NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

Nhận diện các ‘chiến dịch’ tuyên truyền chống phá Đại hội XIII của Đảng

Càng gần đến ngày diễn ra Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch càng gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Hoạt động của chúng không còn được thực hiện đơn lẻ mà được tiến hành ồ ạt theo kiểu “chiến dịch”, với việc huy động cùng lúc nhiều lực lượng, phương tiện, tuyên truyền tập trung về một chủ đề thống nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, cần nhận diện để chủ động đề ra các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là các ứng dụng, dịch vụ tiện ích trên không gian mạng, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chính trị không ngừng gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; xuyên tạc nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác nhân sự Đại hội XIII… Tất cả sự chống phá trên đều nhằm tới mục tiêu: Phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; hạ thấp uy tín và thành quả cách mạng; phá hoại Đại hội XIII của Đảng.

Để gia tăng hiệu quả, quy mô, mức độ tác động, ảnh hưởng của hoạt động tuyên truyền, chúng huy động cùng lúc nhiều lực lượng, phương tiện, tuyên truyền về một chủ đề thống nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Tiêu biểu là: “Chiến dịch tuyên truyền xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 2013”; “Chiến dịch tẩy chay Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Chiến dịch bàn luận nhân sự Đại hội XIII”, “Chiến dịch xuống đường vì dân chủ”, “Chiến dịch bất tuân dân sự”, “Chiến dịch khai dân trí”…

Có thể thấy, các “chiến dịch” này có những dấu hiệu đặc trưng sau đây:

Thứ nhất, chủ thể khởi xướng các “chiến dịch tuyên truyền” chủ yếu là các trung tâm, tổ chức thù địch Việt Nam ở nước ngoài như: Các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong (“Việt Tân”, “Đảng Dân chủ nhân dân”, “Đảng Vì dân”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”…); các trung tâm truyền thông nước ngoài (Đài BBC tiếng Việt, VOA tiếng Việt, RFA tiếng Việt…); các tổ chức quốc tế, NGO nước ngoài (“Theo dõi Nhân quyền thế giới – HRW”, “Ân xá quốc tế – AI”, “Phóng viên không biên giới – RSF”…). Bên cạnh đó, các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội XIII của Đảng còn được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt với sự phối kết hợp của nhiều lực lượng thù địch cả trong và ngoài nước, nhất là số dân biểu cực hữu trong chính giới các nước Mỹ, phương Tây; số đối tượng chống đối chính trị trong nước.

Thứ hai, nội dung tuyên truyền trong các “chiến dịch” được hướng theo một chủ đề thống nhất, như: Tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 2013; tuyên truyền chống phá cương lĩnh, dự thảo các văn kiện Đại hội; tuyên truyền xuyên tạc nguyên tắc tổ chức, vấn đề nhân sự Đại hội XIII… Chẳng hạn như, thực hiện chiến dịch chống phá cương lĩnh, dự thảo các văn kiện Đại hội XIII, nhiều trang mạng của các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối trong nước đã đồng loạt tán phát các bài viết có nội dung xuyên tạc cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đồng thời, kêu gọi sửa đổi “toàn diện” văn kiện, đường lối chính trị theo hướng đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ vai trò “độc tôn” của Đảng; thay đổi hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước; xây dựng nền kinh tế đa sở hữu bắt đầu từ năm 2021. Có thể thấy rõ ý đồ này qua các bài viết: “Vài suy nghĩ trước thềm Đại hội XIII”, “Việt Nam: Liệu Đại hội Đảng XIII sẽ có khác biệt?”, “Các nhóm thân hữu và tắc nghẽn thể chế đang gây hại cho Việt Nam”, “Góp ý chuẩn bị Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Về Đảng cầm quyền”, “Bản kiến nghị về Đại hội XIII”… Cá biệt, có bài viết, đối tượng còn đưa ra “lộ trình” cải cách thể chế ở Việt Nam theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Chuyển đổi Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đảng nắm quyền thành Đảng cầm quyền, với cương lĩnh, điều lệ mới theo hướng hòa giải, hòa hợp dân tộc và dân chủ hóa đất nước. Giai đoạn 2: Thực hiện cải cách hệ thống chính trị – nhà nước hiện tại thành nhà nước pháp quyền với Hiến pháp mới và thể chế chính trị dân chủ đa nguyên.

Để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc công tác nhân sự Đại hội XIII, các trang mạng của các tổ chức phản động lưu vong, đài phát thanh nước ngoài đã đồng loạt tán phát hàng chục bài viết có nội dung xuyên tạc về công tác nhân sự Đại hội XIII, bịa đặt nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang hình thành “phe cánh” để “tranh giành, đấu đá quyền lực; có “lợi ích nhóm”, “thanh trừng phe phái” trong công tác nhân sự; thậm chí chúng còn xuyên tạc rằng vấn đề nhân sự Đại hội Đảng XIII bị một số thế lực bên ngoài can thiệp, chỉ đạo. Đó là các bài viết: “Những ai sẽ vào tứ trụ tại Đại hội Đảng 2021”, “Chân dung anh hùng – đại biểu Quốc hội; “Trao đổi về Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Thế lực thù địch ngay trong lòng Đảng”, “Trước thềm Đại hội Đảng, tổ chức lại sanh chuyện”, “Ai sẽ lãnh đạo Việt Nam sau 2 năm nữa?”, “Tín hiệu định hướng cho tứ trụ/tam trụ”…

Thứ ba, các “chiến dịch tuyên truyền” được tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định, với nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội Đảng XIII chủ yếu được tiến hành vào thời điểm trước và trong khi diễn ra Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, ngay trước thời điểm diễn ra Đại hội, các “chiến dịch” này sẽ được gia tăng về cấp độ, tính chất và quy mô, sau đó sẽ giảm dần và kết thúc khi Đại hội Đảng XIII của Đảng kết thúc. Trong khoảng thời gian này, các thế lực thù địch, phản động sẽ tập trung huy động cùng lúc nhiều lực lượng, phương tiện tham gia nhằm làm gia tăng mức độ, tính chất, phạm vi tác động, ảnh hưởng của hoạt động tuyên truyền.

Thứ tư, các chiến dịch tuyên truyền chống phá Đại hội XIII của Đảng thường trải qua 3 giai đoạn là “giai đoạn chuẩn bị”, “giai đoạn tiến hành” và “giai đoạn kết thúc” chiến dịch. Trong giai đoạn chuẩn bị, các đối tượng thường tìm cách thu thập các tin tức liên quan phục vụ cho hoạt động tuyên truyền; chuẩn bị về lực lượng, phương tiện tuyên truyền. Trong giai đoạn tiến hành chiến dịch tuyên truyền thường xuất hiện sự câu kết, móc nối, chuyển giao tin tức, tài liệu theo chủ đề tuyên truyền giữa các đối tượng ở trong nước với các cá nhân, tổ chức chống đối ở bên ngoài; xuất hiện hoạt động đưa tin, bài tuyên truyền chống phá theo một chủ đề thống nhất của các trung tâm, tổ chức chống Việt Nam ở bên ngoài; các hoạt động tuyên truyền được tiến hành đồng loạt, rầm rộ trên một phạm vi rộng với nhiều hình thức ở cả trong và ngoài nước. Ở giai đoạn kết thúc “chiến dịch tuyên truyền”, hoạt động tuyên truyền của đối phương giảm dần và có sự chuyển hướng trong các hoạt động tuyên truyền chống Việt Nam sang những chủ đề, nội dung khác.

Thứ năm, mục đích trực tiếp của các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội XIII của Đảng là nhằm phá hoại công tác chuẩn bị Đại hội, phá hoại công tác nhân sự; phá hoại các dự thảo văn kiện; gây mâu thuẫn, chia rẽ, nghi kỵ, mất đoàn kết nội bộ Đảng; làm suy giảm niềm tin của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên với Đảng, Nhà nước và chế độ; làm cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII không diễn ra theo kế hoạch hoặc không đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, chúng còn hướng tới những mục tiêu khác như: Xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng; hạ thấp uy tín và thành quả cách mạng; gây nhiễu loạn thông tin; gây mâu thuẫn, chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ; kích động các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội Đảng XIII của các thế lực thù địch thời gian qua không chỉ tạo ra sự nhiễu loạn thông tin, gây ra những hoài nghi, hoang mang, mất niềm tin trong một bộ phận quần chúng, cán bộ, đảng viên mà còn tác động, ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự và quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Từ nay đến khi diễn ra Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị, bất mãn sẽ càng đẩy mạnh thực hiện các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá. Đặc biệt, chúng sẽ triệt để khai thác các ứng dụng, dịch vụ, tiện ích trên không gian mạng để tán phát “đơn thư”, “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “bản lên tiếng”, “đơn tố cáo”, qua đó gây áp lực hoặc hạ uy tín, tạo luồng dư luận xấu về lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và chủ động đấu tranh, ngăn chặn các “chiến dịch tuyên truyền” này.

@ST

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét