Pháp luật là sản phẩm của
tiến trình phát triển xã hội loài người, phản ánh ý chí của Nhà nước, giai cấp
thống trị. Sự xuất hiện của Nhà nước hay nói cách khác là giai cấp cầm quyền
cũng chính là nguyên nhân cho sự ra đời của pháp luật, hoạt động quản lý Nhà
nước bằng pháp luật dựa trên ý kiến tổng hợp, đóng góp của người dân, từ đó đưa
ra các qui định chung điều chỉnh, quản lý xã hội. Như vậy, pháp luật ra đời gắn
liền với lợi ích của Nhà nước, quyền lợi chính đáng của những người dân trong
xã hội đó. Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đại diện cho ý
chí, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mang lại lợi ích
chung cho toàn dân tộc. Thế nhưng, đi ngược lại với lợi ích của đại đa số người
dân, các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước luôn tìm cách tác động, hướng lái,
tuyên truyền kêu gọi xóa bỏ một số điều trong Hiến pháp, pháp luật, trong đó có
Bộ luật Hình sự (BLHS) nhằm thay đổi bản chất, giá trị; bình luận sai lệch một
số điều luật và sự điều hành, quản lý xã hội của Nhà nước, của cơ quan tiến
hành tố tụng.
Trước khi diễn ra phiên
tòa phúc thẩm xét xử các đối tượng Cấn Thị Thêu (SN 1962, thường trú tại Dương
Nội, Hà Đông, Hà Nội); Trịnh Bá Tư (SN 1989, trú tại Đại Đồng, Ngọc Lương, Yên
Thủy, Hòa Bình) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin,
tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo
Điều 117 BLHS, các đối tượng phản động, chống phá Nhà nước ra sức tuyên truyền,
kêu gọi xóa bỏ điều luật này.
Các luận điệu kêu gọi xóa
bỏ Điều 117, BLHS trong thời gian qua được các đối tượng phản động, chống đối
tuyên truyền rộng khắp, đặc biệt trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin
tuyên truyền, đưa ra các lý lẽ yêu cầu Việt Nam xóa bỏ điều luật này. Đài RFA
(Đài Á Châu Tự do) dẫn lời của Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) cùng một số đối
tượng chống đối trong nước vu cáo rằng Điều 117, BLHS là “mơ hồ, dập tắt tiếng
nói trái chiều”, “không tương thích với điều 11 (2) của Tuyên ngôn Quốc tế về
Nhân quyền và điều 15(1) của Công ước Liên Hiệp Quốc về Các quyền Dân sự và
Chính trị”. Trước đó, diễn đàn “Văn Việt” cũng đã đăng tải một bức thư của nhóm
hành nghề luật sư ở hải ngoại kêu gọi hủy bỏ Điều 117, BLHS với nội dung qui
kết rằng: “Điều 117 vi phạm Hiến pháp và đang sử dụng như là một phương tiện
trấn áp nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị dưới danh nghĩa luật pháp quốc
gia…”. Đặc biệt, khi “nghe tin” phiên tòa xét xử các bị cáo Cấn Thị Thêu, Phạm
Thị Đoan Trang sắp diễn ra, số thành phần bất mãn, chống đối chính trị trong,
ngoài nước lại tiếp tục kêu gọi xóa bỏ Điều 117, BLHS với luận điệu “Điều 117
là hạn chế và cản trở quyền công dân qui định tại điều 25 Hiến pháp…”. Thực tế
cho thấy, trong những năm qua, các đối tượng chống phá Nhà nước không ngừng đẩy
mạnh hoạt động tuyên truyền xóa bỏ Điều 117, BLHS để đạt được các mục tiêu, ý
đồ phá vỡ quy tắc Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, thúc đẩy hoạt động
lợi dụng “quyền tự do ngôn luận” để tuyên truyền chống phá chế độ, tạo tiền đề,
điều kiện để chuyển hóa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
VẬY, CÂU HỎI ĐẶT RA, TẠI
SAO CÁC ĐỐI TƯỢNG PHẢN ĐỘNG, CHỐNG PHÁ LẠI KÊU GỌI XÓA BỎ ĐIỀU 117, BLHS?
Kêu gọi xóa bỏ Điều 117,
BLHS, các đối tượng phản động, chống phá có ý đồ nhằm tác động trực tiếp đến
nền tư pháp Việt Nam; các lập luận, quan điểm xóa bỏ Điều 117, BLHS nhằm tạo ra
kẽ hở về mặt pháp lý cho các phần tử phản động, chống phá có thời cơ để tuyên
truyền, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Có thể nói rằng, muốn có cơ hội cho
hoạt động tuyên truyền, tán phát các tài liệu chống phá Nhà nước mà không bị
các cơ chế pháp lý ràng buộc thì dĩ nhiên các đối tượng cần phải kêu gọi xóa bỏ
Điều 117, BLHS. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, kêu gọi xóa bỏ Điều 117,
BLHS cũng là lý do để tuyên truyền, xuyên tạc, hạ uy tín của Việt Nam trên
trường quốc tế, vu cáo Việt Nam vi phạm “nhân quyền”, can thiệp vào quyền “tự
do ngôn luận” nói lên tiếng nói của công dân; đồng thời tạo cơ hội cho các đối
tượng chống phá nhà nước tuyên truyền, can thiệp vào các lĩnh vực nhạy cảm của
đời sống xã hội của Việt Nam trong vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội;
những mục tiêu mà các đối tượng phản động, chống đối đặt ra là có thời cơ, điều
kiện thuận lợi để tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Rõ ràng, mọi hoạt động
tuyên truyền, kêu gọi xóa bỏ Điều 117, BLHS của các đối tượng phản động, chống
phá là một đòi hỏi phi lý, đi ngược lại với lợi ích chung của toàn xã hội. Phải
khẳng định rằng, Điều 117, BLHS nói riêng, BLHS nói chung được ban hành hoàn
toàn hợp hiến, không vi hiến như các đối tượng chống đối vẫn tuyên truyền,
xuyên tạc. Việc thảo luận, lấy ý kiến trước khi ban hành điều luật này dựa trên
các căn cứ, cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành, của toàn xã hội
và tuân theo một quy trình rất chặt chẽ, đồng thời nhận được sự đồng thuận của
toàn xã hội, ngoại trừ các đối tượng có mục đích, ý đồ xấu. Các dấu hiệu, hành
vi liệt kê trong Điều 117, BLHS đe dọa đến an ninh quốc gia, chế độ và Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, việc ban hành điều luật này là hoàn
toàn phù hợp với các quy định của Hiến pháp.
Bên cạnh đó, không thể
cho rằng Điều 117, BLHS là “bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận”, bởi lẽ trên thực
tế ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ và đó
cũng là quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, ở đây
cần phải hiểu rằng, quyền tự do ngôn luận luôn gắn với nghĩa vụ của công dân,
gắn với chế độ chính trị của từng quốc gia, do đó cần phải hiểu đúng các quy
định về vấn đề này. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng có các giới hạn, quy định
riêng về các quyền tự do ngôn luận để phù hợp với đặc thù của chế độ xã hội,
tình hình chính trị, văn hóa của các quốc gia đó. Bàn về vấn đề này, năm 1993,
Hội nghị quốc tế về quyền con người ở Vienna (Áo), đại diện các quốc gia đã
khẳng định: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập… Trong khi phải
luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về
lịch sử, văn hóa và tôn giáo”…
Các lập luận, viện dẫn
các thông tin cho rằng Điều 117, BLHS “bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận” là hoàn
toàn không có cơ sở, thiếu căn cứ để ràng buộc. Rõ ràng, đằng sau âm mưu kêu
gọi hủy bỏ Điều 117, BLHS của các đối tượng phản động, chống đối nhằm hướng đến
mục đích, ý đồ xâm phạm an ninh quốc gia, đe dọa đến sự tồn tại của chế độ, của
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
ST
0 nhận xét:
Đăng nhận xét