Trung Quốc tuyên bố
H&M đã chấp nhận yêu cầu của cơ quan phía nước này về việc đăng tải lại bản
đồ, trong đó có các khu vực nhạy cảm.
Theo ABC News,
chính quyền thành phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày 2.4 thông báo rằng website của
thương hiệu thời trang H&M đã đồng ý sửa đổi bản đồ Trung Quốc, sau khi Văn
phòng Kế hoạch và Quản lý tài nguyên của thành phố này đưa ra yêu cầu.
Theo lập luận của
Trung Quốc, bản đồ của H&M đăng tải ban đầu "có vấn đề". Sau khi
bị phía Trung Quốc cảnh báo, H&M đã sửa lại.
Động thái trên xảy
ra giữa bối cảnh H&M đứng trước sức ép bị Trung Quốc tẩy chay sau những
căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và phương Tây liên quan vấn đề nhân quyền tại
khu tự trị Tân Cương.
Các thông báo của
Trung Quốc không nêu cụ thể những thay đổi, nhưng theo AP, Trung Quốc đã yêu cầu
các nhãn hàng phải hiển thị trên bản đồ các khu vực mà nước này tuyên bố thuộc
chủ quyền, trong đó có đường lưỡi bò phi pháp mà nước này công bố ở Biển Đông.
Trên mạng xã hội,
người dùng cho rằng H&M đã sửa đổi bản đồ Trung Quốc từ không có đường lưỡi
bò sang có hiển thị đường lưỡi bò phi pháp. Tuy nhiên, các bản đồ được chia sẻ
trên mạng đều không chỉ rõ đâu là nội dung gốc "có vấn đề" mà Trung
Quốc cảnh báo với phía H&M, cũng như bản đồ đã chỉnh sửa.
H&M chưa đưa
ra phản hồi cụ thể.
Trong một bản tin
khác trên Thời báo Hoàn cầu, người dùng mạng Trung Quốc đã phản ánh về "bản
đồ có vấn đề" trên trang chủ của hãng H&M. Sau khi hãng thời trang chỉnh
sửa bản đồ "ngay lập tức", Văn phòng Kế hoạch và Tài nguyên thiên
nhiên Thượng Hải còn triệu tập đại diện nhãn hàng đến làm việc cùng văn phòng
thông tin mạng thành phố.
Tại buổi làm việc,
cơ quan trên yêu cầu H&M tìm hiểu rõ luật an ninh mạng, về quản lý bản đồ
và các quy định liên quan khác của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu công ty phải
"sử dụng các bản đồ một cách đúng đắn mà không có bất kỳ sai phạm
nào".
"Bản đồ có vấn
đề" thường được Trung Quốc sử dụng để nói về bản đồ mà Bắc Kinh xem là có
yếu tố "gây phương hại chủ quyền, lãnh thổ, an ninh và lợi ích" của
nước này.
Trung Quốc đơn
phương công bố đường lưỡi bò, nuốt gần trọn Biển Đông, đã bị cộng đồng quốc tế
nhiều lần lên án. Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines năm 2016
cũng đã ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò này.
Tuy nhiên, thủ đoạn
cài cắm bản đồ đường lưỡi bò phi pháp vẫn được Trung Quốc ngang ngược thực hiện
thông qua hàng loạt ấn phẩm khoa học, hàng hóa, các thiết bị di động, thậm chí
đồ chơi trẻ em.
Để phục vụ cho nỗ
lực tuyên truyền trên, Trung Quốc đã tung tiền đầu tư vào các hãng phim ở
Hollywood (Mỹ) rồi lồng ghép nội dung sai trái vào phim ảnh. Điển hình như phim
Everest - Người tuyết bé nhỏ (Abominable), có lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò”
phi pháp, là một sản phẩm do Công ty Pearl của Trung Quốc hợp tác sản xuất cùng
DreamWorks của Hollywood.
Các sản phẩm có nội
dung sai trái trên đang được Bắc Kinh ra sức đẩy mạnh khắp thế giới. Vào tháng
8.2020, tờ The Guardian đưa tin bản đồ “đường lưỡi bò” hiện diện trong sách
ngôn ngữ, văn hóa và xã hội Trung Quốc, được sử dụng trong giảng dạy tại ít nhất
11 trường trung học phổ thông ở bang Victoria (Úc). Sau khi bị phát hiện, nhà
xuất bản đã phải thu hồi số sách trên và đưa ra lời xin lỗi.
Thậm chí, vào
tháng 3.2020, lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 bùng nổ, trang Facebook của Đại
sứ quán Trung Quốc tại Ý đăng hình vẽ cổ động tinh thần chống dịch Covid-19,
nhưng có cả phần bản đồ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Bức ảnh được chú thích là
của nữ họa sĩ Aurora Cantone (Ý). Tuy nhiên, sau các phản ứng của cộng đồng mạng
Việt Nam và cả nhiều người trên thế giới phẫn nộ, nữ họa sĩ lên tiếng khẳng định
mình không phải là tác giả của bức tranh cổ động.
Chính vì thế, việc
Trung Quốc tuyên truyền bản đồ đường lưỡi bò phi pháp được các chuyên gia đánh
giá như một phần trong tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Báo Thanh niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét