Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Trong giai đoạn đốt lò khá gay gắt như hiện nay, nếu có một nhân
sự nào đó được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng hay Vụ trưởng ở tuổi 30 thì gần như chắc
chắn báo chí sẽ soi đến từng câu văn bản, dư luận đặt nghi vấn về việc “đồng
chí này là con đồng chí nào”. Nhưng 27 năm trước, ông Vũ Đức Đam đã bắt đầu
thăng tiến “thần tốc” như vậy trong một Chính phủ cởi mở nhất từ sau ngày thống
nhất nước. Chính phủ đó của một nhân vật đến bây giờ vẫn còn gây tranh cãi, duy
chỉ có những đóng góp vĩ đại và tư duy lỗi lạc của ông là không ai có thể phủ
nhận – Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Vì vậy, không ngoa khi chút nào khi nói giai đoạn
hơn 20 năm đầu làm chính trị của ông Vũ Đức Đam có những lúc thần tốc không
ngờ, và cũng có những chặn giảm tốc đến đáng thất vọng với những ai hâm mộ ông.
Vụ trưởng Vụ ASEAN thuộc Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhậm
chức ở tuổi 32 trong bối cảnh Việt Nam đang tháo gỡ những vướng mắc cuối cùng
để đổi trạng thái ĐỐI ĐẦU sang ĐỐI THOẠI và TRỞ THÀNH NGƯỜI MỘT NHÀ với khối
ASEAN – vốn từng được lập ra để chống Cộng. Kết nạp Việt Nam thành công sẽ giúp
ASEAN mở hướng kết nạp khối lục địa gồm Campuchia, Lào, Myanmar… giải phóng
chính ASEAN khỏi cái bóng của một tổ chức mang màu sắc phòng thủ quân sự, cách
ly được ảnh hưởng của các nước lớn vào công việc nội bộ của khu vực, tránh để
Đông Nam Á một lần nữa trở thành chiến trường cho các nước lớn xâu xé. Nói cách
khác, việc Việt Nam gia nhập ASEAN không phải là nguyện vọng đơn phương cho
chính sách mở cửa mà còn là mong muốn của chính ASEAN trước bối cảnh trật tự
hai cực sụp đổ, thế giới đứng trước lựa chọn hoặc nhất siêu một trung tâm quyền
lực (Mỹ) hay khuyến khích mạnh mẽ vai trò của ngoại giao đa phương thông qua
các thể chế khu vực như ASEAN. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất quyết liệt trong
việc Việt Nam cần hội nhập mạnh hơn, sâu hơn, liên kết chặt chẽ hơn với ASEAN –
dù đấy không phải là nhận thức của tất cả các đồng chí trong Đảng, kể cả với
hai đồng chí lãnh đạo cấp cao còn lại.
Những đóng góp của ông Võ Văn Kiệt về đối ngoại và đối nội (bao
gồm những đại công trình như đường dây 500kV, lọc dầu Dung Quất, Tứ giác Long
Xuyên…) phản ánh khả năng hiệu triệu của ông đối với một đội ngũ các thành viên
Nội các, chuyên gia kinh tế có tư tưởng cấp tiến, tiến nhanh đến mức khi ông Võ
Văn Kiệt được đề cử làm Thủ tướng lần thứ nhất hay có dư luận muốn ông làm Tổng
Bí thư năm 1996, nhiều người trong tổ chức quan ngại quá trình Đổi mới của Việt
Nam sẽ… quá nhanh. Trong ekip đó của Võ Văn Kiệt, có cái tên Vũ Đức Đam, người
Hải Dương – mảnh đất nhiều ơn sâu nghĩa nặng cả trong việc công lẫn việc tư của
ông Võ Văn Kiệt.
Bạn sẽ thấy thật không liên quan khi chúng ta nhắc về đồng chí
Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) trong một status nhắc về vị Phó Thủ tướng đang rất được
lòng dư luận trong chiến dịch chống COVID 19. Nhưng thật không quá lời, nếu nói
cách điều hành của ông Vũ Đức Đam phản ánh rất rõ phong cách Võ Văn Kiệt, hoặc
nói đúng hơn nữa, những gì chúng ta nhìn thấy ở ông Võ Văn Kiệt khi làm Thủ
tướng hay trong những năm tháng cuối đời đều có dấu ấn của người Thư ký rồi sau
đó là Trợ lý mang tên Vũ Đức Đam. Võ Văn Kiệt là gì? Là kiểu làm chính trị
phóng khoáng Sài Gòn, vượt ra khỏi những lằn ranh giới hạn của cơ chế trong
buổi tranh tối tranh sáng. Là những tiếng nói phản biện mạnh mẽ, những sự can
dự sâu sắc vào các Chính phủ kế nhiệm với tư cách một công dân. Ông Kiệt đã khá
lo lắng trước nhiều sự kiện, quyết sách mà giờ đây chúng ta vẫn cần thời gian
để đánh giá cho đúng, cho trúng hơn nữa, như phản đối mở rộng Hà Nội, phản đối
hạn chế tự do báo chí… Nếu có một điều gì đó chúng ta nhìn thấy đồng chí Vũ Đức
Đam chưa bằng người sếp, người thầy của mình thì đó cũng là điều mà Thủ tướng
Phan Văn Khải từng thừa nhận không thể bằng người tiền nhiệm: BẢN LĨNH CHÍNH
TRỊ - khả năng dám mang sinh mệnh chính trị ra để dũng cảm có được quyết định
vì lợi ích và tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của dân tộc.
Ông Vũ Đức Đam gần như đã lặng đi hoàn toàn trên chính trường
trong suốt 5 năm làm Trợ lý khi ông Võ Văn Kiệt rút về làm Cố vấn Ban chấp hành
Trung ương Đảng từ 1997-2003. Đó là lần hãm tốc thứ nhất sau lần thần tốc thứ
nhất. Giai đoạn thần tốc thứ hai của ông cho thấy Trung ương Đảng đánh giá cao
năng lực của vị Tiến sĩ Kinh tế này thế nào khi trong CV của ông Đam gần như có
đầy đủ mọi vị trí mơ ước trong tiêu chuẩn chọn lãnh đạo chủ chốt. Kinh nghiệm
địa phương (Phó Chủ tịch Bắc Ninh, Chủ tịch rồi Bí thư Quảng Ninh), kinh nghiệm
công tác đầy đủ các chức vụ ở Trung ương (Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng, Thứ trưởng
Bưu chính – Viễn thông) khả năng lãnh đạo tổng hợp (Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn
phòng Chính phủ), chấp hành sự phân công của Đảng (nói như lời ông Đam là tôi
phải chấp hành – phụ trách Bộ Y tế trong thời gian khuyết Bộ trưởng) và khả
năng xử lý khủng hoảng (COVID 19). Trong Đảng, ông đã kinh qua một nhiệm kỳ Ủy
viên dự khuyết Trung ương, một nhiệm kỳ Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung
ương và đang đến năm cuối cùng của nhiệm kỳ Trung ương thứ hai. Nhiều người hâm
mộ từng bày tỏ sự tiếc nuối khi ông không có tên trong 19 Ủy viên Bộ chính trị
được bầu năm 2016, những lần Hội nghị Trung ương sau đó chỉ thấy giảm (vì tù
tội, ung thư, kỷ luật, ốm đau…) chứ không thấy bầu bổ sung Ủy viên Bộ chính
trị. Đó là lần hãm tốc thứ hai và mọi chuyện có vẻ sẽ vẫn cứ kéo dài như vậy
cho đến khi COVID 19 xảy ra.
Ông Đam không phải một người dân túy, nhưng những gì ông thể
hiện (thật ra là học theo đúng lời dạy của Bác Hồ) thì không hẳn đã vừa mắt báo
chí, vừa mắt đồng chí lẫn những người làm chính trị kiểu cũ. Dù có thể những
hành động của ông xuất phát từ thâm tâm và kinh nghiệm nhiều hơn là để ghi
điểm. Đi thị sát bệnh viện, quần jean mang bản đồ leo lên Sơn Trà… phản ánh
phong cách vi hành, sát thực tế của người thầy của ông – Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Mùa xuân hai năm trước, trận chung kết Việt Nam – Uzobekistan được chiếu trực
tiếp với 100 ngàn khán giả ở Mỹ Đình, MC đã gọi tên ông Đam và rất vất vả để
tìm ông vì ông cố ý ngồi lọt vào lòng khán giả chứ không xuất hiện ở khán đài
VIP. Bóng dáng một thủ lĩnh thanh niên trong ông Đam khi ông hô tên từng cầu
thủ một, và bên dưới hơn 10 vạn thanh niên giàn giụa nước mắt gọi tên từng
chiến binh áo đỏ theo lời hiệu triệu của vị Phó Thủ tướng gầy gò. Người như ông
Đam không khó để trúng nhiều phiếu trong cơ chế phổ thông đầu phiếu, do mị lực
từ khả năng diễn thuyết và những hành vi mang tính chất gần dân. Trong Quốc
hội, không hẳn Nghị sĩ nào cũng ủng hộ ông dù ông thường có những bài diễn
thuyết ấn tượng đến kinh ngạc. Điều đó có cái lý của nó do quá trình dân chủ
hóa khi sinh hoạt Nghị trường, chú trọng kết quả nhiều hơn là những lời nói đẹp
đẽ. Thật ra, điều này quá khó cho ông Đam, rất lưỡng nan.
Cuối cùng, điều mà chúng ta có thể nhận định ngay về ông Đam
chính là không rõ ông thật sự mạnh ở mảng nào trong một nền chính trị nói nhiều
về sự chuyên trách. Ông khởi hành với ngành Bưu điện, là một kỹ sư. Nhưng có
lúc ta thấy ông phụ trách mảng hợp tác quốc tế ở Văn phòng Chính phủ, có khi
lại phát biểu trước Liên hợp quốc về quyền con người ở Việt Nam trong vai trò
Phó Thủ tướng dù Ngoại trưởng là ông Phạm Bình Minh. Lĩnh vực giáo dục, khoa
học, công nghệ, y tế… mà ông lãnh đạo khi phục vụ qua hai đời Thủ tướng trong
vai trò cấp phó cũng chưa bao giờ là vị trí giúp Phó Thủ tướng đó thăng tiến
thêm khi nhìn về chính trị VN suốt hơn 30 năm qua. Truyền thống cho thấy Trung
ương Đảng có xu hướng chọn một Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế - tài chính,
kinh tế ngành hoặc một trường hợp hiếm hoi là phụ trách nội chính, luật pháp
như ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Thủ tướng. Những ông Phạm Gia Khiêm, Nguyễn
Thiện Nhân, Nguyễn Khánh… đều không đạt đến một vị trí cao hơn sau khi rời khỏi
chiếc ghế Phó Thủ tướng thường không được cơ cấu song song với tư cách một Ủy
viên Bộ chính trị ấy. Ông Đam đang ngồi quá lâu ở vị trí Phó Thủ tướng. Hiến
pháp không cấm Phó Thủ tướng phục vụ một nhiệm kỳ thứ ba nhưng chưa từng sinh
hoạt Bộ Chính trị là trở ngại lớn nhất với những ai hâm mộ và kỳ vọng sự thăng
tiến ở ông Đam. Lợi thế lớn nhất của ông chính là tuổi tác, nhưng bằng tuổi ông
bây giờ, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đã được bầu làm Thủ tướng với kinh nghiệm 2
nhiệm kỳ Bộ chính trị. Vậy có cơ hội nào không cho ông Vũ Đức Đam khi nhìn từ
hằng số và biến số trong chính trị Việt Nam? Xin đợi status tiếp theo và cuối
cùng.
* Đây là status viết những suy nghĩ cá nhân về đồng chí Vũ Đức
Đam, những nội dung này không phản ánh quan điểm của nơi làm việc hoặc bất cứ
động cơ chính trị nào.
MC Nguyên Bảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét