Quốc An
Nhân một số vụ
việc trẻ em bị bạo hành, gần đây, trên một vài trang mạng thiếu thiện chí với
Việt Nam ở nước ngoài xuất hiện những bài viết thể hiện cách nghĩ, cách nhìn
sai lệch về vấn đề này ở Việt Nam. Chẳng hạn, khi bàn về nguyên nhân dẫn đến
tình trạng bạo hành trẻ em ở Việt Nam trong bài: “Ai có lỗi trong vụ bé gái 8
tuổi “chết vì bạo hành” và ai bảo vệ trẻ em Việt Nam?” trên BBC NEWS tiếng Việt,
có người cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là “xã hội không coi đứa trẻ là một CON
NGƯỜI”… và Việt Nam “là Quốc gia đang thiếu thiết chế bảo vệ trẻ em”;…
Cần hiểu đúng về
pháp luật Việt Nam
Cần khẳng định
cách nhìn nhận như nêu trên là chưa đúng với thực tế, dễ gây hiểu lầm quan điểm,
đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con
người, mà cụ thể ở đây là việc bảo đảm quyền sống, được tôn trọng về nhân phẩm
và bất khả xâm phạm về thân thể.
Hiến pháp Việt
Nam đã hiến định và ghi nhận rõ quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể,
quyền được tôn trọng danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, nhục hình của mọi
cá nhân. Quyền này cũng được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật, đặc biệt là
các Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự.
Theo quy định của
Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam mọi người dân đều có quyền bất khả xâm phạm
về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án Nhân dân hoặc của Viện kiểm
sát Nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người phải
đúng pháp luật. Mọi hình thức truy bức, nhục hình, đối xử vô nhân đạo, xúc phạm
danh dự, nhân phẩm của người dân đều bị nghiêm cấm. Ngoài ra, ở Việt Nam, mọi
người dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; thư tín, điện thoại, điện tín của
cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Đối với người nước ngoài cư trú ở Việt
Nam cũng được bảo hộ các quyền trên.
Quyền trước
tiên và quan trọng nhất của con người là quyền sống. Nhà nước Việt Nam đặc biệt
ưu tiên và đã có những nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm quyền sống cho mọi người
dân, kể cả những người phạm tội. Mọi hành vi xâm phạm quyền sống của con người
bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị nghiêm trị theo quy định của
pháp luật. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã dành
33 điều luật quy định những mức án nghiêm khắc đối với các tội trực tiếp hoặc
gián tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Do yêu cầu đấu
tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý, Việt Nam vẫn duy trì hình
phạt tử hình. Hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với những người phạm tội đặc biệt
nghiêm trọng; không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội chưa thành
niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Nhà nước Việt
Nam đã và đang chủ trương thu hẹp dần phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và tiến
tới xóa bỏ hình phạt này trong tương lai. Theo hướng đó, bộ Luật Hình sự Việt
Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã giảm thiểu việc áp dụng án tử hình từ
29 tội danh xuống còn 15 tội danh, thuộc 06 nhóm tội phạm.
Quyền tự do, bất
khả xâm phạm về thân thể và tôn trọng nhân phẩm được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Một mặt, pháp luật nghiêm trị những hành vi xâm phạm quyền tự do, quyền bất khả
xâm phạm thân thể của con người; mặt khác, quy định rất chặt chẽ các căn cứ, điều
kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền áp dụng các biện pháp như việc bắt giữ, tạm
giam theo hướng ngăn ngừa việc lạm dụng dẫn đến vi phạm. Bộ luật Hình sự có các
điều khoản nghiêm cấm các hành vi tra tấn, dùng nhục hình và bức cung. Quy chế
Trại giam, hiện hành đã quy định cụ thể về chế độ quản lý, giam giữ phạm nhân;
chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chữa bệnh; chế độ lao động, học tập của phạm
nhân. Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá, văn nghệ; được khám
sức khoẻ định kỳ, ít nhất một năm một lần; được học văn hoá để xoá mù chữ, phạm
nhân chưa thành niên được phổ cập tiểu học, được nghe phổ biến thời sự, chính
sách, học các chương trình giáo dục công dân, được học và việc dạy nghề với phạm
nhân chưa thành niên là bắt buộc …
Xuất phát từ
chính sách khoan hồng và truyền thống nhân đạo, hàng năm Nhà nước Việt Nam đều
tiến hành các đợt đặc xá phạm nhân vào dịp các ngày lễ lớn của dân tộc. Từ khi
thực hiện chủ trương này, đã có hàng chục nghìn phạm nhân được đặc xá. Dự kiến
dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ có thêm hàng nghìn phạm nhân được hưởng đặc
xá. Đây là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam về việc đối xử nhân đạo,
khoan hồng với tù nhân, những người lầm lỡ, tạo điều kiện cho họ trở về với cuộc
sống lương thiện.
Đối với tình trạng
bạo lực gia đình, trong đó có bạo hành, ngược đãi trẻ em là vấn đề phức tạp
không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Quan điểm của Nhà nước Việt Nam
về vấn đề là rất rõ ràng. Quy định về xử lý đối với loại tội phạm này đã được
nêu rõ trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ, sung năm 2017. Ngoài ra có
có nhiều văn bản dưới luật khác được ban hành như: Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16-5-2017
về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Chỉ thị số
08/CT-TTg ngày 4-2-2020 đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình ; Chỉ
thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực
hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em ;…
Xử lý nghiêm vụ
việc xảy ra
Cùng với đó, Chính
phủ Việt Nam yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo tăng
cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại
trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử
lý các vụ hành hạ, xâm hại trẻ em.
Chính phủ Việt
Nam đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo tòa
án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều
tra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh các vụ án có
liên quan đến hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật để
răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Chính phủ Việt
Nam cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và
các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, vận
động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện,
thông tin, thông báo, tố giác các hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em; tăng cường
giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Đối với cha, mẹ,
người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình, Chính phủ đề nghị nêu cao
trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm,
danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; nâng cao kiến thức, kỹ năng cần
thiết để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với
chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ trẻ em.
Trẻ em là tương
lai của đất nước
Không chỉ có vụ
việc này mà, tất cả các vụ việc tương tự xảy ra đều được các cơ quan chức năng
của Việt Nam tiến hành điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh các đối tượng theo
quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm. Nhà nước Việt Nam không dung
túng, bao che, tiếp tay cho bất kỳ loại tội phạm nào. Đặc biệt quan điểm của Đảng
và Nhà nước Việt Nam: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất
nước. Bởi vậy, với tội phạm hành hạ, xâm phạm trẻ em, Nhà nước Việt Nam xác định
phải quyết liệt bằng nhiều biện pháp để đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ.
Như vậy, có thể
khẳng định quan điểm của Nhà nước Việt Nam về bảo đảm quyền con người nói
chung; quyền sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về
thân thể, trong đó có quyền bảo vệ trẻ em nói riêng là rất rõ ràng. Hệ thống
pháp luật của Việt Nam hiện hành là khá đầy đủ và đồng bộ. Tất nhiên tùy vào
tình hình nhiệm vụ từng giai đoạn và sự phát triển của xã hội, Việt Nam thường
xuyên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm hệ thống pháp luật ngày hợp pháp,
hợp lý, rõ ràng, công khai và minh bạch.
Nhà nước Việt
Nam luôn trân trọng các cơ quan, tổ chức có thiện chí đưa những thông tin đúng,
có cơ sở, trên tinh thần xây dựng về quyền con người ở Việt Nam nói chung và
quyền sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể,
trong đó có quyền bảo vệ trẻ em nói riêng. Nhưng ngược lại, Việt Nam kiên quyết
lên án, phản bác mọi luận điệu bóp méo, xuyên tạc sự thật, lợi dụng dân chủ,
nhân quyền để chống phá Việt Nam. Bởi những luận điệu, chiêu trò bóp méo, xuyên
tạc ấy không hề góp phần thúc đẩy nhân quyền mà thực chất chỉ là hành động xúc
phạm, phá hoại các giá trị nhân quyền mà thôi./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét