NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

HẾT THỜI “VÀNG SON” CỦA BOLERO


Đêm chung kết cuộc thi "Thần tượng Bolero" 2018 khép lại khá lặng lẽ hôm 17/5 vừa qua. Theo nhận định chung thì sau 3 mùa lên sóng, "Thần tượng Bolero" ngày càng tỏ ra hụt hơi, không nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.
Không chỉ có "Thần tượng Bolero", nhiều chương trình truyền hình về bolero khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Phải chăng, bolero đã qua thời đỉnh cao và đang dần quay trở lại vị trí của chính mình?
Những cuộc thi hát bolero "hạ nhiệt"
Với lượng tin nhắn áp đảo - 43,37%, chàng Tiến sỹ triết học thế hệ 9X Duy Cường thuộc đội Huấn luyện viên Ngọc Sơn đã được vinh danh ở ngôi vị cao nhất của "Thần tượng Bolero" 2018. Chiến thắng của Duy Cường không khiến khán giả bất ngờ bởi anh là thí sinh sở hữu lượng fan khá đông đảo. Tuy nhiên, một số khán giả cho rằng, giọng hát của Duy Cường chưa thực sự xuất sắc và có màu sắc bolero riêng. Không có màu sắc riêng, Duy Cường khó có thể "bật lên" và thành danh với dòng nhạc bolero sau khi bước ra khỏi cuộc thi.
"Thần tượng Bolero" 2018 "giảm nhiệt" đáng kể so với hai mùa đầu. Mặc dù dàn huấn luyện viên năm nay đều là những "gạo cội" của dòng nhạc bolero. Sự xuất hiện của ca sĩ Như Quỳnh bên cạnh nghệ sỹ Ngọc Sơn và Quang Lê cũng không đủ sức hút để kéo khán giả đến trước màn hình.
Không chỉ có "Thần tượng Bolero", nhiều chương trình thi hát bolero trên sóng truyền hình từng được rất nhiều khán giả yêu thích cũng rơi vào tình trạng tương tự. "Solo cùng Bolero", "Tình bolero", "Cặp đôi hoàn hảo - Trữ tình và bolero", "Duyên dáng cùng bolero", "Tình bolero hoan ca"… cũng không còn sức hấp dẫn với khán giả như một vài mùa giải trước.
Điều này xuất phát từ nhiều lý do: một là, có quá nhiều chương trình giải trí trên truyền hình diễn ra cùng thời điểm và khán giả có thêm lựa chọn mới trong thực đơn giải trí; hai là, các chương trình liên quan đến bolero quá nhiều khiến công chúng cảm thấy "bội thực" trong khi chương trình không có nhiều đổi mới để thu hút khán giả.
Bên cạnh đó, với các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc thì chất lượng thí sinh có vai trò hết sức quan trọng. Quá nhiều cuộc thi hát bolero xuất hiện trong cùng thời điểm, trong khi số lượng thí sinh thực sự tài năng, có giọng hát hay, phù hợp với bolero thiếu vắng thì chất lượng chương trình đi xuống cũng là điều dễ hiểu. Sử dụng chiêu trò, khai thác quá sâu đời tư, chuyện bên lề của các thí sinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến khán giả không còn mặn mà với các cuộc thi hát bolero.
Quán quân các chương trình tìm kiếm tài năng bolero trên truyền hình đang ở đâu là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Từng được kỳ vọng sẽ "làm nên chuyện" sau khi đăng quang nhưng Trung Quang, quán quân "Thần tượng Bolero" mùa đầu tiên xuất hiện thưa thớt trên các phương tiện truyền thông.
Hellen Thủy, quán quân gây tranh cãi nhất trong ba mùa lên sóng của "Thần tượng Bolero" cũng không có được sản phẩm âm nhạc nào đáng chú ý. Khi đăng quang "Thần tượng Bolero" 2017, Hellen Thủy nhận không ít "gạch đá" từ cư dân mạng. Nhiều khán giả cho rằng, Hellen Thủy không xứng đáng với ngôi vị cao nhất của cuộc thi, thậm chí gọi cô là "Thảm họa Bolero" vì giọng hát bình thường và những phá cách làm "nát" bolero.
Tương tự như vậy, một số quán quân được tung hô trong cuộc thi nhưng sau đó cũng "lặn mất tăm". Đức Minh, quán quân "Tình bolero hoan ca 2017", Quỳnh Như, quán quân "Solo cùng Bolero 2016" xuất hiện lẻ tẻ, thưa thớt trong một vài chương trình ca nhạc. Tố My được xem là một trong những ca sĩ thành công nhất sau khi giành ngôi vị á quân của "Solo cùng Bolero" năm 2015.
Tố My xuất hiện trong nhiều chương trình, chạy show trong và ngoài nước nhưng vẫn bị đánh giá là chưa thoát ra khỏi "cái bóng" của nữ ca sĩ Như Quỳnh trong giọng hát, cách xử lý ca khúc. Trái ngược với Tố My, Thu Hằng, quán quân "Solo cùng Bolero" 2015 và Tuấn Hoàng, á quân thứ nhất của cuộc thi này lại không tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong showbiz.
Bolero đang thoái trào?
Một thực tế không thể phủ nhận là sự xuất hiện ồ ạt của những chương trình thi hát bolero trên truyền hình đã kéo theo nhiều vấn đề đáng phải suy ngẫm. Nhiều ca khúc không thuộc dòng nhạc này cũng được sử dụng trong các cuộc thi về bolero khiến khán giả hiểu sai về dòng "nhạc tình" này. Bên cạnh đó là hiện tượng biến tấu, làm mới bolero không theo nguyên tắc nào đã khiến những ca khúc bị "méo mó", thậm chí biến dạng. Đây cũng là vấn đề gây nên những luồng dư luận trái chiều trong dư luận.
Sở dĩ Hellen Thủy, quán quân "Thần tượng Bolero" mùa thứ hai không nhận được sự ủng hộ của công chúng là vì đã cố gắng làm mới bolero theo cách của riêng mình. Trong một phần thi, cô đã thể hiện bản mashup hai ca khúc nổi tiếng là "Duyên phận" và "Vùng lá me bay" với tạo hình cô dâu xinh đẹp trong tà áo dài trắng.
Hellen Thủy.
Các huấn luyện viên của chương trình giành tặng học trò Đàm Vĩnh Hưng những "lời khen có cánh". Tuy nhiên, hàng loạt khán giả lên tiếng cho rằng, bản mashup của Hellen Thủy là một tiết mục thất bại vì cô không lột tả được cảm xúc đau khổ của nhân vật trong ca khúc. Cách hát nhấn nhá bị cho là "thừa thãi", như "nấc cụt" không truyền tải được tinh thần hai ca khúc được rất nhiều khán giả yêu thích.
Cũng trong "Thần tượng Bolero" 2017, ca khúc "Về dưới mái nhà" với phần trình diễn sôi động của thí sinh Triều Quân, ca khúc "Thành phố buồn" kết hợp giữa bolero và beatbox của thí sinh Chu Hoàng Tuấn cũng bị khán giả chê tơi tả. Khán giả cho rằng, đó không phải làm mới mà phá nát dòng nhạc truyền thống bolero.
Với những khán giả trung thành của bolero thì dòng nhạc này là nhạc trữ tình, nhẹ nhàng, tình cảm, phản ánh nhiều cung bậc cảm xúc sâu lắng của con người. Họ không chấp nhận làm mới bolero theo cách mà một số nghệ sỹ trẻ đang thực hiện, trong đó có trào lưu bolero remix.
Đã có thời điểm, "nhà nhà hát bolero, người người hát bolero" xuất hiện. Ca sĩ ở nhiều dòng nhạc khác nhau đổ xô hát bolero bất chấp giọng hát của mình có phù hợp với bolero hay không. Thậm chí, trong những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí, các thí sinh cũng lựa chọn bolero để thể hiện. Có nghệ sĩ đã phải thốt lên, đại ý rằng, bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi.
Tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng, sự trở lại ồn ào của bolero thời gian qua chỉ là một trào lưu nhất thời, giống như rất nhiều trào lưu khác trong thị trường âm nhạc, sớm hay muộn cũng sẽ bị thay thế. Chỉ có điều, sự trở lại của bolero lần này bị đẩy lên quá cao vì sự tức thời của các nhà sản xuất chương trình âm nhạc trên truyền hình.
Nhiều thí sinh tìm đến các cuộc thi tìm kiếm tài năng bolero không phải vì đam mê mà đơn thuần là tìm kiếm cơ hội tỏa sáng nhờ dòng nhạc đang có nhiều người yêu thích. Họ coi bolero như "phương tiện" để kết nối khán giả, "bệ phóng" để bước chân vào showbiz.
Nhiều ca sĩ hát bolero không phải vì có chất giọng phù hợp hay thử sức mà đơn thuần là để bắt nhịp xu hướng thời thượng, chiều lòng khán gỉa hâm mộ. Sau tất cả, nhạc bolero không có thêm sáng tác mới hay được bổ sung bằng những gương mặt nghệ sỹ mới tâm huyết. Nhiều người hát bolero nhưng rất hiếm giọng hát nào có màu sắc, phong cách riêng.
Nhạc Việt không thể phát triển nếu chỉ chạy theo trào lưu. Nghệ sỹ không thể thành công nếu không có phong cách riêng trong sáng tạo nghệ thuật. Sự thoái trào của bolero có lẽ lại là một tín hiệu đáng mừng cho nhạc Việt bởi nhạc Việt cần phải trở lại với giá trị thực của mình. Nhạc Việt cần được xây dựng trên nền tảng vững chắc với lớp nghệ sỹ thực sự tài năng, tâm huyết, tận tâm sáng tạo và cống hiến. Những giá trị ảo không thể và không bao giờ tạo nên nền móng vững chắc cho sự phát triển âm nhạc Việt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét