Câu
chuyện về người cựu chiến binh Mỹ và cô gái người Việt gây xôn xao mạng xã hội
Câu chuyện về người lính Mỹ và cô gái người Việt Nam trong thời chiến gây xôn xao cộng đồng mạng nhiều ngày qua - Ảnh chụp màn hình. |
Khoảng 2-3 ngày qua, cộng đồng dùng mạng
xã hội Facebook tại Việt Nam xôn xao chia sẻ nhau câu chuyện tình đầy cảm động
về 1 người lính Mỹ cùng cô thiếu nữ người Việt trong những năm kháng chiến.
Trong câu chuyện ấy, người lính Mỹ và cô
gái người Việt là mối tình đầu của nhau. Biến cố lịch sử khiến họ phải xa cách,
đến khi gặp lại thì cô gái đã có chồng con, còn chàng trai thì vẫn ở vậy một
mình. Cuối cùng, vì bệnh nặng mà chàng trai qua đời, anh để lại cho cô cùng các
con món thừa kế giá trị cùng lời trăn trối: "Nếu có kiếp sau, xin em đừng
nói lời xin lỗi".
Câu chuyện kể trên có sử dụng 1 hình ảnh
thời cũ để minh họa. Hình ảnh đó chụp 1 cô gái người Việt có mái tóc dài đen
óng, cô mặc chiếc áo trắng, quần xanh chân phương, lịch sự. Đứng bên cô là
chàng trai trẻ người nước ngoài trong bộ phục trang quân đội. Họ cầm tay nhau,
trao nhau ánh mắt âu yếm đầy tình cảm.
Câu chuyện xuất hiện trên mạng xã hội
khiến cộng đồng mạng xôn xao. Ai đọc hết câu chuyện cũng phải nghẹn ngào, xúc động
bởi mối tình thật đẹp nhưng cái kết lại quá buồn và đầy tiếc nuối.
Nhiều người tin rằng hình ảnh đính kèm
trong bài viết chính là 2 nhân vật thật. Tuy nhiên, cũng không ít người đã nhận
ra đôi nam nữ trong hình ảnh minh họa cho câu chuyện trên lại không hề là nhân
vật chính thực sự. Câu chuyện được kể kia có thể là thật, hoặc không, nhưng cô
gái và nam thanh niên trong tấm hình kia lại bước ra từ 1 câu chuyện tình khác
hẳn nối dài hơn 13 ngàn cây số.
Câu
chuyện tình thực sự của cựu chiến binh Mỹ và người phụ nữ Việt Nam trong tấm ảnh
Năm 1969, Trung sỹ Jim Reischl, thuộc lực
lượng không quân Mỹ, đến Việt Nam vào năm 21 tuổi. Ông đóng quân tại căn cứ Tân
Sơn Nhất bên ngoài Sài Gòn (bây giờ được gọi là thành phố Hồ Chí Minh).
Tại đây, ông gặp gỡ và đem lòng yêu 1
thiếu nữ tên Linh Hoa (tên thật là Nguyễn Thị Hạnh). Tình yêu giữa 2 người nảy
nở ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ.
Tháng 7/1970, chàng thanh niên Jim
Reischl rời Sài Gòn trở về nước, chia tay với Linh Hoa. Cô gái trẻ đã nói với
anh rằng cô đã mang trong mình giọt máu của anh nhưng chàng binh sỹ không tin
điều đó. Anh về nước với nỗi nhớ và không ít ân hận.
2 nhân vật trong tấm hình chính là Trung sỹ Jim Reischl và cô thiếu nữ tên Linh Hoa - Ảnh: FB. |
Tại Mỹ, Reischl sinh sống tại bang
Minnesota và trở thành một nhân viên vẽ bản đồ cho chính phủ. Ông từng kết hôn
2 lần, có 1 đứa con trai. Ông cũng gặp một vài vấn đề về sức khỏe liên quan đến
chất độc da cam.
Thời gian trôi đi nhanh chóng, ông
Reischl cũng luôn bận rộn với cuộc sống riêng, nhưng ông vẫn không ngừng nhớ đến
mối tình đầu năm xưa ở Sài Gòn.
Năm 2005, cuộc hôn nhân thứ 2 của ông kết
thúc, Reischl bắt đầu tìm kiếm người phụ nữ mà ông từng yêu ở Việt Nam. Ông chỉ
nhớ bà tên là "Linh Hoa" nhưng cũng biết đó dường như cũng không phải
là tên thật.
Năm 2012, với sự giúp đỡ của các tình
nguyện viên của tổ chức Father Found, ông Reischl đã trở lại Việt Nam sau 42
năm. Từ đó, mỗi năm ông đều sang Việt Nam 1 lần, có năm 2 lần để tìm lại Linh
Hoa. Ông đăng tin trên báo chí rằng: "Anh
đang tìm em. Anh đã tìm em nhiều năm rồi. Anh không trông chờ một mối quan hệ
nào cả. Anh chỉ muốn em biết vậy thôi. Anh chỉ muốn lại được nói chuyện với một
người phụ nữ tuyệt vời mà anh đã gặp trong năm 1969 và năm 1970".
Tháng 9/2015, một phụ nữ 64 tuổi ngồi cạnh
người chồng nằm liệt giường của bà ở làng Mỹ Luông, Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà đang thong thả đọc tin trên một chiếc
ipad, và chú ý đến một bài báo về những đứa trẻ bị bỏ rơi trong chiến tranh.
Khi trượt trang web xuống, bà đã bị sốc khi nhìn thấy bức ảnh thời trẻ của bà
cùng người lính Mỹ - mối tình năm xưa – Reischl.
Bà chính là Linh Hoa (Nguyễn Thị Hạnh) -
người ông Reischl đang kiếm tìm.
Sau khi nhìn thấy bài báo, bà Hạnh đã
quyết định gửi email cho phóng viên, người đã giúp bà liên lạc với Reischl ở
bang Minnesota, Mỹ. Hai người trao đổi bằng tin nhắn, cuộc gọi và Skype. Cuộc hội
ngộ của họ diễn ra tại nơi bà Hạnh sinh sống.
Cánh cửa mở ra. Khi nhìn thấy một người
phụ nữ nhỏ nhắn trước mặt, ông Reischl thốt lên: "Thật vui khi lại được gặp
em… một lần nữa". Ông dang rộng cánh tay của mình, và bà Hạnh bật khóc.
Bà Hạnh bật khóc khi gặp lại mối tình đầu vào năm 2015 - Ảnh: Washington Post |
Bà Hạnh và ông Reischl có 1 cô con gái.
Vào năm 1970 sau khi ông Reischl chuyển ra ngoài, bà Hạnh đã suy sụp rất nhiều.
Bà rời Sài Gòn và về ở một vùng nông thôn.
Ngày 18/10/1970, bà đã hạ sinh một bé
gái với đôi mắt to và làn da sáng màu. Bà đặt tên con là Nguyễn Thanh Nguyên Thủy.
Bà giải thích, cái tên của bé có nghĩa là "giọt nước mắt đầu tiên", bởi
vì không có ai ở bên cạnh bà vào lúc sinh con.
Vào thời điểm đó, bà Hạnh 19 tuổi. Bà đã
nhờ một người bạn đưa con đến gửi ở một trại trẻ mồ côi, với suy nghĩ rằng thỉnh
thoảng bà vẫn có thể đến thăm con được. Thế nhưng người bạn biến mất, và khi bà
đến tìm con ở trại trẻ, các sơ khẳng định họ không thấy hồ sơ của bé ở đây.
Sau đó, bà kết hôn với một người đàn ông
sau khi đất nước thống nhất. Chồng bà đến hiện tại đã nằm liệt giường nhiều năm
sau một cơn đột quỵ. Họ có với nhau 2 người con hiện đã trưởng thành.
Đã nhiều năm trôi qua, bà Hạnh cho biết
bà vẫn luôn tìm kiếm đứa con gái đầu của mình. Khi bà Hạnh và ông Reischl gặp lại
nhau, ước vọng tìm lại được con gái của 2 con người đầu đã hai thứ tóc lại càng
thêm mãnh liệt.
Nụ cười của đôi tình nhân sau gần nửa thế kỷ gặp lại - Ảnh: Washington Post |
Cuộc hội ngộ của 2 người xuất hiện trên nhiều trang báo tại Mỹ - Ảnh chụp màn hình |
Ông
Jim Reischl chia sẻ suy nghĩ khi thấy hình ảnh của mình minh họa cho một câu
chuyện "không liên quan"
Quay lại với câu chuyện tình về người
lính Mỹ và cô thiếu nữ Việt Nam có sử dụng hình ảnh của ông Reischl cùng bà Hạnh
đang gây sốt cộng đồng mạng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với "nam
thanh niên" trong tấm ảnh đó, giờ đã là người đàn ông 68 tuổi.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Reischl cho
biết ông đã có đến hơn 60 lời mời kết bạn trên Facebook sau khi câu chuyện nói
trên được đăng tải. Đồng thời, việc người viết câu chuyện trên sử dụng hình ảnh
của ông khiến ông phiền lòng vì chưa được hỏi ý kiến trước.
"Tôi
rất phiền lòng khi họ sử dụng hình ảnh của tôi với bà ấy rồi sau đó kể một câu
chuyện... không liên quan, không biết người viết lên câu chuyện đó có ý định gì
phía sau hay không.
Một
cách ngẫu nhiên sau khi câu chuyện được đăng tải, một ai đó đã bình luận vào bức
ảnh, tôi đã nghĩ rằng có vẻ như người đó chính là đứa con gái mà tôi đang tìm
kiếm. Tuy nhiên, bình luận đó đã xuất hiện từ ngày 18/1/2016. Hiện tôi vẫn luôn
chờ đợi những manh mối mới về con gái mình"
- ông Reischl chia sẻ.
Ông Reischl cũng tâm sự, từ năm 2012 đến
nay, năm nào ông cũng đến Việt Nam ít nhất 1 lần. Lần gần đây nhất là cách đây
4 tháng, khi đó ông đã ghé thăm thác Bản Giốc và nhiều địa danh khác của Việt
Nam. Lần tiếp theo, ông Reischl sẽ tới Việt Nam vào tháng 1/2019.
"Mỗi lần đến Việt Nam, tôi luôn cố
gắng đi du lịch, tham quan Việt Nam nhiều nhất có thể. Tôi yêu người Việt Nam,
đó là lý do khiến tôi đến đó rất nhiều" - ông Reischl cho biết.
Ông Reischl kể thêm, ông và bà Hạnh hiện
tại vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua internet và gặp gỡ nhiều lần. Qua
đó, ông biết hiện bà Hạnh rất khỏe mạnh và có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc cùng
con cháu.
ST
0 nhận xét:
Đăng nhận xét