Làm tốt công tác định hướng thông tin, cung cấp kịp thời
thông tin cho báo chí những vấn đề, sự kiện quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Rà
soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống báo chí, truyền thông
đại chúng, tránh trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí
nguồn lực.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định của Ðảng và các
văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực báo chí, truyền thông, làm rõ hơn thẩm
quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan lãnh đạo của Ðảng, quản lý
của Nhà nước, cơ quan chủ quản và từng cơ quan báo chí, truyền thông, các chủ
thể truyền thông xã hội trên môi trường internet. Tiếp tục tăng cường cơ chế
phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà
báo Việt Nam và các ban, bộ, ngành của Ðảng và Nhà nước trong công tác chỉ đạo,
quản lý hoạt động báo chí, truyền thông. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy
định đạo đức nghề nghiệp và giáo dục các chủ thể trong hoạt động báo chí,
truyền thông tự giác thực hiện.
Thứ tư, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào
tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp,
trình độ ngoại ngữ và những hiểu biết về quan hệ quốc tế cho đội ngũ người làm
báo. Coi trọng công tác rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý báo chí; thực
hiện nghiêm các quy định, quy trình về bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi đua, khen
thưởng, kỷ luật đối với cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí. Có kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng, bổ sung cán bộ có năng lực, đủ phẩm chất cho hệ thống báo chí.
Tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, nguồn lực và cơ chế để các cơ quan
báo chí chủ lực phát triển, trở thành những trung tâm báo chí đa phương tiện
mạnh, đủ năng lực chiếm lĩnh mặt trận thông tin, làm tốt công tác định hướng tư
tưởng và dư luận xã hội.
Thứ năm, tăng cường công tác thông tin đối ngoại, làm tốt công tác
quảng bá hình ảnh đất nước, các giá trị văn hóa đặc trưng của đất nước và con
người Việt Nam đến với nhân dân và bạn bè trên thế giới. Làm tốt công tác hướng
dẫn nhân dân trong việc tiếp thu những giá trị văn hóa tích cực, tiến bộ của
nhân loại; cảnh giác, phê phán, đấu tranh với các biểu hiện du nhập sản phẩm
văn hóa tiêu cực, trái với những thuần phong, mỹ tục của dân tộc, trái với các
giá trị nhân văn, tiến bộ của nhân loại.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để quản lý
mạng xã hội, các phương tiện truyền thông phi chính thống, phương tiện truyền
thông nước ngoài trên Internet hoạt động tại Việt Nam. Kiên quyết xử lý các
trang mạng xã hội truyền bá thông tin xấu độc, phản động, xâm hại đến sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sự lãnh đạo của Ðảng đối với báo chí, truyền
thông trong thời gian tới không chỉ là điều kiện, là động lực quan trọng để làm
tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi
các nhiệm vụ chính trị của đất nước, mà còn bảo đảm quyền sáng tạo của báo chí,
truyền thông, giúp báo chí, truyền thông hoàn thành trách nhiệm nặng nề, sứ
mệnh cao cả của mình đối với đất nước, nhân dân.
Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2017/10488/Vai-tro-lanh-dao-cua-ang-doi-voi-cong-tac-bao-chi.aspx
0 nhận xét:
Đăng nhận xét