NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

KHÔNG CÓ BẢN QUYỀN NÀO CẢ - AI LẠI ĐI GIỮ BẢN QUYỀN CỦA MẶT TRỜI CHỨ

Bác sĩ Jonas Salk

Câu nói nổi tiếng trên là của ngài Jonas Salk - vị bác sĩ đã từ chối 7 tỷ USD từ tiền đăng ký bằng sáng chế độc quyền, để vắc xin phòng virus bại liệt được cung cấp cho cả thế giới.
Ít người từng biết rằng, mùa hè của những năm đầu thế kỷ 20 được cho là thời điểm đáng sợ đối với trẻ em toàn thế giới. Một loại virus bí ẩn lây lan và tấn công chủ yếu vào trẻ em, khiến nạn nhân nằm bất động và thậm chí không thể đi lại suốt đời.
Đó là virus bại liệt – loại virus tấn công vào hệ thần kinh trung ương, dẫn đến mất cảm giác và không thể điều khiển các bộ phận của cơ thể. Đầu những năm 1950, chỉ tính riêng nước Mỹ đã có khoảng 50.000 ca nhiễm virus bại liệt mỗi năm.
Franklin D. Roosevelt – một trong những Tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ, đã trở thành nạn nhân của bệnh bại liệt vào năm 39 tuổi. Ông Roosevelt bị liệt từ thắt lưng trở xuống và phải sử dụng xe lăn suốt quãng đời còn lại.
Vì không muốn người khác cũng có thể rơi vào hoàn cảnh như mình, Tổng thống Roosevelt đã thành lập một quỹ tài chính quốc gia cho trẻ em bị bại liệt. Quỹ này cung cấp tiền tài trợ cho tất cả những nghiên cứu về bệnh bại liệt tại Mỹ, trong đó có cả nghiên cứu vắc xin chống bại liệt của một vị bác sĩ huyền thoại - Jonas Salk.
Jonas Salk (1914 – 1995), là một chuyên gia y tế và bác sĩ người Mỹ gốc Do Thái. Jonas Salk sinh ra tại thành phố New York. Do bố mẹ là người Do Thái nhập cư nên cuộc sống từ nhỏ của ông rất khó khăn. Tuy nhiên, bố mẹ của Jonas Salk đặc biệt quan tâm đến vai trò của tri thức nên ông được cho ăn học đầy đủ.
Ở tuổi 13, Jonas Salk được vào học tại Townsend Harris High School, một trường công lập dành cho những học sinh tài năng.
Ban đầu, Jonas Salk muốn theo học ngành luật nhưng sau đó ông lại đổi sang lĩnh vực y học. Năm 19 tuổi, ông đăng ký vào Đại học Y New York và nhận bằng bác sĩ y khoa vào năm 25 tuổi.
Jonas Salk đã tiến hành những nghiên cứu về virus bại liệt từ khi còn là sinh viên y khoa. Năm 1947, ông đảm nhiệm vị trí trưởng phòng nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh (Mỹ). Năm 1948, ông nhận được tiền tại trợ của quỹ do Tổng thống Roosevelt sáng lập và đẩy mạnh nghiên cứu vắc xin chống bại liệt.
Hướng đi của Jonas Salk rất khác so với những nhà nghiên cứu vắc xin đương thời. Trong khi hầu hết các nhà khoa học cho rằng, vắc xin chỉ có hiệu quả khi sử dụng virus còn khả năng hoạt động, Jonas Salk đã nghiên cứu vắc xin bại liệt theo cách nuôi cấy virus và thêm vào hợp chất formaldehyd khiến chúng không thể sinh sản.
Năm 1952, Jonas Salk thử nghiệm vắc xin bại liệt trên cơ thể của chính mình, vợ và các con. Mọi thử nghiệm vắc xin nhỏ của ông đều thành công.
Mùa hè năm 1954, Mỹ tiến hành “đại thử nghiệm” vắc xin phòng bại liệt của Jonas Salk với sự tham gia của 20.000 bác sĩ và nhân viên sức khỏe công cộng cùng 64.000 cán bộ trường học, 220.000 tình nguyện viên.
Hơn 1,8 triệu trẻ em Mỹ, Canada, Phần Lan từ 6 – 9 tuổi cũng tham gia và đây được xem là cuộc thử nghiệm vắc xin có quy mô lớn, phức tạp nhất lịch sử y học thế giới.
Ngày 12.4.1955, thử nghiệm vắc xin kết thúc thành công. Vắc xin của Jonas Salk được chứng minh là an toàn, hiệu quả trong phòng chống bại liệt.
Ngày công bố vắc xin chống bại liệt thành công cũng trở thành một ngày lễ lớn của nước Mỹ, Jonas Salk được ca ngợi và gọi với biệt danh “người tạo ra phép lạ”.
Tuy nhiên, bác sĩ Jonas Salk không chỉ khiến mọi người khâm phục về tài năng mà còn cả về nhân cách cao đẹp của mình.
Jonas Salk đã không đăng ký bằng sáng chế cho vắc xin chống bại liệt mặc dù không ít người khuyên ông làm điều đó. Theo tạp chí Forbes, việc từ chối đăng ký sáng chế độc quyền cho vắc xin bại liệt đã khiến Jonas Salk không thể đem về cho bản thân 7 tỷ USD.
Khi được hỏi về nguyên nhân vì sao không đăng ký sáng chế, bác sĩ Jonas Salk chỉ trả lời: “Không có bản quyền nào cả. Ai lại đi giữ bản quyền của mặt trời chứ?”.
Hành động cao cả của ông đã giúp cho hàng triệu người có thể tiếp cận vắc xin và thoát khỏi căn bệnh quái ác. Nhiều người cho rằng, nếu không có nghiên cứu vắc xin của Jonas Salk, virus bại liệt có thể đã trở thành đại dịch toàn cầu.
Năm 1963, Jonas Salk thành lập Viện nghiên cứu sinh học Salk. Ông đã dành cả cuộc đời còn lại của mình miệt mài nghiên cứu phương pháp điều trị cho những căn bệnh khác như ung thư, đa xơ cứng, HIV… Năm 1977, Jonas Salk đã được trao huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ.
Năm 1995, Jonas Salk qua đời tại nhà riêng. Ông được cả thế giới tôn trọng và ngưỡng mộ dù là vị bác sĩ không có bằng sáng chế nào.
ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét