Tre Việt - Mới đây trên trang Rfavietnam.com đăng tải bài viết “Tự do báo chí: Việt Nam “cá biệt trong nhóm cá biệt” của Andreas Harsono. Đây lại là chiêu trò cố tình xuyên tạc hòng “bẻ cong” tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Bởi, những nhận xét, đánh giá trong bài viết của Andreas Harsono không phản ánh thực chất, khách quan về tự do báo chí ở Việt Nam.
Ảnh: nhanvanviet.com |
Thứ nhất, Việt Nam đã tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân; trong đó, có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Về mặt pháp lý, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân ở Việt Nam đã được quy định toàn diện, đầy đủ, với những nội dung cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện trong cuộc sống. Năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí: Điều 13 luật này nêu rõ “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”. Về thành tựu của tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam được thể hiện qua sự phát triển đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung của hệ thống báo chí, truyền thông. Hiện nay, Việt Nam có 851 cơ quan báo chí, 20.000 phóng viên, 50.000 người làm việc ở các cơ quan báo chí với hàng nghìn ấn phẩm các loại, lượng phát hành hơn 600 triệu bản/năm. Những năm qua, báo chí ở Việt Nam tiếp tục giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của Nhân dân; chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Đồng thời, luôn tích cực đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tiêu cực trong xã hội, góp tiếng nói quan trọng vào việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và là cầu nối quan trọng với bạn bè quốc tế. Quyền tự do báo chí của người dân Việt Nam, của các nhà báo Việt Nam được pháp luật và Nhà nước bảo hộ. Đó là thực tế hiển nhiên không thể xuyên tạc và phủ nhận.
Thứ hai, thực tiễn minh chứng: trong tiến trình phát triển của nhân loại, chưa bao giờ có “tự do báo chí tuyệt đối” hay “tự do báo chí không giới hạn”. Nếu ai đó tin rằng có tự do báo chí tuyệt đối, tự do báo chí cho mọi người thì hoặc là họ ngây thơ về chính trị, hoặc cố tình phủ nhận sự thật. Bởi, trên thực tế, hầu hết các quốc gia tuy có cách tiếp cận không giống nhau về quyền tự do báo chí, nhưng đều có một nguyên tắc cơ bản là việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không được phép lợi dụng quyền cơ bản này để xâm hại lợi ích quốc gia - dân tộc, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác và ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, trật tự xã hội. Việc báo chí đi quá giới hạn tự do cho phép đã phải trả giá rất đắt, như: tháng 7/2011, tờ News of the World (Tin tức thế giới) của nước Anh đã phải đình bản vĩnh viễn sau 168 năm hoạt động vì bị công chúng cáo buộc nhiều phóng viên bản báo này đã đột nhập điện thoại của hàng nghìn người dân để “săn tin”. Điều này cho thấy: tự do báo chí, tự do ngôn luận không được phép “đứng trên, đứng ngoài” luật pháp và xâm hại đến an ninh quốc gia. Nếu vi phạm điều này, báo chí sẽ bị công chúng tẩy chay và bị những chế tài xử lý thích hợp.
Vì thế, những luận điệu của Andreas Harsono chỉ là sự quy chụp, xuyên tạc nhằm “bẻ cong” tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, mưu đồ hòng phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Do vậy, cần kiên quyết đấu tranh, bác bỏ./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét