NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

CẢNH GIÁC VỚI MƯU ĐỒ CỦA NHỮNG KẺ XUYÊN TẠC LỊCH SỬ

ảnh biếm họa
Họ là ai? Họ hành động như vậy nhằm mục đích gì? Hành động đó vì đất nước hay phản lại đất nước? Trả lời cho những câu hỏi trên không khó, nếu không muốn nói hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, vẫn cần phải nói lại, vạch mặt, chỉ tên những con người này để mọi người cảnh giác về mưu đồ thâm độc của những kẻ đã “bán linh hồn cho quỷ dữ”. Trước hết, gồm một số đối tượng là người Việt Nam từng làm việc cho chính quyền ngụy Sài Gòn đã trốn chạy theo làn sóng di tản từ trước và sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975 bởi sự tuyên truyền xuyên tạc về một cuộc “thảm sát đẫm máu” từ “Cộng sản Bắc Việt” của các thế lực thù địch. Những người một thời làm tay sai cho kẻ thù xâm lược chống lại dân tộc và nay vẫn mang nặng tâm lý hận thù, nuôi quyết tâm chống cộng đến cùng. Số khác lại gồm những người sinh ra, lớn lên trong chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhưng vì ngộ nhận, trót ăn trái đắng của các thế lực thù địch, hoặc đã “nhúng chàm” dẫn tới bất mãn, thoái hóa biến chất. Và đáng buồn là, trong số này còn có cả một số ít người từng là cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ được Đảng, Nhà nước ta đào tạo, sử dụng, được nhân dân nuôi dưỡng. Họ bị các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc, tâng bốc thành những “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà cải cách”, “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”,… ở Việt Nam. Lợi dụng sự phát triển của hệ thống truyền thông, như: in-tơ-nét, báo chí tiếng Việt ở hải ngoại, họ thường xuyên tung ra các luận điệu sai trái - những viên kẹo bọc đường “bắn” vào lịch sử dân tộc, nhất là những sự kiện, những thắng lợi của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ sử dụng nhiều luận điệu, lời lẽ khác nhau, kẻ thì “lập lờ đánh lận con đen”, lươn lẹo, tinh vi; kẻ thì hằn học, trắng trợn, bỉ ổi; lại có cả những người nêu vấn đề một cách nhẹ nhàng, tưởng như mang tính xây dựng “nên xem xét lại” sự kiện này, sự kiện kia, nhưng ẩn sau đó mưu đồ hết sức thâm hiểm, v.v. Tựu trung, mục đích không có gì khác là làm lung lạc nhận thức, tư tưởng, hạ thấp ý nghĩa lịch sử, gây nghi ngờ, chia rẽ trong nhân dân, tiến tới phủ định sạch trơn những thành quả cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã giành được và phải trả giá bằng máu thịt của mình.
Về thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Tám, có kẻ đã xuyên tạc trắng trợn sự thật và cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám chỉ là hành động nhanh tay cướp lấy chính quyền khi bộ máy chính quyền cũ đã bỏ trống”. Thực tế có phải vậy không? Họ quên hay cố tình lờ đi Lời kêu gọi của Ủy ban Quân sự Bắc kỳ, ngày 01-07-1945, đã nêu vắn tắt tình hình lúc đó: “Tiếng súng du kích kháng Nhật đang nổ kịch liệt. Phong trào du kích đang lan tràn ra các tỉnh thượng du và trung du Bắc kỳ. Quân du kích của ta đã làm chủ nhiều nơi, v.v. Các tầng lớp nhân dân, các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương kề vai sát cánh đánh đuổi thù chung”1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng được thành lập ở hầu hết các địa phương; nhân dân trực tiếp cử những người có uy tín, năng lực lãnh đạo cách mạng tham gia Ủy ban kháng chiến. Từ ngày 16 đến 17-8-1945, Quốc dân Đại hội ra Nghị quyết hiệu triệu nhân dân toàn quốc, các đoàn thể, tổ chức, lực lượng đoàn kết phấn đấu thi hành mười điều của cách mạng. Trong đó, tại Điều 1, Nghị quyết xác định: giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Nghị quyết còn nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nếu hoàn toàn độc lập”2. Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, nghệ thuật tổ chức, xây dựng lực lượng, tạo và chớp thời cơ cách mạng tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện đó còn khiến Bảo Đại - vị vua cuối cùng  của triều đại phong kiến phải ngỡ ngàng thốt lên rằng: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước thuộc địa”. Đó là sự thật lịch sử. Vậy mà theo cách nói của những kẻ chống đối thì những sự kiện trên như thể tự nhiên mà có, hiển nhiên “từ trên trời rơi xuống”, còn Đảng ta thì không hề có vai trò gì. Đó là luận điệu xuyên tạc trắng trợn, lố bịch!
Trong suốt 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975), dân tộc ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu mới giành được độc lập, tự do, Nam - Bắc thống nhất một nhà. Thế nhưng, có kẻ ngụy biện rằng: lẽ ra nhân dân ta tránh được hai cuộc chiến tranh tàn khốc chống Pháp, chống Mỹ nếu như các nhà lãnh đạo Việt Nam “khôn khéo, mềm mỏng hơn” trong quan hệ với Pháp và Mỹ. Có đúng vậy không? Hay họ cố tình “bỏ sót”? Điều này ai cũng biết, đó là thực dân Pháp đã có dã tâm quyết xâm lược nước ta một lần nữa. Sau hơn nửa thế kỷ nhìn lại, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng, người Pháp đã bỏ qua một cơ hội hòa bình để dấn thân vào một cuộc chiến tranh bẩn thỉu khi từ chối cái bắt tay hòa bình của Hồ Chí Minh. Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp được hai bên ký ngày 06-3-1946 đã thể hiện khát khao hòa bình cháy bỏng của nhân dân Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đại diện nói: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách,… Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm”3. Chính Tổng thống Pháp F. Mít-tơ-răng, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 02-1993, nói rằng: “Cuộc chiến tranh đó (tức chiến tranh Pháp - Việt 1945 - 1954) đối với tôi luôn luôn là một sai lầm” và “Cụ Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại nhưng không tìm được, dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, cụ Hồ Chí Minh đã bị đẩy vào cuộc chiến tranh”4.
Còn cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược thì sao? Ngay sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia hai, nhưng bản tuyên bố cuối cùng của Hiệp định còn ghi rõ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956. Thực hiện nghiêm túc Hiệp định, Đảng, Nhà nước ta muốn thực hiện một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ trên phạm vi cả nước, nhằm thống nhất đất nước trong hòa bình. Nhưng nguyện vọng chính đáng đó đã không trở thành hiện thực bởi sự từ chối thẳng thừng của chính quyền Việt Nam cộng hòa do Mỹ dựng lên. Thay vào đó, quân viễn chinh Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam Việt Nam. Thế mà, một số kẻ còn ngụy biện rằng “đây là cuộc nội chiến” - chiến tranh giữa những người Việt Nam - cuộc chiến giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Và rằng “đó là cuộc chiến tranh chống Cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam nhưng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kém cỏi nên đã thảm bại”! Đặc biệt, có kẻ còn mối hận thù trong lòng đã coi ngày đại thắng 30-4-1975 của toàn dân tộc là “nỗi tang thương to lớn”, là “ngày quốc hận”! Khỏi phải nói những luận điệu như thế là phi lý, phi lịch sử! Một dẫn chứng có đủ tầm ảnh hưởng và sức thuyết phục để phản bác lại quan điểm trên, đó là: trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, tháng 11-2000, Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn đã nói: “Nhiều người ở Mỹ đã hiểu sai, lầm tưởng rằng họ sang chiến đấu để giúp người Việt Nam được tự do và tự quyết”.
Sự thật lịch sử về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, được cả thế giới, trong đó, có nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ đồng tình ủng hộ, thừa nhận, ngợi ca, rằng: Việt Nam là lương tri của thời đại, biểu tượng của phẩm giá con người, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ngọn cờ đầu của phong trào chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX, v.v. Hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ xâm lược đã qua đi hàng nửa thế kỷ, các nhà sử học, trí thức, tướng lĩnh và chính giới ở Pháp, Mỹ trong nhiều cuốn sách, bài báo, hồi ức, tổng kết về chiến tranh đã thừa nhận những sai lầm và thất bại của họ khi xâm lược Việt Nam.
Việt Nam và Pháp, Mỹ hiện đã bình thường hóa quan hệ, trở thành những đối tác toàn diện của nhau, mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Trong khi hàng năm có hàng vạn Việt kiều ở hải ngoại về thăm quê hương, hưởng trọn niềm vui hòa giải, hòa hợp dân tộc theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cùng góp công sức xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh, vậy mà vẫn còn có một số ít người Việt Nam lưu vong trên đất Mỹ, đất Pháp cố tình quay lưng, ngoảnh mặt, tiếp tục “bắn” vào quá khứ hào hùng của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Thật phi lý! Họ thật không biết lịch sử đã dạy rằng: “gieo gió gặp bão”. Những kẻ cố tình “bắn” vào quá khứ, bắn vào lịch sử, làm vấy bẩn lịch sử dân tộc chắc chắn sẽ nhận được hậu quả tương ứng. Xét đến cùng đó là tội ác và “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Câu châm ngôn nổi tiếng ấy mang hàm nghĩa về luật nhân quả, cách ứng xử ở đời. Những kẻ cố tình “bắn” vào lịch sử dân tộc, trực tiếp là những sự kiện, nhân vật lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh - một trong những thời đại vẻ vang, hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, không thể không coi chừng!


Đại Nam (theo TRUNG DŨNG tạp chí QPTD)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét