Kinh tế - xã hội năm 2017 và quý
I-2018 đạt nhiều thành tựu. Xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành lập mới
doanh nghiệp cao hơn dự kiến. Khách du lịch đến Việt Nam lên đến 13 triệu lượt,
tăng 29,1%. Khu vực nông nghiệp mặc dù chịu tác động nặng nề của thiên tai, bão
lũ nhưng vẫn tăng 2,9%, kim ngạch xuất khẩu trên 36 tỷ USD. Với mức tăng trưởng
GDP đạt 6,81%, cao nhất kể từ năm 2007, Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng
cao nhất trong khu vực và toàn cầu.
Hoạt động đối ngoại với điểm nhấn
là Năm APEC 2017 đã nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đến
nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, hình thành 26 khuôn
khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có 5 nước ủy viên thường
trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; có quan hệ kinh tế với 224 quốc gia và vùng
lãnh thổ.
Thế nhưng trên một số trang mạng xã
hội, những thế lực thù địch ở trong và ngoài nước, những kẻ tự xưng là “người
yêu nước”, “người bất đồng chính kiến” lại tìm cách xuyên tạc, bóp méo giá trị
lịch sử, ý nghĩa thời đại ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Có kẻ còn viết về thất bại của Hoa
Kỳ rằng: “Đó là sự nhân nhượng của Chính phủ Mỹ” chứ không phải là chiến thắng
của Việt Nam; Hoa Kỳ “đưa quân” vào Việt Nam không phải nhằm thống trị Việt Nam
mà muốn “đưa Việt Nam về với thế giới tự do”. Thậm chí xuyên tạc thành “Cuộc
chiến tranh xâm lược của miền Bắc với miền Nam”!
Năm 2017, bộ phim “Chiến tranh Việt
Nam” (The Vietnam War) được phát trên kênh truyền hình PBS và đưa lên Internet
(có phụ đề tiếng Việt), trong đó, nhóm tác giả đưa nhiều hình ảnh tang thương,
chết chóc trong chiến tranh mà bất cứ cuộc chiến tranh nào trên thế giới cũng
không thể tránh khỏi, rồi bình luận, đổ tất cả lỗi lầm, những tổn thất về sinh
mạng, của cải lên quân dân ta.
Một số di tản ở nước ngoài còn nguỵ
biện rằng, đó là: “Cuộc chiến tranh Việt Nam mang tính chất ủy nhiệm”; “cuộc
chiến tranh mang tính ý thức hệ”,… Những bình luận đó hoàn toàn là những luận
điệu xuyên tạc sự thật, đổi trắng thay đen, phủ nhận sự thật lịch sử một cách lố
bịch với âm mưu, ý đồ chính trị đen tối.
Về bản chất, chiến thắng 30/4 bắt
nguồn từ đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đúng đắn, sáng tạo của Đảng
ta, từ truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã khái quát thành một chân lý của thời đại “Không có gì quý hơn độc lập,
tự do”. Về mặt lịch sử, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là sự tiếp nối
cuộc Cách mạng tháng Tám, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước,
ngoài ra không có bất cứ một lý do nào khác.
Với Hoa Kỳ, nguyên nhân thất bại của
họ bắt nguồn từ giới cầm quyền hiếu chiến thời kỳ đó đã đánh giá sai nội dung của
thời đại ngày nay. Đó là thời đại, các dân tộc đã nhận thức được quyền dân tộc
tự quyết, về quyền lựa chế độ xã hội, lựa chọn con đường phát triển của mình mà
không có bất cứ một thế lực nào có thể cản trở.
Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy,
cuộc chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi của phương Tây) là một cuộc chiến
tranh xâm lược do Mỹ khởi xướng, với sự tiếp tay của ngụy quyền Sài Gòn. Trong
suốt 21 năm chiến tranh, với quyết tâm chiếm bằng được miền Nam Việt Nam, Mỹ đã
thay đổi 5 chiến lược quân sự, huy động tới hơn nửa triệu quân, cùng hàng vạn
quân Đồng minh làm xương sống cho hơn 1 triệu quân nguỵ. Trong thời kỳ này, Hoa
Kỳ cũng đã nhiều lần dùng thủ đoạn ngoại giao, hòa hoãn với nhiều nước lớn XHCN
để rảnh tay xâm lược Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã sử
dụng tất cả những vũ khí, kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất, kể cả hàng rào “điện
tử”, pháo đài bay B52, vũ khí sinh học, hóa học, hòng đưa Việt Nam trở về “thời
kỳ đồ đá”. Trong cuộc chiến tranh này, Hoa Kỳ đã ném xuống Việt Nam 7,8 triệu tấn
(gấp hơn 3 lần số bom, đạn Mỹ sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai và gấp
12 lần so với chiến tranh Triều Tiên).
Mỹ cũng đã rải xuống miền Nam Việt
Nam 85 triệu lít chất độc hóa học điôxin. Hậu quả là hơn một nửa diện tích rừng
của Việt Nam đã bị thiêu rụi và đến nay di chứng của chất độc trên con người và
đồng ruộng vẫn còn tồn tại.
Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã mất
trên 58.000 binh sỹ (chết và mất tích), tiêu tốn 676 tỷ USD, đưa cuộc chiến
tranh Việt Nam trở thành một trong những cuộc chiến tranh tổn thất nhiều sinh mạng
và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Đối với dân tộc ta, để giành được
thắng lợi trong cuộc chiến tranh khốc liệt đó, hơn 3 triệu đồng bào, chiến sĩ cả
nước đã ngã xuống; hàng ngàn làng mạc, thành phố đã bị san phẳng, đến nay nhiều
di chứng chất độc trên đã chuyển sang thế hệ thứ hai, thứ ba.
Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên
sự giúp đỡ chí tình, to lớn của nhân dân các nước XHCN, nhất là nhân dân Liên
Xô, Trung Quốc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Song chiến thắng
của dân tộc ta bắt nguồn từ đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam - kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; bắt nguồn từ
truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc.
Thực tế cho thấy hoàn toàn không có
chuyện nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, bảo vệ độc
lập dân tộc, thống nhất đất nước để thực hiện vai trò “ủy nhiệm” của một lực lượng
chính trị nào đó, cũng không có chuyện cuộc chiến tranh này “mang tính ý thức hệ”;
càng không có chuyện cuộc chiến chống ngoại bang xâm lược là cuộc chiến “nồi
da, nấu thịt”.
Thất bại của Hoa Kỳ còn bắt nguồn từ
đánh giá sai về bản chất chính trị của họ. Họ đã lẫn lộn mục tiêu cuộc đấu
tranh bảo vệ giá trị dân tộc ta với vai trò của ý thức hệ. Điều này, chính
Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người được xem là “kiến trúc sư”
của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ viết trong cuốn hồi ký mang tựa đề
“Hồi tưởng” xuất bản năm 1995 thừa nhận.
Ở phần tổng kết ông đã rút ra/thừa
nhận 11 sai lầm mà Mỹ đã vấp phải. Theo ông, đó là những “sai lầm một cách tồi
tệ”. Về chính trị, đáng chú ý có những sai lầm sau:
“1. Chúng ta (Mỹ) đã đánh giá sai
khi đó (và từ đó đến nay) những chủ đích địa chính trị của các đối thủ là mở rộng
làn sóng đỏ xuống Đông Nam Á và chúng ta đã phóng đại những mối nguy hại từ
hành động của họ đối với nước Mỹ;
2. Chúng ta xem xét nhân dân và
lãnh đạo của miền Nam Việt Nam chỉ bằng trải nghiệm của chúng ta... Chúng ta
đánh giá sai hoàn toàn những lực lượng chính trị trong đất nước đó (có thể Hoa
Kỳ đã đánh giá sai uy tín của chính quyền Sài Gòn);
3. Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh
của tinh thần của một dân tộc có thể huy động và sự hy sinh vì đức tin về giá
trị của họ;…
8. Chúng ta không chịu thừa nhận rằng,
nhân dân lẫn lãnh đạo của chúng ta đều không thông suốt mọi sự… Chúng ta không
được Thượng đế ban phát cho quyền được nhào nặn một dân tộc theo hình ảnh của
chúng ta hay theo cách mà chúng ta lựa chọn” (“11 sai lầm của Mỹ trong chiến
tranh Việt Nam” Robert McNamara. Dân Trí, 22-4-2005).
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
của nhân dân ta đã làm thức tỉnh lương tri của nhân loại. Không ít cựu chiến
binh tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã trở lại Việt Nam với những
tâm trạng khác nhau. Ông Lawrence Colburn, là xạ thủ trên máy bay trực thăng
thuộc Đại đội Charlie (Mỹ), người lính Hoa Kỳ đã cố gắng chống lại cuộc thảm sát
504 thường dân ở Mỹ Lai 16-3-1968. Năm 2008, tức 30 năm sau sự kiện Mỹ Lai, ông
được Chính phủ Mỹ trao tặng Huân chương Người lính, phần thưởng cao quý nhất của
nước Mỹ cho sự dũng cảm trong các nhiệm vụ không trực tiếp chiến đấu (vì ông đã
cố cứu những nạn nhân ở Mỹ Lai). Sau 40 năm, lần này đến Việt Nam ông “gửi lại
Bảo tàng Sơn Mỹ Huân chương anh hùng ấy” (“Người lính Mỹ ngăn chặn thảm sát Mỹ
Lai qua đời”. Zing.Vn 10:55 18-12-2016).
Tất nhiên vẫn còn không ít người
lính trong đội quân xâm lược Việt Nam không được thanh thản như Lawrence
Colburn, mà giờ đây với sự thức tỉnh lương tri của nhân loại tiến bộ, cũng như
lòng ăn năn day dứt của chính họ, cùng với thời gian giúp họ gác lại quá khứ,
hướng tới tương lai…
Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền
Nam, thống nhất đất nước, chúng ta bày tỏ tinh thần khoan dung, hòa hiếu của một
dân tộc có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng chống giặc ngoại xâm,
nhưng không cho phép bất cứ ai, với danh nghĩa gì được phép xuyên tạc, bóp méo
ý nghĩa lịch sử mà cả dân tộc đã hy sinh bao xương máu mới giành được.
Tiến sĩ Cao Đức Thái
0 nhận xét:
Đăng nhận xét