Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta lần đầu tiên khẳng định: Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, về lý luận, nguyên tắc là vấn đề có tính sống còn đối với một
tổ chức. Tuân thủ các nguyên tắc thì tổ chức đó vững mạnh, từ bỏ hoặc
thực hiện không nghiêm túc các nguyên tắc thì sẽ dẫn đến tổ chức rệu rã
và có nguy cơ tan rã.
Trải qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn vận dụng và
phát triển sáng tạo những nguyên tắc cơ bản của học thuyết Mác-Lênin về
xây dựng Đảng. Tổng kết công tác xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng
khác nhau, tuy cách diễn đạt về các nguyên tắc xây dựng Đảng có khác
nhau một vài điểm nhưng nhìn chung, Đảng ta vẫn luôn khẳng định những
nguyên tắc trên cơ sở vận dụng và tuân thủ các nguyên lý cơ bản của Chủ
nghĩa Mác-Lênin.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta phát triển nguyên
tắc về nền tảng tư tưởng: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Đến Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta khẳng định: “Đảng Cộng sản
Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên
phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung
thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân
tộc”.
Đây là lần đầu tiên Đảng ta xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ
là đội tiền phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiền phong của
nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cũng tại đại
hội lần này, Đảng ta bổ sung thêm nguyên tắc: “Đảng hoạt động trong
khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc
chủ yếu nói trên trong quá trình xây dựng Đảng là một trong những yếu
tố có tính quyết định bảo đảm cho Đảng ta giữ vững và tăng cường bản
chất giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công
nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; là cơ sở khoa học để Đảng
ta không ngừng chăm lo xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng luôn xứng đáng vai trò người lãnh đạo
cách mạng Việt Nam.
Trên cơ sở những nguyên lý về xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp
công nhân do Lênin nêu ra và thực tiễn hoạt động của Đảng ta, Điều lệ
Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông
qua (các nhiệm kỳ XII và XIII thống nhất giữ nguyên Điều lệ) quy định về
các nguyên tắc tổ chức và hoạt động như sau: “Đảng là một tổ chức chặt
chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc
tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương
yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc:
Tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và
Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn
khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định thực hiện nghiêm 5
nguyên tắc này và đó cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành
công của Đảng ta trong thời gian qua.
Thứ hai, quan điểm chỉ đạo là kiên định nhưng không phải là cứng nhắc, giáo điều và cũng không phải là đổi mới vô nguyên tắc.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ
thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương,
chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi
ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết
với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no
của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Trong quá trình thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, cần thấm nhuần
quan điểm chỉ đạo: Kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển, thống
nhất giữa lý luận và thực tiễn. Kiên trì, kiên định nhưng không trở
thành giáo điều, cứng nhắc; đổi mới, kế thừa và phát triển nhưng trên cơ
sở giữ vững các nguyên tắc chứ không phải là vô nguyên tắc, dân chủ quá
đà, lẫn lộn giữa đối tượng, đối tác.
Thứ ba, về thực tiễn, trong nghiên cứu, học tập, quán triệt thực hiện
các nghị quyết của Đảng thì chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu
yếu, chậm được khắc phục nên khi thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của
Đảng rất cần phải kiên định tuân thủ các nguyên tắc. Nếu ai không tuân
thủ sẽ phải chịu trách nhiệm bằng các hình thức kỷ luật của Đảng.
Đánh giá việc thực hiện các nguyên tắc và đổi mới phương thức lãnh đạo,
văn kiện Đại hội XIII chỉ ra những ưu điểm sau: “Công tác xây dựng Đảng
về chính trị được đặc biệt chú trọng. Kiên định nền tảng tư tưởng của
Đảng, đường lối đổi mới và các nguyên tắc xây dựng Đảng”. “Phương thức
lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới. Ban hành và thực hiện nhiều quy
định bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao nguyên tắc pháp
quyền, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các
cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội”.
Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tổng kết công tác
xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nêu rõ ưu điểm: “Đảng ta luôn
vững vàng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không
ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên
định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối
đổi mới và những nguyên tắc về xây dựng Đảng”.
Về hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng nói
chung, các nguyên tắc xây dựng Đảng nói riêng vẫn còn những hạn chế,
khuyết điểm như Văn kiện Đại hội XIII chỉ ra: “Chỉ đạo và tổ chức thực
hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục”.
Đánh giá việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, Văn kiện Đại hội
XIII nêu: “Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là
nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi
phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm.
Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp”. “Tự phê bình và phê
bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là
của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”.
Một số cấp ủy, tổ chức đảng đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung
dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo,
chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm,
khuyết điểm kéo dài. Đây là điều rất đáng trăn trở vì trong nhiệm kỳ Đại
hội XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146
đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm
đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên (trong đó có 23.432 cấp
ủy viên). Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức
đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật
17.610 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra
Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí
là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý). Các cấp ủy đã giám sát
193.993 tổ chức đảng và 528.652 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã
giám sát 124.469 tổ chức đảng và 185.731 đảng viên.
Điều cần lưu ý là rất nhiều vi phạm xảy ra từ nhiệm kỳ trước nhưng đến
nay mới bị phát hiện và xử lý. Như vậy trước đó, việc tuân thủ các
nguyên tắc xây dựng Đảng chưa thật sự được coi trọng, thậm chí bị buông
lỏng. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là
các nguyên tắc xây dựng Đảng chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm
túc. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan,
nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy, tổ chức đảng và
cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về tầm quan
trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới; việc
quán triệt các nghị quyết của Đảng ở một số nơi chưa kịp thời, sâu sắc.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, tổ chức
đảng chưa chủ động, sâu sát, thiếu quyết liệt; chưa coi trọng việc tự
kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết
trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh,
trông chờ vào chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Việc thực hiện các nguyên
tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi
chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu
hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả
thấp. Sự phối hợp giữa một số cấp ủy với đảng đoàn, ban cán sự đảng có
lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Việc phân định trách
nhiệm của người đứng đầu trong mối quan hệ với cấp ủy và tập thể lãnh
đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ; chưa phát huy đúng mức vai trò của cá nhân
trong tập thể. Việc xây dựng, phát huy vai trò của các cơ quan tham mưu
về công tác xây dựng Đảng có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức;
một bộ phận cán bộ tham mưu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình
hình mới.
Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số
35-NQ/TW, ngày 25-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch trong tình hình mới” cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm
vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, kiên định những nguyên tắc xây dựng Đảng gắn với thực hiện
Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018 của Bộ Chính trị. Tăng cường
tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội
dung các nguyên tắc xây dựng Đảng để từ nhận thức sẽ có hành động đúng
và tạo sự lan tỏa theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.
Thứ hai, tập trung xây dựng, thông tin chủ động, chính xác, kịp thời,
toàn diện, đúng đối tượng về các hoạt động, sự kiện chính trị, xã hội
của đất nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các chuyên trang, chuyên
mục, fanpage, blog, tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook...) về bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch.
Thứ ba, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, kịp thời định
hướng dư luận xã hội; thực hiện tốt quy chế phát ngôn, cung cấp thông
tin chính thống, kịp thời cho báo chí; công khai kết quả kiểm tra, giám
sát, kỷ luật đảng trên các phương tiện truyền thông; xử lý nghiêm những
thông tin phản ánh không đầy đủ, phiến diện, tiêu cực một chiều trên báo
chí, mạng xã hội.
Thứ tư, quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày
25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên
không được làm; Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành
Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng;
Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
vi phạm, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong
khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội; thường xuyên tuyên truyền đến
cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp
nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không tham gia bình luận tiêu cực
hoặc chia sẻ những thông tin xấu độc trên không gian mạng./.
Theo tuyengiao.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét