NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

MỘT SỐ CON SÂU, CON BỌ LỢI DỤNG THỜI ĐIỂM DIỄN RA HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 11 ĐỂ PHÁT "THƯ NGỎ", CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC


Lợi dụng thời điểm diễn ra Hội nghị Trung ương 11, các phần tử cơ hội chính trị tiếp tục giở chiêu trò “thư ngỏ” gửi hội nghị và phát tán trên mạng xuyên tạc tình hình, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều vấn đề khác theo kiểu “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.
Từ ngày 7 đến 12-10, Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2019; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2020 và một số vấn đề quan trọng khác.
Lợi dụng thời điểm này, các phần tử cơ hội chính trị tiếp tục giở chiêu trò “thư ngỏ” gửi hội nghị và phát tán trên mạng xuyên tạc tình hình, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều vấn đề khác theo kiểu “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Trong “thư ngỏ” của một vị giáo sư vốn là người không còn đứng trong hàng ngũ của Đảng, cho rằng: Hội nghị Trung ương lần thứ 11 họp đúng vào lúc đất nước ta đang đối diện trong một bối cảnh vận nước “chao đảo với lớp lớp sóng triều Biển Đông, lòng dân sục sôi với thế nước trực diện với nạn xâm lăng”.
Ông vu cáo: Chuyện “kiểm soát quyền lực (Quy định 205-QĐ/TW) chỉ là “trò chơi tranh giành quyền lực”… Từ đó, bài viết quy kết mang tính kích động: phải dứt khoát từ bỏ những kẻ đang ngoan cố duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ nhằm vớt vát quyền uy mục ruỗng, quyết đẩy đất nước vào con đường lệ thuộc, bán nước cho Trung Quốc. Một số đối tượng khác thì không ngừng vu cáo Đảng, Nhà nước nhu nhược, không có biện pháp đối với vấn đề bãi Tư Chính, Biển Đông. Phần cuối trong “thư ngỏ”, họ cũng lòi ra cái đuôi khi kết luận: Nếu không thực hiện dân chủ hóa theo đa nguyên, đa đảng, “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự” thì không thể giữ được độc lập, chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân.
Ở một hướng khác, Đài Á châu tự do (RFA) chống phá, tuyên truyền xuyên tạc theo hướng dẫn dắt thông tin khi cho đăng tải bài viết, phát biểu của nhiều phần tử chống đối, phê phán Hội nghị Trung ương 11, công tác nhân sự của Đảng là lạc hậu, khép kín và trái khoáy; nói rằng, nếu Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5-2019 chủ yếu “sắp ghế” cho 200 ủy viên Trung ương thì Hội nghị Trung ương 11 có nhiệm vụ chốt danh sách sơ bộ các gương mặt Ủy viên Bộ Chính trị cho khóa 13. Từ đó, bài viết này xuyên tạc “Hội nghị 11 chỉ là cuộc đấu đá, sát phạt giữa các phe nhóm”.
Thủ đoạn sử dụng hình thức “thư ngỏ” là lợi dụng vào những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị lớn của đất nước. Bản chất của các “thư ngỏ” là xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động, chống phá Đảng và Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong “thư ngỏ”, mục đích của họ là “kiến nghị”, “yêu sách” đòi thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi từ bỏ, hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong nền tảng tư tưởng của Đảng.
Qua hình thức gửi “thư ngỏ”, có thể thấy thủ đoạn của họ sau đây:
Một là, lợi dụng những thời điểm diễn ra những sự kiện chính trị trọng đại, họ gửi “thư ngỏ”, “kiến nghị” để tập trung sự quan tâm của dư luận, nhất là những thời điểm nhạy cảm, đánh vào tâm lý tò mò của một bộ phận người dân. Luận điệu trong các “thư ngỏ” được họ trình bày giả dạng dưới hình thức phân tích, diễn biến tình hình hết sức cấp bách, nguy hiểm, hỗn loạn, sục sôi theo kiểu “tung hoả mù”, sau đó là những kiến nghị hết sức “khẩn thiết”, “tâm huyết”, “trách nhiệm” trước vận mệnh đất nước, dân tộc. Qua đó, nếu không tỉnh táo, người đọc dễ hoài nghi, hoang mang, dao động.
Hai là, thủ đoạn tinh vi của họ thể hiện ở chỗ vu khống, đổ lỗi những vấn đề mà họ nêu ra là do thể chế chính trị gây ra, từ đó quy kết vai trò lãnh đạo của Đảng là độc đoán, chuyên quyền; xuyên tạc công tác cán bộ là tranh giành, đấu đá, thanh trừng phe nhóm. Mục đích của họ là khuấy động tình trạng hỗn loạn theo kiểu “đục nước béo cò”, nói xấu, xuyên tạc, vu cáo lãnh đạo cấp cao. Qua đó làm giảm niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo Đảng.
Ba là, từ “thư ngỏ”, những kiến nghị, đòi hỏi họ đưa ra vẫn là những mục tiêu “diễn biến hoà bình” không bao giờ thay đổi là xoá bỏ thể chế chính trị xã hội XHCN, yêu cầu thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực hiện “nhà nước tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, qua đó lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Bốn là, phương thức của thủ đoạn tinh vi nói trên của họ là tung lên mạng xã hội, các trang của các tổ chức, hội đoàn phản động lưu vong, truyền thông hải ngoại để mở rộng đối tượng tuyên truyền xuyên tạc, đồng thời kích động, lôi kéo tụ tập xuống đường, biểu tình, gây rối làm mất ổn định chính trị và an ninh, trật tự.
Các đối tượng đề tên, ký tên “thư ngỏ” thường là những người từng là cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị, đã có thời gian công tác, vị trí chức vụ lãnh đạo, có tiếng nói, uy tín nhất định. Lúc đương chức, đang công tác, họ không có ý kiến, góp ý, khi có tuổi hoặc về hưu mới bắt đầu lên tiếng phê phán, xét lại, trở cờ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, câu nối, móc ngoặc phần tử phản động bên ngoài để chống phá cách mạng Việt Nam.
Đối với vấn đề Biển Đông cũng là nội dung được đề cập trong các “thư ngỏ” gửi Hội nghị Trung ương 11. Các “thư ngỏ” nêu ra vấn đề phức tạp tại Biển Đông rồi đánh giá tính chất “cực kỳ hệ trọng”, nhân danh nhân sĩ, trí thức yêu nước đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có biện pháp cứng rắn, quyết liệt. Từ chỗ phê phán chính sách quốc phòng “3 không”, cho rằng “sai lầm về đường lối”, ứng phó hèn nhát, họ chuyển sang “tham mưu” với những đề xuất kiểu như phải theo phe này, nước kia để giữ chủ quyền biển đảo.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước chỉ rõ: Biển, đảo là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đối với vấn đề Biển Đông nói chung, bãi Tư Chính nói riêng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định “nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Ðông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép”.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tại Thái Lan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
Tại Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng nêu rõ vấn đề Biển Đông và quan điểm của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Hay trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, trao đổi trực tiếp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Việt Nam muốn cùng Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề này để tạo cơ sở cho sự phát triển ổn định, bền vững của quan hệ hai nước.
Đặc biệt, trong phát biểu khai mạc Hội nghị 11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương “Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức”.
Chủ quyền lãnh thổ, biển đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì giữ vững. Những giải pháp mà Đảng, Nhà nước thực hiện đối với vấn đề Biển Đông vừa là vấn đề chiến lược, vừa là sách lược trong từng thời điểm cụ thể. Yêu nước, thể hiện quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo, song chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo, tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước để tuyên truyền gây tâm lý hoang mang, kích động chống phá.
(Lê Vĩnh Bình)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét