NGƯỜI ĐƯA TIN 289

NƠI CHIA SẺ THÔNG TIN ĐA CHIỀU VỀ MỌI VẤN ĐỀ

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC VỤ ÁN CHÂU VĂN KHẢM, BÔI NHỌ, CHỐNG PHÁ NHÀ NƯỚC

Đối tượng Châu Văn Khảm

Ngày 11.11, TAND TP.HCM xử sơ thẩm các bị cáo là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân. HĐXX tuyên phạt bị cáo Châu Văn Khảm (70 tuổi, Việt kiều Úc) 12 năm tù, Nguyễn Văn Viễn (48 tuổi, quê Quảng Nam, ngụ Q.12, TP.HCM) 11 năm tù, Trần Văn Quyền (20 tuổi, quê Hà Tĩnh, ngụ tại TX.Dĩ An, Bình Dương) 10 năm tù, cùng về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015.
Đồng thời, HĐXX tuyên buộc trục xuất bị cáo Châu Văn Khảm khỏi Việt Nam sau khi chấp hành xong hình phạt; tuyên phạt quản chế 5 năm đối với Viễn và Quyền sau khi mãn hạn tù.
Ngoài 3 bị cáo trên, HĐXX cũng tuyên phạt các bị cáo Bùi Văn Kiên (36 tuổi, quê Hải Dương) 4 năm tù, Nguyễn Thị Ánh (27 tuổi, quê Đồng Tháp) 3 năm tù và Trần Thị Nhài (36 tuổi, quê Nghệ An) 3 năm tù, cùng về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Không khó để thấy, nhiều đối tượng cơ hội chính trị và các hội nhóm núp dưới bóng bảo vệ nhân quyền đã liên tục đưa ra các thông tin sai lệch về vụ án, vu khống bản chất Nhà nước ta và đưa ra những yêu sách phi lý liên quan đến việc xét xử các bị cáo trong vụ án.
Những ngày gần đây, trên các trang mạng như Việt Tân, Hội anh em dân chủ, Chân trời mới Media cùng các trang báo có nội dung tiếng Việt như BBC, RFA đưa ra nhiều bài viết chứa nội dung sai lệch về vụ án Châu Văn Khảm cùng đồng phạm khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. 
Đặc biệt, các đối tượng còn viện dẫn thông tin, số liệu mang tính mơ hồ, quy chụp, phi thực tế của cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền để xâm phạm đến lợi ích quốc gia của Việt Nam, tạo ra tâm lý hoang mang trong dư luận.
Xuyên tạc, hướng lái bản chất vụ án: phương thức chống phá nguy hiểm
Việc hướng lái, chính trị hoá một vụ án hình sự không phải là điều mới. Trong bối cảnh hiện nay, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã biến việc này trở thành một phương thức để chống phá chính quyền. 
Các đối tượng triệt để tận dụng các vụ án liên quan đến nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia và nhóm các tội phạm chức vụ để từ đó xuyên tạc bản chất vụ án, thổi phồng, làm sai lệch nội dung vụ án, tô vẽ khiến cho vụ án trở nên ly kỳ. Trên cơ sở này, các đối tượng đưa ra những quan điểm, lập luận mang tính chủ quan, phiến diện, tấn công gây phương hại đến Việt Nam.
Nằm trong phương thức chung, vụ án Châu Văn Khảm và đồng phạm bị đưa ra xét xử về hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân cũng được các đối tượng triệt để sử dụng. Đặc biệt, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị người Việt đã có sự bắt tay, câu móc chặt chẽ với các cá nhân, tổ chức nước ngoài (những người có cái nhìn phiến diện về Việt Nam) để tiến hành công kích, đả phá chính quyền.
Pháp luật hình sự Việt Nam quy định cụ thể: tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi, xâm phạm các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý về mặt hình sự. Hay nói một cách khác, tất cả các hành vi tội phạm đều được quy định cụ thể, rõ ràng trong Bộ luật Hình sự; một người không thể bị xử lý hình sự nếu hành vi của họ không bị coi là tội phạm và được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự. 
Vậy nhưng các đối tượng chống đối cố tình đưa thông tin sai lệch, tự cho mình quyền coi thường, đứng trên pháp luật phủ nhận các quy định luật pháp của Việt Nam.  Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này thông qua các bài nói, bài viết được các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, các thế lực thù địch đưa ra.
Về vụ án Châu Văn Khảm, cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã đưa ra những thông tin sai trái như: “Việt Nam là một nước thường xuyên sử dụng luật hình sự để trừng phạt những người phê phán ôn hòa, đi ngược lại công pháp quốc tế” hay “Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiểm soát quyền lực rất chặt chẽ trong hơn 40 năm qua và sẽ không cho phép bất kỳ sự đối lập chính trị nào”. 
Chưa dừng lại ở đây, các đối tượng này còn lợi dụng vấn đề Châu Văn Khảm có quốc tịch Australia để thực hiện chiêu bài “dương đông, kích tây” với mong muốn phía Australia tham gia vào vụ án. Các đối tượng cho rằng: “Cần cấp thiết tạo sức ép ngoại giao để bảo vệ quyền lợi của một công dân Australia cao tuổi đã nghỉ hưu đang bị cầm tù tại Việt Nam”. 
Chính Elaine Pearson, Giám đốc Australia của cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã nói: “Chính quyền Việt Nam cần tiếp nhận một hệ thống chính trị đa nguyên”. Không khó để nhận thấy, các cá nhân, tổ chức này đang có cái nhìn phiến diện, thậm chí là thù hằn đối với chế độ chính trị của Việt Nam.
Vậy bản chất thực sự đằng sau đó là gì?
Đó chính là mưu đồ chống phá chế độ XHCN, hướng lái chính trị theo con đường đa nguyên, đa đảng, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản tại Việt Nam, đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo lệ thuộc các nước tư bản. Trong đó, bước đầu tiên các đối tượng thực hiện là vươn vòi “bạch tuộc”, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. 
Hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế
Các đối tượng liên tục cáo buộc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế. Vậy nhưng thực tế, chính bản thân các đối tượng mới là những người vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như pháp luật của Việt Nam.
Hiện nay, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị người Việt đang cổ suý tư tưởng “núp bóng”, dựa dẫm vào bên ngoài. Chưa dừng lại ở đây, nhiều đối tượng còn giả danh dân chủ, nhân quyền để tạo cớ cho các thể lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước. Hành động này cho thấy bản chất “bất trung” với Tổ quốc. 
Trên phương diện luật pháp quốc tế, việc tìm cách can thiệp, giúp sức cho người khác can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác được ghi nhận trong Hiến chương liên hợp quốc.
Ở một khía cạnh khác, có thể thấy các đối tượng đang vi phạm quyền tự quyết của Việt Nam. Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá” . 
Vậy nhưng trên thực tế, các đối tượng núp dưới bóng dân chủ, nhân quyền lại liên tục đả phá chế độ XHCN, xuyên tạc thể chế chính trị mà Việt Nam đã lựa chọn. Thậm chí, các đối tượng này còn liên lạc với các Nhà nước có thể chế chính trị đối lập với Việt Nam để tìm cách chống phá, làm sụp đổ chế độ chính trị của Việt Nam. Đây là hành vi cần phải được vạch trần, lên án.
Trong Tuyên bố về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc (theo Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24-10-1970 ) quy định: “Bất kỳ hành động nào nhằm mục đích làm chia rẽ toàn bộ hoặc một phần sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc sự độc lập chính trị của quốc gia đó là không phù hợp với những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương”. 
Qua đây, một lần nữa có thể thấy, các đối tượng chống phá Việt Nam không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn đi ngược lại những quy định chung của luật pháp quốc tế. Mọi hành vi xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam đều phải bị xử lý một cách nghiêm khắc trước pháp luật.
Trần Anh Tú (CAND)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét