Pages - Menu

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

VẠCH TRẦN BẢN CHẤT XẢO TRÁ TỪ GIẢI THƯỞNG NHÂN QUYỀN LÊ ĐÌNH LƯỢNG

 

Như thường lệ, dịp cuối năm là thời điểm để các cơ quan, tổ chức tiến hành tổng kết, bình bầu thi đua khen thưởng, đánh giá lại năm cũ và khởi động cho năm mới. Tổ chức Việt Tân cũng học theo nếp đó nhưng lại ở khía cạnh diễn trò lố bịch: tung hô, “trao giải” cho kẻ phản dân, hại nước.

Đến hẹn lại lên, ngày 18/11/2021, tổ chức khủng bố Việt Tân tiếp tục đăng đàn về “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng 2021”. Thông tin rêu rao: “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng năm 2021 với chủ đề nghĩa đồng bào trong mùa đại dịch, để vinh danh những hoạt động cứu trợ dân nghèo khó trong đại dịch COVID-19 vừa qua đã bị chính quyền bỏ rơi”. Đồng thời, Việt Tân “mong mỏi giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng năm 2021 sẽ là một đóng góp thêm nữa vào phong trào dân giúp dân”. Trong thông báo này, Việt Tân đã sử dụng những cụm từ đánh vào lòng nhân nghĩa của con người để lừa bịp, đó là lấy danh nghĩa “cứu trợ dân nghèo khó trong mùa đại dịch”, “đóng góp vào phong trào giúp dân”… Xem qua, thiết tưởng như đây là hành động nhân ái nhằm giúp đỡ đồng bào nghèo khó trong đại dịch COVID-19, từ đó có thể chạm vào lòng trắc ẩn, bao dung của con người. Tuy nhiên, đó chỉ là lớp sơn để che đậy bản chất xảo trá của tổ chức khủng bố, phản động này.

“Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” được Việt Tân tung ra lần đầu vào năm 2018. Mục đích việc trao thưởng được Việt Tân lừa bịp thành “nhằm biểu dương tinh thần đấu tranh cho dân sinh dân quyền của nhà hoạt động dân chủ đã có nhiều nỗ lực tranh đấu bảo vệ quyền lợi của đồng bào và chủ quyền của đất nước” và “nhằm đề cao sự hy sinh và việc làm của những cá nhân hay tổ chức đang miệt mài tranh đấu cho nhân quyền của dân tộc Việt Nam”. Cái tên Lê Đình Lượng được Việt Tân lý giải là tên của “một người yêu nước đã có nhiều nỗ lực đấu tranh bảo vệ quyền lợi của đồng bào và chủ quyền của đất nước”! Tuy nhiên, thực chất Lê Đình Lượng là đối tượng cộm cán, một cánh tay đắc lực của tổ chức Việt Tân, hoạt động phổ biến ở các địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Quá trình hoạt động, Lê Đình Lượng đã sử dụng những thủ đoạn như thông qua các trang mạng xã hội đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết tuyên tuyền, cổ súy cho Việt Tân, trong đó có nhiều bài viết, bình luận ca ngợi Việt Tân, cổ vũ cho đường lối của Việt Tân, xuyên tạc về tình hình đất nước, đả kích Đảng Cộng sản Việt Nam, lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, môi trường để xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong quần chúng nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Năm 2018, Lê Đình Lượng bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án 20 năm tù và phạt quản chế 5 năm về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Trò trao thưởng này theo lệ cứ rộ lên dịp cuối năm, lấy cớ để tổng kết, đánh giá, trao thưởng cho người “có nhiều đóng góp” trong năm. Bên cạnh việc tung hô giải thưởng thì các đối tượng cũng tìm nhiều cách để tạo sóng dư luận, như tụ tập các thành phần chống phá đất nước để “hội thảo” hay “hội thảo trực tuyến”, đối thoại, phỏng vấn… Cuối năm ngoái, buổi trao “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” cũng được tung hô với một hội thảo “Cùng nhau lên tiếng cho quyền tự do ngôn luận” do nhóm chống đối livestream từ Sydney, Úc. Lần đó, “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” được trao cho Phan Kim Khánh, một đối tượng chống phá Nhà nước Việt Nam mà Việt Tân gọi là “sinh viên tù nhân lương tâm”! Thực tế, Phan Kim Khánh là đối tượng đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt 6 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2015 khi đang là sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, Phan Kim Khánh đã kết nối với một số đối tượng phản động ở hải ngoại lập tài khoản trên mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết có nội dung vu khống, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng… Tại phiên toà, Phan Kim Khánh đã khai báo thành khẩn, thừa nhận do kém hiểu biết về chính trị, pháp luật nên đã bị các đối tượng phản động lôi kéo, kích động dẫn đến phạm tội. Bị cáo Khánh bày tỏ sự hối tiếc về việc làm của mình và đề nghị hội đồng xét xử cho được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để có cơ hội làm lại cuộc đời, báo hiếu cha mẹ.

Năm 2018, Việt Tân đã xướng tên người nhận “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” cho Trần Thị Nga – đối tượng năm 2017 bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên phạt 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nga đã có hành vi trực tiếp lập các tài khoản Blog, Facebook cá nhân và trang YouTube để làm, tàng trữ, đăng tải 13 video clip có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, truyền bá tư tưởng phản động, gieo rắc sự nghi ngờ, gây hoang mang trong nhân dân. Nga còn trả lời phỏng vấn các đài, báo phản động ngoài nước để cung cấp những thông tin, tình hình sai lệch về hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp nhằm mục đích chống Nhà nước Việt Nam.

Bằng việc tô vẽ cho các đối tượng nhận giải thưởng với danh hão như “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền”, “tù nhân lương tâm”, “công dân yêu nước”…, cái gọi là “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” chỉ là thủ đoạn để tổ chức Việt Tân hợp thức hóa việc cung cấp tiền bạc cho những kẻ được họ tiếp tay hoạt động chống Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam. Đồng thời, thông qua đó nhằm tiếp tục cổ súy, lôi kéo các đối tượng khác hoạt động phục vụ âm mưu chống phá Việt Nam của tổ chức này. Cùng với việc rêu rao giải thưởng, các đối tượng nhằm tạo sóng dư luận, gây sự chú ý từ quốc tế để bôi nhọ, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, qua đó lấy cớ để gây sức ép, can thiệp vào tình hình trong nước. Để gây chú ý, chúng không ngừng tung hô giải thưởng “có giá trị” cả vật chất lẫn tinh thần, sau đó tự lập “hội đồng” đưa ra các ứng viên nhận giải.

Thực tế, Giải thưởng là để thể hiện sự tôn vinh cho tập thể hay cá nhân nào đó có thành tích, cống hiến. Giải thưởng mang tên nhân quyền còn thể hiện giá trị thiêng liêng, cao quý bởi ý nghĩa của cụm từ này. Vậy mà những tổ chức chống phá lại lấy cớ trao thưởng để tập hợp những thành phần là tội phạm chống phá đất nước, chống phá nhân dân, biến hành vi phạm tội của các đối tượng thành những danh xưng mĩ miều “đấu tranh cho tự do dân chủ”, “vì tiến bộ xã hội”, “vì quyền con người”… Rõ ràng, các tổ chức này đã xâm phạm, bôi nhọ lên giá trị quyền con người nhưng lại tự huyễn hoặc bảo vệ quyền con người, vì con người. Đối với những cá nhân được “vinh danh” trao giải thực chất chỉ là những con rối, quân cờ ngồi chấp hành án trong trại giam nhưng bị kẻ địch bên ngoài mượn danh để điều khiển, vì động cơ chống phá đất nước. Bởi vậy, những phạm nhân đó chớ nên nghe ảo vọng để tự cho mình là “tù nhân lương tâm”, kiếm tìm giải thưởng ở trời Tây. Chẳng có giải thưởng nào từ các thế lực chống phá bên ngoài giúp phạm nhân “đến với tự do, dân chủ”, muốn trở về với tự do, dân chủ như công dân bình thường, điều trước mắt và quan trọng nhất là nếu lỡ trót bước lạc đường thì nay chấp hành án trong trại giam, hãy ăn năn hối cải, biết nhận ra lỗi lầm để cải tạo tiến bộ, sớm tìm lại con đường về với gia đình, sống có ý nghĩa trên đất nước, quê hương mình.



ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét