RFA lợi dụng vụ AVG để đả kích, quy chụp chế độ |
Dư luận trong nước
đang dành sự quan tâm đến phiên toàn xét xử sơ thẩm hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông (Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn) và 12 đồng phạm trong
vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG từ ngày 16/12 đến 31/12 tại TAND Hà Nội.
Hơn 40 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho 14 bị can. Trong số này, ông
Nguyễn Bắc Son mời 3 luật sư, cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương
Minh Tuấn có 5 luật sư, cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ thuê 3 luật sư.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm
2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư
vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án
nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Bộ
TT&TT là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone có trách
nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự
án đầu tư khi có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư
dịch vụ truyền hình của MobiFone, các bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn,
Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị
Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh,
Hoàng Duy Quang ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại MobiFone, Bộ TT&TT,
Công ty thẩm định giá AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất
dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng
kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ
phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư,
thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng
giá trị thiệt hại là hơn 6.590 tỷ đồng.
Sai phạm thể hiện ở việc, dự án chưa được Thủ
tướng Chính phủ ban hành quyết định chủ trương đầu tư nhưng bị cáo Nguyễn Bắc
Son đã chỉ đạo bị cáo Phạm Đình Trọng đề xuất và giao cho bị cáo Trương Minh
Tuấn ký Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, vi phạm
quy định Điều 31 - Luật số 67/2014/QH13. Bên cạnh đó, giá mua và hiệu quả đầu
tư của dự án là 2 yếu tố quan trọng đối với dự án đầu tư, chưa được làm rõ
nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu
tư dịch vụ truyền hình, vi phạm Điều 5, khoản 6 - Luật số 69/2014/QH13.
Ngoài ra, khi phê duyệt dự án, bị cáo Nguyễn
Bắc Son, bị cáo Trương Minh Tuấn và bị cáo Phạm Đình Trọng không yêu cầu
MobiFone loại trừ 2 khoản ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG (đầu tư tại Công
ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P). Bị cáo Nguyễn
Bắc Son còn chỉ đạo quyết liệt cho MobiFone phải mua cổ phần của AVG, yêu cầu
thực hiện dự án trong năm 2015, vi phạm quy định của pháp luật.
Lợi dụng sự việc xét xử sơ thẩm vụ án, những chiêu trò lợi dụng để xuyên tạc,
đả kích chế độ lại tiếp tục được các đối tượng thù địch “hâm nóng”. Điển hình,
Đài RFA có đăng tải bài viết “Đạo đức Cộng sản trước mãnh lực đồng tiền qua vụ
hai cựu bộ trưởng Son -Tuấn”, trong đó gia tăng công kích, xuyên tạc về tình
hình tham nhũng ở nước ta, quy chụp đó là hệ của chế độ: “Sức mạnh đồng tiền
chiếm toàn bộ lý tưởng của người Cộng sản Việt Nam hiện nay. Nói cho cùng thì
cũng toàn là những cách làm việc, những cách mà họ kiếm tiền từ ngân sách nhà
nước mà thôi. Hiện nay phải nói rằng lý tưởng của người Cộng sản không có gì
ngoài đồng tiền. Đồng tiền giúp cho họ giàu có, đồng tiền giúp cho họ đưa con
đi học nước ngoài và đồng tiền giúp cho họ nhiều việc khác…”
Trên thực tế, nghiên cứu về tham nhũng, nhiều
học giả đều thống nhất cho rằng, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn
tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thất thoát, thiệt hại
nghiêm trọng đến các nguồn lực của đất nước, nhân dân, xâm hại đến hoạt động
đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm
niềm tin, cản trở các nỗ lực phát triển đất nước, xã hội.
Suy cho cùng, khi nào xã hội còn tư hữu và
tồn tại các hình thức sở hữu khác nhau, còn tồn tại nhiều giai cấp thì tham
nhũng còn xuất hiện, tồn tại ở những mức độ và tính chất nhất định. Do đó, dù
là thể chế chính trị nào, tham nhũng đều tồn tại. Và thực tế, tham nhũng có mặt
ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đều được các nước đặc biệt quan tâm, xây
dựng các thiết chế để ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi.
Phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực vô cùng
khó khăn, phức tạp; ngay cả Liên hợp quốc cũng ban hành những Điều ước quốc tế
về phòng, chống tham nhũng mà rất nhiều quốc gia là thành viên. Nói như vậy,
luận điệu cho rằng tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt
Nam là một sự quy chụp, xuyên tạc, vô căn cứ.
Việc đưa hai ông cựu bộ trưởng ra xét xử
chứng tỏ sự quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh chống
tham nhũng, tiêu cực; bất kể là ai, có chức vụ cao hay thấp, vị trí công tác ở
lĩnh vực nào đi nữa, nếu có hành vi tham nhũng, lãng phí đều chịu sự điều
chỉnh, bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Công tác phòng, chống
tham nhũng không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, không có “đặc quyền” đối
với bất kể người đó là ai./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét