NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

TINH GỌN TỔ CHỨC, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY: VẤN ĐỀ, GIẢI PHÁP VÀ KHUYẾN NGHỊ


Thứ nhất, khắc phục triệt để tình trạng song trùng hệ thống tổ chức, bộ máy vốn tồn tại rất lâu ở nước ta giữa hệ thống tổ chức đảng (lãnh đạo và cầm quyền) với hệ thống tổ chức chính quyền nhà nước (quản lý) dẫn tới trùng lắp, chồng chéo, lẫn lộn về chức năng và nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm, làm hạn chế chất lượng và hiệu quả hoạt động và gây lãng phí nguồn lực.
Hơn 30 năm đổi mới vừa qua, với nỗ lực đổi mới hệ thống chính trị, Đảng ta đã nhận rõ tình huống này trong thiết kế mô hình tổ chức trong điều kiện Đảng cầm quyền và đã nhiều lần giải quyết, đã đạt được những bước tiến nhất định, song trước yêu cầu phát triển vẫn cần phải tiếp tục khắc phục thật triệt để tính song trùng tổ chức đó. Đây là đầu mối cần giải quyết trong đổi mới hệ thống chính trị và tinh gọn tổ chức. Về thực chất, phải khắc phục tình trạng “nhà nước hóa”, “hành chính hóa”, “quan liêu hóa” trong tổ chức, trong phương thức hoạt động, trong lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Cần phải làm rõ Đảng và Nhà nước là hai thực thể chính trị, hai chủ thể chính trị khác nhau: lãnh đạo của Đảng khác quản lý của Nhà nước. Đây là sự khác nhau về vai trò, chức năng, nhiệm vụ. Đảng cũng khác Nhà nước về mô hình tổ chức, về phương thức hoạt động, về những thể chế trong hoạt động. Từ đó Đảng cũng phải khác Nhà nước về yêu cầu nhân lực, về phương pháp, phong cách làm việc, hoạt động giữa cán bộ đảng với công chức nhà nước. Đây là những vấn đề chưa được quan tâm làm rõ. Đảng và Nhà nước thống nhất trong mục tiêu, đối tượng phục vụ (xã hội và nhân dân) nhưng không đồng nhất Đảng với Nhà nước về tổ chức và cán bộ.
Đảng chú trọng vào đường hướng chiến lược của phát triển (trong Cương lĩnh, đường lối), trong hệ quan điểm, nguyên tắc về ý thức hệ, về xây dựng Đảng, về lãnh đạo công tác tổ chức và cán bộ, về giáo dục, thuyết phục... trong khi đó Nhà nước phải thực sự là quyền lực do nhân dân ủy quyền trong quản lý, có chức năng chính trị và chức năng xã hội (phục vụ nhân dân), chú trọng thể chế hóa quyền lãnh đạo của Đảng, chất lượng đội ngũ công chức, sức mạnh của quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, thể chế dân chủ - pháp quyền.
Đảng cần chuyên gia ở tầm chiến lược hơn là thiên về bộ máy như hệ thống công quyền. Bộ máy đảng phải phản ánh đặc thù của Đảng và đặc trưng của lãnh đạo chính trị chứ không “đồng dạng” với bộ máy nhà nước.
Tóm lại, để tinh gọn tổ chức, trước hết phải làm thật rõ quan hệ giữa Đảng với Nhà nước trong điều kiện Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền, với yêu cầu rất cao về dân chủ - pháp quyền, mọi tổ chức, hoạt động và hành vi phải trên tinh thần hợp hiến, hợp pháp.
Tinh gọn tổ chức được đặt ra không chỉ với hệ thống công quyền (Nhà nước) mà với ngay bản thân Đảng và tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, ở tất cả các cấp độ. Tùy thuộc vào tính chất và yêu cầu công việc mà trình tự thực hiện tinh gọn tổ chức có thể cân nhắc, tính toán ở Trung ương hay ở địa phương và cơ sở.
Thứ hai, tinh gọn tổ chức là sắp xếp lại tổ chức và bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế, không chỉ nhân sự làm việc chuyên môn mà còn nhân sự lãnh đạo, quản lý. Tình trạng quá nhiều cấp phó, lại có nơi quá nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, giữ chức vụ, cả “hàm” chức vụ nhưng quá ít nhân viên như đã từng xảy ra là phi lý, nghịch lý không thể không xử lý.
Sẽ không có một nền kinh tế nào, dù tiềm lực mạnh đến đâu có thể nuôi nổi bộ máy cồng kềnh tầng nấc. Nó cũng trái với tinh thần dân chủ và mục đích phục vụ dân, trái với đạo lý, bởi mọi chi phí lớn nhỏ cho bộ máy đều lấy từ tiền đóng thuế của nhân dân. Tinh gọn bộ máy tổ chức là hợp lòng dân, hợp với yêu cầu và đạo lý của phát triển. Song tinh gọn tổ chức phải đi liền với tinh giản biên chế, phải bảo đảm chất lượng nhân lực, chất lượng công việc, chất lượng hoạt động vì mục đích chất lượng phục vụ nhân dân và cuộc sống của người dân.
Do đó, tinh gọn tổ chức không phải là phép cộng số học, là thay đổi cơ học giản đơn, tách rời lượng với chất. Nó phải thực sự là tổ chức lại, cơ cấu lại tổ chức theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Kinh nghiệm đã qua (mà phần lớn là không thành công) của việc “tách - nhập”, “nhập - tách” các cơ quan, các địa phương ở nước ta, gây nhiều xáo trộn, lãng phí, tốn kém, giảm hình thức về số lượng đầu mối tổ chức nhưng không tăng chất lượng hoạt động, nhất là rơi vào nghịch lý biên chế không giảm mà lại tăng lên, là vấn đề rất nhức nhối phải tiếp tục xử lý.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới, nghĩa là thay đổi cơ chế, chính sách cùng với hoàn thiện thể chế, tạo động lực cho tinh gọn tổ chức, phá vỡ các rào cản, thậm chí cả sức ỳ hữu hình lẫn vô hình trong thiết kế và thực thi hệ thống tổ chức mới, công tác tổ chức, công tác cán bộ theo yêu cầu mới. Cái hỏng, cái bất cập của cơ chế cùng với sự lạc hậu của chính sách là ở chỗ không khuyến khích con người say mê làm việc, tìm tòi sáng tạo, phát huy tài năng trở thành chuyên gia mà trái lại, dù ngoài ý muốn vẫn chỉ khuyến khích con người ta chạy theo con đường trở thành quan chức, tìm kiếm danh lợi, chức quyền, bổng lộc. Nó tất yếu sinh ra những tiêu cực chạy chọt các mối quan hệ, cơ chế “xin - cho” dù vô hình, bất thành văn nhưng rất tai hại. Nó dẫn tới lợi dụng, lạm dụng quyền lực, chức trách, cương vị, các liên kết “nhóm lợi ích”, “lợi ích nhóm” bất minh, bất chính. Không triệt để sửa chữa cơ chế, chính sách, không siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chế tài trong quản lý, không chú trọng chất lượng cán bộ, phẩm giá nhân cách, đạo đức công chức, kỷ luật công vụ thì không thể giải quyết thực chất vấn đề tinh gọn tổ chức. Mấu chốt vẫn là con người, “đầu tiên là công việc với con người” (Hồ Chí Minh viết trong Di chúc của Người).
Thứ tư, khắc phục tình trạng công chức hóa toàn bộ cán bộ đảng trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc cũng như các đoàn thể chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị.
Theo đúng nghĩa chặt chẽ của nó, công chức chỉ có trong bộ máy công quyền, khu vực nhà nước. Cán bộ đảng, cán bộ Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể là những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp, làm công tác xã hội, phải có cách ứng xử khác với họ để không rơi vào công chức hóa, hành chính hóa, quan liêu hóa. Phải có hệ thống thang bảng lương khác, các chế độ, chính sách khác thích ứng với đối tượng này, nó cũng liên quan tới hoạt động dân vận, giám sát, phản biện sao cho thực chất chứ không hình thức.
Thứ năm, theo tinh thần cải cách “Thà ít mà tốt” phải xem xét lại cấu hình của hệ thống chính trị nước ta, ở tất cả các cấp độ. Có nên có quá nhiều tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị như hiện nay hay không? Cơ cấu hệ thống đảng nên có những tổ chức nào, cơ cấu nhà nước, nội các chính phủ sẽ “cấu trúc lại” ra sao, các đoàn thể hiện nay từ Trung ương tới địa phương nên tổ chức và hoạt động ra sao trong Nhà nước pháp quyền, các hoạt động của người dân trong các tổ chức đoàn thể cần được tạo điều kiện như thế nào để phù hợp với xu hướng dân chủ trực tiếp sẽ ngày càng được mở rộng.
Tựu trung, để đổi mới chính trị và hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, xã hội ổn định và phát triển lành mạnh, phải giải quyết vấn đề bức xúc về tinh gọn tổ chức, mà trước hết Đảng lãnh đạo và cầm quyền phải tự đổi mới chính mình để tạo xung lực, động lực cho đổi mới Nhà nước và hệ thống chính trị nói chung.
Văn kiện Đại hội XII đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị đó của Đảng, tạo tiền đề rất thuận lợi cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức ở nước ta. Văn kiện nhấn mạnh: “Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ”(1)... “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần phải phòng ngừa đối với đảng cầm quyền”(2).
Đó là những vấn đề lý luận và thực tiễn cốt yếu cần quan tâm nhận thức đúng, xử lý tốt về thể chế, thiết chế (tổ chức, bộ máy), cơ chế, chính sách, nguồn lực và phân bổ nguồn lực để thực hiện tinh gọn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta./.
ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét