Đề án "Một
số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt
động hiệu lực, hiệu quả" ngay từ khi ra đời cho đến khi được Bộ Chính trị
thông qua đã thu hút được quan tâm chú ý của đông đảo người dân.
Trong đó, người
chấp bút và bảo vệ Đề án này chính là Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị,
Bộ trưởng Bộ Công an.
Hẳn sẽ có không
ít người đặt ra câu hỏi, vì sao Bộ Công an lại có động thái đổi mới, sắp xếp tổ
chức bộ máy. Trước hết, vì đó là yêu cầu chung được các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà
nước đặt ra trong bối cảnh hiện nay, đó là: Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị
Trung ương 6 (khóa XII) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết
số 19-NQ/TW về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý,
nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Có thể nói vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính
trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã được đặt ra khá lâu,
nhưng dường như đây là thời điểm được các cấp thể hiện sự quyết tâm cao độ để
thực hiện.
Mấu chốt của vấn
đề này là tinh giản bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời tăng năng suất,
thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.
Trả lời báo chí
khái quát về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của Đề án này, Thượng tướng Tô
Lâm cho rằng: Tổ chức, bộ máy của Công an nhân dân từ khi thành lập đến nay là
quá trình phát triển có tính lịch sử và đều xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo
vệ an ninh, trật tự trong từng giai đoạn cách mạng; sau mỗi lần cải cách, kiện
toàn được hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành
Công an và sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, Thượng
tướng cũng chỉ ra Đề án dựa trên quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ;
các quan điểm của Đảng về xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước và xây dựng lực lượng
CAND đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị
quyết số 04-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW đồng thời căn
cứ vào kết quả tổng kết quá trình hình thành, phát triển, kế thừa có chọn lọc,
phát huy những ưu điểm của tổ chức, bộ máy Bộ Công an trong hơn 70 năm qua.
Như vậy có thể
thấy Đề án ra đời là một quá trình căn cứ vào hoạt động thực tiễn của ngành
Công an được đặt ra trong bối cảnh hiện nay cũng như tình hình chung của các
ngành khác. Vì thế Đề án này không bị lạc lõng, không phải chỉ riêng của ngành
Công an nên dễ hiểu vì sao Đề án được Bộ Chính trị thông qua.
Trước Bộ Công
an, Bộ Công thương đã có lộ trình sắp xếp, thu gọn từ 35 đơn vị xuống còn 30
đơn vị, giải tán một Tổng cục và nâng cấp một Cục lên Tổng cục... Bên cạnh đó,
một số bộ, ngành cũng đã có những động thái nhằm tinh giản bộ máy với những lộ
trình khác nhau, tùy từng đặc điểm, đặc thù riêng.
Tuy nhiên, cho đến
nay, dường như Đề án cải cách ngành Công an được đưa ra trong thời gian qua được
cho là mạnh mẽ, quyết liệt nhất. Theo đó, sẽ “xóa sổ” các Tổng cục, các cơ quan
cấp Cục cũng sẽ sắp xếp lại, đồng thời sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp
công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân. Tổ chức lại Cảnh sát
Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gắn với công an tỉnh,
thành phố để bảo đảm gắn kết, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ
theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Điểm đáng lưu ý
trong Đề án được đưa ra là về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an không thay đổi.
Khi mới nghe về
Đề án này, hẳn sẽ có không ít ý kiến được đưa ra. Hoặc là đồng tình vì Đề án đã
chạm đúng “điểm yếu” của bộ máy cồng kềnh đã tồn tại nhiều năm nay, đây là thời
điểm thích hợp để cải tổ. Hoặc có những lo ngại vì việc làm này động chạm đến vấn
đề “con người” với các tướng lĩnh, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ ngành Công an ảnh
hưởng quyền lợi, chức vụ…
Với một Đề án
mang tính bước ngoặt như vậy nên dễ hiểu sự quan tâm cũng như lo ngại của nhiều
người. Bởi câu trả lời cho Đề án này vẫn còn ở phía trước và phải chờ đợi trong
tương lai.
Được biết người
chấp bút cho đề án này – Thượng tướng Tô Lâm trên cương vị tư lệnh ngành Công
an chưa lâu nhưng đã để lại nhiều dấu ấn khi liên tiếp đưa ra những quyết định
mang tính đột phá như: Đồng ý huỷ bỏ điều 292, Bộ Luật Hình Sự 2015; Quyết định
lộ trình chi tiết cho chính sách bỏ “sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, CMND” cho đến năm
2020; Quyết định bỏ yêu cầu đặt máy chủ của các hãng nước ngoài tại Việt nam…
Nhìn lại những quyết định này của Thượng tướng có thể thấy ông không vì lợi ích
cá nhân, lợi ích của thiểu số mà vì lợi ích của số đông, của người dân. Lợi ích
của người dân luôn được ông đặt lên hàng đầu. Vì thế dễ hiểu vì sao những quyết
định được ông đưa ra trước đó khiến người dân vui mừng, củng cố niềm tin và đặt
nhiều kỳ vọng ở Thượng tướng.
Cùng với đó, mới
đây Thượng tướng Tô Lâm đã ban hành Công điện số 795/BCA-V11 gửi Công an các
đơn vị, địa phương về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm,
suy thoái trong Công an nhân dân.
Có thể nói, song
song với quá trình thực hiện Đề án, việc ban hành công điện này là kịp thời,
đúng lúc, hợp lòng người. Bởi thời gian gần đây, một số cựu quan chức của ngành
Công an đã dính vào sai phạm nghiêm trọng khiến nhiều người không khỏi hoài
nghi. Hơn thế, trong quá trình thực hiện Đề án đổi mới ngành Công an chắc chắn
khó tránh khỏi những khó khăn. Vậy nên Công điện về siết chặt kỷ luật, kỷ
cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong ngành thể hiện bản lĩnh, sự quyết
tâm, nghiêm minh, mong muốn những thay đổi tích cực của vị tư lệnh ngành nói
riêng và toàn ngành nói chung.
Từ những gì đã
làm, đã thể hiện của Thượng tướng Tô Lâm trong thời gian qua, với Đề án sắp xếp
lại ngành Công an lần này nhiều người đặt niềm tin và hi vọng sẽ tạo nên bước đột
phá, mang lại thành công của một đầu óc “dám nghĩ, dám làm”. Nếu không quyết
tâm thực hiện, chấp nhận những khó khăn để vượt qua thì mãi mãi là rào cản cho
sự thay đổi và phát triển không chỉ của một ngành mà của các ngành khác.
ST
0 nhận xét:
Đăng nhận xét