Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024
Vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam - LB Nga
Campuchia mãi ghi ơn sự giúp đỡ của quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam
Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
Quan hệ Campuchia-Việt Nam gần gũi và tin cậy
Minh chứng phản bác các nhận định sai lệch trong “Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2024” của USCIRF
Ngày 1/5/2024, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) - một tổ chức do Chính phủ Mỹ lập nên đã công bố cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024” với những thông tin phiến diện, sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
USCIRF và những báo cáo sai lệch
Năm 1998, Chính phủ Mỹ đã thông qua Đạo luật Tự do tôn giáo quốc tế, trên cơ sở đó lập ra USCIRF. Tổ chức này được Chính phủ Mỹ trao quyền nghiên cứu và báo cáo về tình hình tự do tôn giáo của từng quốc gia, ngoại trừ tình hình tự do tôn giáo của Mỹ. Hằng năm, USCIRF đã đưa ra báo cáo thường niên về vấn đề tự do tôn giáo của các nước và khuyến nghị Ngoại trưởng Mỹ đưa các nước được họ coi là không có tự do tôn giáo vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo – CPC”. Những nước trong danh sách CPC sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt dưới các hình thức khác nhau.
Ngày 1/5/2024, USCIRF đã công bố cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024” với những thông tin phiến diện, sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Bên cạnh việc đưa ra những nhận định cho rằng tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam không có gì thay đổi so với năm trước, cáo buộc chính quyền sử dụng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để đàn áp các nhóm tôn giáo của người thiểu số và các nhóm tôn giáo không được chính phủ công nhận, USCIRF tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam khi kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo – CPC vì cho rằng Việt Nam đã “đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”!
Dựa trên những thông tin sai lệch từ các cá nhân, tổ chức chống phá Việt Nam, USCIRF tiếp tục cho rằng, “nhà chức trách Việt Nam tiếp tục bách hại các nhóm tôn giáo sắc tộc như người Thượng và người Mông theo đạo Tin Lành, các phật tử Khmer Krom và những người Mông theo đạo Dương Văn Mình”. Ngoài ra, trong báo cáo năm nay, USCIRF còn cho rằng, “chính quyền Việt Nam tiếp tục gây áp lực lên các tín đồ Cao đài độc lập, các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo quyết giữ đạo gốc, buộc họ phải tham gia vào những tổ chức nhà nước kiểm soát; bên cạnh đó, nhà nước ngăn cản họ trong việc thực thi niềm tin tôn giáo một cách độc lập”. Để từ đó, USCIRF đã cho rằng Việt Nam cần bị đưa vào “Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” – CPC với cáo buộc “do các vi phạm gia tăng”.
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 9/5/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời báo chí về phản ứng của Việt Nam liên quan “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024” của USCIRF vừa công bố. Bà Phạm Thu Hằng một lần nữa khẳng định, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân. Tại Việt Nam, không có ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được tôn trọng trên thực tế. Các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng đã được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục trao đổi với phía Mỹ về vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau để đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững giữa Việt Nam và Mỹ.
Tất cả các nước trên thế giới đều có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Thực tế, Mỹ cũng đình chỉ các quyền tự do tôn giáo với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Nếu nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tìm cách thành lập tổ chức ở Mỹ và tuyển mộ thành viên mới thì sẽ được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia và các hành động của IS không được bảo vệ như tự do tôn giáo.
Trong “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024”, USCIRF cáo buộc chính quyền Việt Nam đã “tăng cường kiểm soát và đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng” khi lấy minh chứng những tổ chức, hội, nhóm đội lốt tôn giáo, hoạt động trái pháp luật như: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Hội đồng Liên tôn Việt Nam”, “Cao Đài Chơn quyền”, “Phật giáo Hòa Hảo độc lập”, “Đạo Dương Văn Mình”, “Pháp Luân công”, “Đạo Hà Mòn”, “Hội thánh Đức Chúa trời”... Đây là những tổ chức không được Nhà nước công nhận và không được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, trong đó có những tổ chức được xem là tà đạo, tổ chức bất hợp pháp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi hoặc tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc như tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Tổ chức Dương Văn Mình không phải là tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp mà do đối tượng Dương Văn Mình, sinh năm 1961 (chết năm 2021) thành lập từ năm 1989. Sau khi thành lập, Dương Văn Mình lợi dụng trình độ lạc hậu, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân tộc Mông để tuyên truyền luận điệu mê tín, dị đoan, lừa phỉnh, ép buộc người dân tộc Mông tham gia tổ chức trái với phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, gây dư luận xấu và phức tạp về an ninh, trật tự ở các địa phương.
Đáng chú ý, Dương Văn Mình thường xuyên kích động, lôi kéo người dân tộc Mông không thực hiện nghĩa vụ công dân và thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… dẫn đến số đồng bào dân tộc Mông khi theo tổ chức này lâm vào hoàn cảnh nghèo đói.
Các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương tuyên truyền, giải thích nên số người đồng bào dân tộc Mông đã giác ngộ, nhận thức tác hại, không phù hợp quy định của pháp luật hiện hành, với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông nên đến năm 2023, toàn bộ số người dân tộc Mông theo Dương Văn Mình đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ. Họ giác ngộ quay trở về với phong tục, tập quán của người Mông và các tổ chức tôn giáo hợp pháp.
Thông tin mà USCIRF hay Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần đề cập cho rằng “Công an thường xuyên giám sát, đe dọa, hành hung người hoạt động nhân quyền”, trong đó có nêu sự việc chính quyền địa phương các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên… đột nhập vào nhà của những người theo đạo Dương Văn Mình đập phá bàn thờ, đồ đạc” là sai sự thật.
Trong báo cáo của USCIRF còn cho rằng, chính quyền Việt Nam sử dụng Luật An ninh quốc gia để bắt giữ những người dân tộc thiểu số theo đạo, trong đó họ đưa ra các trường hợp về Y Krếc Byă ở Tây Nguyên và Thạch Cương, Tô Hoàng Chương, Danh Minh Quang trong vùng đồng bào Khmer ở các tỉnh Tây Nam Bộ làm những ví dụ điển hình. Vậy nhưng trên thực tế, những trường hợp mà USCIRF đưa ra đều là những người bị bắt do vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam, hoàn toàn không có việc phân biệt hay ngăn cấm đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo.
Về trường hợp Y Krếc Byă (tên thường gọi là Ama Guôn, 46 tuổi, ngụ xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), từ năm 2012 đến đầu năm 2023, nghe theo sự xúi giục, kích động của Y Hin và Aga (là 2 đối tượng phản động FULRO lưu vong đang ở Mỹ), Y Krếc Byă đã tham gia tổ chức phản động “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC). Đây là tổ chức do đối tượng A Ga, Y Am Byă ở Mỹ cầm đầu, được tách ra từ tổ chức “Tin lành Đấng Christ – UMCC” vào tháng 9/2019, là tổ chức phản động núp bóng tôn giáo để tập hợp lực lượng, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị, lập “Nhà nước riêng” của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, phụ cận.
Với “chức vụ” được các đối tượng phản động bên ngoài tự phong cho là “Phó điều hành” của “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên”, Y Krếc Byă đã lôi kéo một số đối tượng khác trong nội địa tiến hành âm mưu, hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc; tham gia, tổ chức hàng trăm buổi họp, tập huấn trực tuyến với các đối tượng FULRO lưu vong bên ngoài để nhận sự chỉ đạo và thu thập những thông tin, hình ảnh, tài liệu một chiều, sai sự thật, sau đó gửi ra bên ngoài nhằm xuyên tạc, kích động, chia rẽ giữa người dân với chính quyền, lực lượng vũ trang, gây chia rẽ giữa người dân theo các tôn giáo khác nhau.
Ngày 8/4/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở của Y Krếc Byă. Ngày 28/3/2024, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc và tuyên phạt Y Krếc Byă 13 năm tù giam.
Đối với các đối tượng Thạch Cương, Tô Hoàng Chương, Danh Minh Quang, là những đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để biên soạn, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video của các đài, báo do tổ chức phản động KKF lập ra có nội dung xuyên tạc, vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, vấn đề đất đai, dân tộc, cho rằng người Khmer là dân tộc bản địa, có quyền tự quyết nhằm từng bước gây ảnh hưởng trong vùng dân tộc Khmer Trà Vinh và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các đối tượng đã sử dụng Facebook cá nhân để cung cấp thông tin sai lệch về tình hình trong vùng dân tộc Khmer, thu hút nhiều người theo dõi, trong đó có nhiều cá nhân, tổ chức phản động bên ngoài sử dụng tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Ngày 31/7/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Trà Vinh và Công an tỉnh Sóc Trăng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Thạch Cương (sinh năm 1987), Tô Hoàng Chương (sinh năm 1986), cùng ngụ xã Thạch Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh và Danh Minh Quang (sinh năm 1987), ngụ tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng để điều tra về hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Quá trình bắt, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam và nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận quần chúng nhân dân. Vậy nên việc USCIRF cho rằng chính quyền Việt Nam sử dụng Luật An ninh quốc gia để bắt giữ những người dân tộc thiểu số theo đạo và dẫn chứng những trường hợp vi phạm pháp luật ở trên làm ví dụ minh chứng là hoàn toàn sai sự thật. Đây là chiêu lập lờ đánh lận nhằm can thiệp vào nội bộ của Việt Nam dưới vỏ bọc tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc sau khi ông Thích Minh Tuệ dừng đi bộ khất thực
Từ chỗ là một người bộ hành thầm lặng kể từ năm 2017, ông Thích Minh Tuệ qua hình ảnh một khất sĩ đầu trần chân đất, mặc tấm y chắp vá từ nhiều mảnh vải, đi khất thực dọc theo các tuyến đường từ Nam ra Bắc và ngược lại đã nhận được sự quan tâm của các youtuber, tiktoker, facebooker… thổi lên thành “hiện tượng mạng”.
Lợi dụng vấn đề này, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, các phần tử chống đối trong nước đã lấy hình ảnh trên để lồng ghép, tạo dựng, đưa thông tin sai sự thật về cá nhân ông Thích Minh Tuệ, xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.
Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Thích Minh Tuệ (tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) tự tu, thực hành hạnh nguyện khất thực và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại. Trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Lê Anh Tú diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự.
Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng - Hà Giang và sau đó đi chiều ngược trở lại. Việc “tự tu” theo cách thức hạnh đầu đà (khổ hạnh) là quyền tự do của mỗi cá nhân, không có đúng, sai, hơn, kém mà đơn giản là một cá nhân trong xã hội thực hiện quyền cơ bản của mình theo Hiến pháp. Hình ảnh một người bộ hành với pháp danh Minh Tuệ tự xưng mình là “con” với tất cả mọi người, từ bỏ mọi điều kiện vật chất để tu tập theo lời Phật dạy đã tạo được thiện cảm, xúc cảm trong một bộ phận nhân dân.
Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là khi hình ảnh của sư Minh Tuệ xôn xao trên mạng, cũng là lúc bùng nổ một làn sóng truyền thông của các thế lực thù địch, phản động nhằm mục đích xuyên tạc về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam với vô số video clip được cắt ghép, đăng tải những thông tin mang tính chất so sánh phiến diện, tiêu cực nhằm chỉ trích, phỉ báng, làm xói mòn niềm tin, chia rẽ cộng đồng phật tử và hạ uy tín Phật giáo. Qua đó gieo rắc hoài nghi, phân biệt giữa người tu trong các tổ chức tôn giáo với người tu khổ hạnh, cho rằng khổ hạnh mới là chính pháp nhằm tạo ra mâu thuẫn bên trong tôn giáo.
Ngoài ra, các thế lực thù địch còn lợi dụng hình ảnh Thích Minh Tuệ để so sánh với những hình ảnh, phát ngôn chưa chuẩn mực của một số tăng sĩ, cố tình tạo ra một sự đối lập, tương phản hòng bôi xấu, “nhuộm đen” cộng đồng tu sĩ Phật giáo nói chung, từ đó chia rẽ, gây mất niềm tin của người dân với tổ chức Phật giáo. Đây là một sự so sánh nguy hiểm khi họ cố tình lấy một số hiện tượng sai lệch để đánh đồng, bôi xấu hình ảnh Phật giáo, tăng sĩ Phật giáo nước ta.
Ngày 3/6/2024, theo Ban Tôn giáo Chính phủ, việc nhiều người đi theo ông Thích Minh Tuệ đã gây ảnh hưởng đến giao thông, trật tự, trong đó một số người gặp vấn đề về sức khỏe, có người bị tử vong. Cụ thể, ngày 30/5, một người đàn ông trong đoàn đi theo là Lương Thanh Sơn, trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong. Tiếp đó, ngày 2/6, có 2 phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa 2 phụ nữ đến bệnh viện điều trị.
Trước những sự việc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Thích Minh Tuệ về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Thích Minh Tuệ được đi bộ và hành trình theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Thích Minh Tuệ đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.
Thế nhưng, ngay khi Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin ông Thích Minh Tuệ tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực, các tổ chức như Việt Tân, Đài Á Châu Tự do, Chân trời mời media, Thời báo.de… liên tiếp công kích xuyên tạc rằng, việc ông Thích Minh Tuệ dừng khất thực do bị “trấn áp”, xuyên tạc chính quyền đang “vùi dập một người chân tu chân chính”, “áp đặt người dân không được sống đúng với tín ngưỡng, tự do tôn giáo”. Từ đó, các tổ chức này kêu gọi người dân lên tiếng phản đối chính quyền, cổ súy người dân tiếp tục xuống đường “khai phóng” đi theo Thích Minh Tuệ để đi tìm “thế giới của riêng mình”!
Với việc cổ xúy trào lưu “xuống đường đi theo thầy”, thậm chí bắt chước cách ăn mặc màu áo chắp vá, ôm lõi nồi cơm điện, đi chân đất từ Nam chí Bắc và ngược lại, kêu gọi mọi người bỏ công việc, nhà cửa ruộng vườn đi theo như thế thì cảnh tượng xã hội sẽ thế nào? Việc kêu gọi bộ hành khất thực như thế lâu dần sẽ định hình quan niệm tu là phải vô gia cư, lang thang ra đường ăn xin, ăn mặc rách rưới, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, hệ quả lâu dài biến xã hội thành rối ren, kinh tế đình trệ, đời sống hỗn loạn.
Để gia tăng các mâu thuẫn, hạ uy tín Phật giáo, họ đã bịa đặt, miệt thị đường hướng phục vụ “Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xuyên tạc rằng, đó là tinh thần lệ thuộc Nhà nước của Giáo hội. Đài RFA tung video khai thác bình luận của một cựu nhạc sĩ có tiếng đã chạy ra hải ngoại với những lời lẽ phỉ báng, miệt thị Giáo hội Phật giáo và Nhà nước ta. Dựa vào thông tin trên mạng xã hội về việc cán bộ tại một địa phương ngăn cản đám đông bộ hành gây lộn xộn tại một nghĩa trang khi ông Thích Minh Tuệ đi qua thì trang fanpage Việt Tân đã giật tiêu đề “chính quyền không cho thầy Minh Tuệ dừng chân qua đêm”, vu cáo việc “đàn áp”, kích động nhiều người vào bình luận chống phá.
Bên cạnh đó, không ít facebooker, youtuber, tiktoker, hay influencer (người có ảnh hưởng) trên không gian mạng đã bất chấp sự thật, kiếm tiền bằng cách tung nhiều bài, nhiều video clip phỉ báng, miệt thị chư tăng ở các “chùa to Phật lớn”, kèm theo luận điệu rằng tu hành kiểu không chùa, không cúng dường, từ bỏ vật chất như ông Minh Tuệ mới là “thanh tịnh”, là “chân tu”. Họ đưa những thông tin sai sự thật về việc chính quyền cản trở không cho người dân được tự do thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời thổi phồng thành “thần tượng” nhằm đánh vào tâm lý hiếu kỳ của nhiều người, vì tò mò mà bỏ công sức, tiền bạc, thời gian đi theo ông Thích Minh Tuệ như hình với bóng. Điều này gây khó khăn cho các lực lượng chức năng phải căng mình để bảo đảm an ninh trật tự, nhất là vấn đề trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 1A, nhiều đoạn ùn tắc và làm phiền toái, ảnh hưởng đến công việc làm ăn, buôn bán của rất nhiều người dân.
Từ trước đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Trong quá trình ông Thích Minh Tuệ đi khất thực, chính quyền các địa phương luôn tạo điều kiện để ông đi bộ, hành trình theo ý nguyện sống, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe. Vì vậy, việc tung tin chính quyền địa phương, lực lượng Công an cấm cản hay “trấn áp” ông Minh Tuệ, “vây ráp người dân”… là những thủ đoạn xuyên tạc nhằm tạo làn sóng dư luận phẫn nộ, chống đối Đảng, Nhà nước.
Đến nay, cơ quan Công an đã hỗ trợ ông Thích Minh Tuệ làm căn cước công dân để đảm bảo quyền công dân của mình. Đó là cách để chính quyền bảo vệ ông với tư cách là một công dân Việt Nam. Nay ông Minh Tuệ ngừng đi bộ khất thực nhưng ông vẫn là một công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật, đơn giản chỉ là sự thay đổi phương thức, cách thức, hình thức tu tập. Đây cũng là cách để ông Thích Minh Tuệ có được không gian bình yên, an lành, tập trung cho việc tu tập của mình.
Qua phân tích những vấn đề nêu trên cho thấy, chiêu bài tín ngưỡng, tôn giáo luôn được các thế lực thù địch và số đối tượng chống đối ở trong và ngoài nước triệt để lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta, là vấn đề mang tính quy luật.
Hiện nay, thủ đoạn lợi dụng chống phá của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, lại được che đậy bởi vỏ bọc tôn giáo nên nhiều người khó phân biệt. Tính chất nguy hiểm ngày càng cao khi thủ đoạn này đã tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng của nhiều người theo đạo. Đây sẽ là tiền đề để khi có điều kiện, thời cơ, các đối tượng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, kích động, lôi kéo quần chúng tín đồ tham gia vào các hoạt động chống đối, gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Do đó, mọi chức sắc, tín đồ tôn giáo nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung hãy luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động lên án những mưu đồ xấu của các đối tượng xấu. Đồng thời, tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá đất nước, góp phần làm cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đúng nghĩa, đúng luật. Nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của người dân, phân biệt rõ hoạt động tôn giáo và hành vi lợi dụng tôn giáo để kích động chống phá của kẻ xấu. Mọi hoạt động tôn giáo phải tuân thủ giáo lý, giáo luật, tuân thủ luật pháp, đem lại đời sống đạo pháp đúng nghĩa, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho đồng bào trên cơ sở tuân thủ pháp luật của Nhà nước.