Pages - Menu

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Về chính sách ngoại giao nhân quyền của Mỹ

 

“Ngoại giao nhân quyền” là từ dùng để chỉ chính sách ngoại giao của Mỹ, lấy vấn đề nhân quyền là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ đối ngoại. Thuật ngữ này được coi là sử dụng lần đầu tiên trong cuốn sách cùng tên của D. Niusơn, xuất bản tại Mỹ năm 1966, miêu tả những quan điểm, động thái của Chính phủ Mỹ liên quan đến vấn đề này và khẳng định Chính phủ Mỹ coi nhân quyền như một công cụ cơ bản để thực hiện chính sách đối ngoại của mình. Thực tế cho thấy, nhận định này là hoàn toàn chính xác, bởi từ lâu nay các Chính phủ Mỹ đều rất quan tâm lợi dụng vấn đề nhân quyền trong hoạt động chính trị, ngoại giao. Đặc biệt, từ sau khi Liên Xô – Đông Âu sụp đổ, họ ngày càng tăng cường khai thác triệt để vấn đề này, trước hết nhằm mục đích xoá bỏ nốt các nước XHCN còn lại trên bản đồ thế giới, sau đó khống chế các nước khác, thực hiện mưu đồ bá chủ toàn cầu. Vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề này trong chính sách của Hoa Kỳ là cần thiết.

Những hành động khởi đầu.

Trên đây nêu giả thuyết về thời điểm xuất hiện thuật ngữ “ngoại giao nhân quyền”; tuy nhiên, có lẽ khó xác định một cách chính xác rằng ý tưởng áp dụng vấn đề nhân quyền như một công cụ can thiệp, lật đổ xuất hiện trong đầu các nhà chính trị Hoa Kỳ từ lúc nào.

Nghiên cứu những tài liệu về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, có thể thấy ngay từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, khi nhân quyền trở thành vấn đề được đưa ra bàn luận một cách rộng rãi và thường xuyên trên trường chính trị quốc tế, đã có cơ sở để chứng minh âm mưu của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, muốn lợi dụng vấn đề này để chống phá các nước XHCN. Không phải ngẫu nhiên mà một người Mỹ, bà Ê-lê-noa Ru-dơ-ven, là chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban nhân quyền Liên Hợp Quốc. “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền”- mà bà ta được coi là có công lớn trong việc soạn thảo – trên thực tế phản ánh những mâu thuẫn gay gắt giữa hai hệ thống chính trị thế giới. Liên Xô và nhiều nước XHCN lúc đó đã bỏ phiếu trống khi thông qua văn kiện này, và kể từ lúc đó, cuộc tranh cãi giữa tính phổ biến, tính đặc thù của nhân quyền, giữa tầm quan trọng của các quyền cá nhân với các quyền tập thể bắt đầu nổ ra và tiếp tục mãi đến bây giờ.

Mâu thuẫn giữa hai hệ thống chính trị trong lĩnh vực này biểu hiện cụ thể nhất ở sự ra đời hai công ước: Công ước quốc tế về các quyền dân sự-chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế-xã hội-văn hoá. Việc không thể ban hành một văn bản duy nhất nhằm xác định về mặt pháp lý và cụ thể hoá các nguyên tắc về quyền con người ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền thế giới 1948 cho thấy tính chất phức tạp, nhạy cảm của vấn đề. Hai công ước này biểu hiện sự thoả hiệp nhất định khi mà hai hệ thống chính trị có quan điểm rất khác nhau về vị trí, tầm quan trọng của mỗi loại quyền. Thế giới phương Tây đề cao các quyền dân sự-chính trị với ý nghĩa là các quyền của cá nhân, còn các nước XHCN đề cao các quyền kinh tế-xã hội-văn hoá với ý nghĩa nghiêng về các quyền tập thể.

Như vậy, nếu việc đưa vấn đề quyền con người vào nội dung Hiến chương Liên Hợp Quốc được xem là mốc khởi đầu đánh dấu việc hình thành một ngành luật mới: luật quốc tế về nhân quyền, thì việc đề cao các quyền dân sự, chính trị nhằm lợi dụng, phát triển chúng thành một yếu tố nền tảng trong quan hệ đối ngoại có thể coi là việc làm khởi đầu của chính sách ngoại giao nhân quyền của Mỹ; ở đây rõ ràng có sự đánh tráo mục đích rất khéo léo của các nhà ảo thuật chính trị bậc thầy. Thoạt đầu, vấn đề nhân quyền được đưa ra xuất phát từ những ký ức khủng khiếp trong Thế chiến thứ II và nhằm tránh cho nhân loại không phải lặp lại những cảnh tượng đau khổ như vậy nữa. Nhưng ngay sau đó, nó đã bị phương Tây lợi dụng biến thành một vũ khí chính trị, ngoại giao, tư tưởng nhằm chống lại các nước đối lập.

Quá trình phát triển.

Trò ảo thuật nói trên được các đời tổng thống Mỹ nối tiếp nhau thực hiện và nâng dần đến mức độ nghệ thuật. Từ đầu thập kỷ 50, ngay khi đắc cử tổng thống, Aixenhao đã tổ chức “Tuần lễ các nước đòi nhân quyền và giải phóng” hàng năm tại nước Mỹ nhằm khích động phong trào chống CNXH trên thế giới. Vào năm 1961, Kennơđi đã phát biểu rằng vấn đề cơ bản của hoà bình là nhân quyền, và chủ trương “phải lợi dụng triệt để vấn đề nhân quyền để phát huy ảnh hưởng và đạo lý”. Từ năm 1974, vấn đề nhân quyền bắt đầu len lỏi vào lĩnh vực lập pháp, thể hiện ở việc Quốc hội Mỹ thông qua các điều 116 và 502B của Dự luật về viện trợ, quy định: “Mỹ sẽ không cung cấp viện trợ kinh tế, an ninh và quân sự cho bất cứ chính phủ nào “luôn vi phạm nhân quyền”. Sau đó một năm, năm 1975, vấn đề này lại phát triển lên một bước, đánh dấu bằng việc nước Mỹ thành lập Uỷ ban nhân quyền và tuyên bố: nhân quyền là “vấn đề bức thiết nhất của thời đại chúng ta”. Đến thời Catơ, vấn đề nhân quyền thực sự trở thành nội dung cơ bản của học thuyết đối ngoại khi vị tổng thống này coi “nhân quyền là hạt nhân của chính sách đối ngoại”, đồng thời thành lập Cục nhân quyền trực thuộc Bộ Ngoại giao, quy định rõ chức năng của Cục này là thường xuyên báo cáo về tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới cho Tổng thống.

Năm 1981, trước tình hình chính sách ngoại giao nhân quyền được triển khai quá lộ liễu, gây những rắc rối chính trị, ngoại giao lớn cho Hoa Kỳ, Rigân buộc phải tuyên bố không tiếp tục thực hiện chính sách này nữa nhằm xoa dịu dư luận quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, Chính phủ Mỹ vẫn ngấm ngầm thực hiện, thậm trí còn mở rộng hơn thông qua một hình thức khác: triệt để lợi dụng diễn đàn Liên Hợp Quốc, diễn đàn các nước G7 để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, đặc biệt là vào hệ thống XHCN. Gắn liền với chiến lược hành động mới, chuyển từ răn đe, kiềm chế bằng quân sự sang diễn biến hoà bình với các nước xã hội chủ nghĩa nhằm giành “chiến thắng không cần chiến tranh”, Ri-gân hạn chế công kích trực tiếp, chuyển sang mượn các diễn đàn quốc tế cho có vẻ “khách quan”, nhưng không hề rời bỏ mục tiêu mà các đời tổng thống trước từng theo đuổi. Vị tổng thống này phát biểu: “Giờ đây, Mỹ cần phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình… coi việc tìm kiếm “xây dựng một trật tự quốc tế, khuyến khích thể chế tự quyết, dân chủ, có nền kinh tế phát triển và nhân quyền”…là mục tiêu chủ yếu của chiến lược toàn cầu”.

Như vậy, bản chất vấn đề không thay đổi, chỉ có cách thức tiến hành thay đổi một cách tinh vi hơn. Cũng trong thời kỳ này, Mỹ rất chú trọng tăng cường các hoạt động tuyên truyền về dân chủ, nhân quyền nhằm vào khối các nước Đông Âu. Từ 1986-1987, chính phủ Rigân đã tăng 97,6 triệu USD kinh phí cho hoạt động của đài “Tiếng nói Hoa Kỳ”, đến năm 1988 lại tăng lên tới 300 triệu USD nhằm thúc đẩy quá trình đa nguyên, đa đảng ở các nước này. Cũng trong năm 1988, thông qua cái gọi là “Quỹ đòi dân chủ toàn quốc”, Mỹ đã viện trợ cho Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan tới 1 triệu USD. Năm 1987, Rigân còn đích thân tới thăm Giáo hoàng La mã để bàn bạc phối hợp hành động trong vấn đề nhân quyền. Năm 1988, Giáo hoàng La mã tấn phong chức giáo chủ ở Tiệp Khắc, kích động tín đồ nước này tấn công vào chính phủ dưới khẩu hiệu “quyền tự do tín ngưỡng”. Busơ lên cầm quyền từ tháng giêng năm 1989, tiếp tục triển khai chính sách ngoại giao nhân quyền mạnh mẽ cả bề rộng lẫn bề sâu nhằm đánh những đòn quyết định xoá bỏ hệ thống XHCN trên thế giới. Ngày 12/5/1989, trong buổi nói chuyện tại Đại học nông nghiệp và cơ giới Texas, Busơ đưa ra chiến lược mới: “Vượt trên ngăn chặn”, kế thừa và phát triển “chiến lược diễn biến hoà bình” trong đó tiếp tục đề cao hơn nữa tầm quan trọng của nhân quyền như là một yếu tố chủ đạo. Điểm cốt lõi trong chiến lược này là đẩy mạnh đấu tranh trên phương diện hình thái ý thức hệ, giương cao ngọn cờ “dân chủ”, “nhân quyền”, từ đó thực hiện thẩm thấu về chính trị, tư tưởng, văn hoá vào các nước XHCN, dần dần khiến các nước này đi vào con đường đa nguyên, đa đảng, dẫn tới rối loạn và sụp đổ. Đây chính là thời kỳ gặt hái những thành công quá sức tưởng tượng của các nhà ảo thuật chính trị Hoa Kỳ. Ngày 15/6/1989, tổng tuyển cử ở Ba Lan, Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan chỉ giành được hơn 30% số phiếu, Công đoàn Đoàn Kết đứng lên thành lập chính phủ mới, chấm dứt chế độ XHCN tồn tại hơn 40 năm ở Ba Lan. Ngày 25/3/1990, sự kiện tương tự diễn ra tại Hungari, Đảng Công nhân XHCN mất quyền lãnh đạo xã hội. Tại Cộng hoà dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Bungari, Rumani cũng gần giống như vậy. ở Rumani, quần chúng nổi dậy lật đổ chính phủ, tử hình cả hai vợ chồng Ceaucescu. Ngày 4/6/1989, hơn 1 triệu sinh viên tràn vào chiếm quảng trường Thiên An Môn; tuy kịch bản của phương Tây lần này thất bại, song phương Tây vẫn không nản chí. Rồi ngày 25/12/1991, vị tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của nhà nước Xô Viết đọc bài diễn văn từ chức – Liên bang Xô Viết hoàn toàn tan vỡ.

Bill Clinton và sự kế thừa.

Có lẽ dùng từ “phát triển” thì đúng hơn. Nếu như chính sách ngoại giao nhân quyền dưới thời Busơ tuy đạt được nhiều thành công lớn, nhưng xét về mặt phạm vi, nó chỉ chủ yếu tập trung vào một số nước nhất định (cụ thể là phe XHCN) thì sang đến thời Clinton, nó được phát triển với mức độ, phạm vi mới, có tính chất toàn cầu. Điều này được chứng minh rõ ràng qua một loạt sự kiện. Ngày 15/6/1993, ngoại trưởng Cristophơ phát biểu tại Viên đã khẳng định Mỹ phải “đặt ra một tiêu chuẩn chung nhất về nhân quyền áp dụng đối với tất cả các nước. Mỹ sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm sử dụng các truyền thống tôn giáo và văn hoá để làm yếu đi khái niệm nhân quyền quốc tế”. Ngày 21/9/1993, đến lượt Lâycơ, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ khẳng định sự cần thiết phải mở rộng nền tự do, dân chủ kiểu Mỹ trên khắp toàn cầu. Lâycơ còn nói thêm, dân chủ nói ở đây bao gồm tuyển cử đa đảng, tư pháp độc lập và nhân quyền. Lời tuyên bố của hai cộng sự thân cận, phát ngôn viên của Clinton cho thấy Hoa Kỳ đã hướng chính sách ngoại giao nhân quyền sang cả thế giới.

So với các thời kỳ trước, chính sách ngoại giao nhân quyền thời Clinton có mấy đặc điểm sau:

Thứ nhất, gắn nhân quyền với vấn đề dân chủ và thị trường tự do kiểu tư bản chủ nghĩa. Điều này có nghĩa là một chế độ xã hội được coi là bảo đảm nhân quyền chỉ khi chế độ xã hội ấy phát triển theo chế độ kinh tế thị trường tự do và tuân thủ những nguyên tắc của thể chế chính trị theo học thuyết tam quyền phân lập, đa nguyên, đa đảng.

Thứ hai, nhân quyền được chính trị hoá cao độ, được tuyên bố công khai là điều kiện quan hệ ngoại giao, điều kiện để cung cấp viện trợ, ủng hộ, hợp tác hoặc gây sức ép, thậm trí phủ nhận chủ quyền, tấn công nước khác. Đây chính là yếu tố dẫn đến một loạt cuộc tấn công vũ trang của Mỹ và phương Tây vào các quốc gia độc lập, đặc biệt là I-rắc và Nam Tư, từ 1991 đến nay.

Thứ ba, nhân quyền được gắn trực tiếp với tất cả các mối quan hệ quốc tế, từ quan hệ song phương, đa phương đến các quan hệ liên quan đến các tổ chức và thể chế chính trị, tài chính quốc tế. Điều này thể hiện ở việc Hoa Kỳ coi vấn đề nhân quyền là điều kiện cơ bản để thiết lập, duy trì quan hệ quốc tế, cung cấp tài chính cho hoạt động của các thể chế chính trị, tài chính quốc tế, kể cả Liên Hợp Quốc.

Thứ tư, mở rộng, tăng cường phạm vi hoạt động của các tổ chức chuyên trách trên lĩnh vực này, đặc biệt chú ý đến các tổ chức phi chính phủ.

Thứ năm, Quốc hội trực tiếp can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác nhân danh nhân quyền; chẳng hạn: phê chuẩn các khoản tài chính cho hoạt động này của chính phủ và giúp đỡ các lực lượng chống đối ở các quốc gia khác, thông qua các lệnh trừng phạt quốc gia nào bị coi là “có vấn đề nghiêm trọng” về quyền con người.

Cho đến nay, có thể thấy tuy không thu được thắng lợi rầm rộ như dưới thời kỳ Busơ, song xét về cường độ và phạm vi, chính sách ngoại giao nhân quyền thời Clinton rõ ràng đã có bước phát triển mới, “toàn cầu hoá” hơn nhiều. Năm 1993, Hoa Kỳ đã hậu thuẫn mạnh mẽ dẫn đến việc thành lập Cao uỷ Liên Hợp Quốc về nhân quyền, một cơ quan có chức năng điều hành trực tiếp các chương trình, hoạt động nhân quyền tại Liên Hợp Quốc. Nó thay thế vị trí của Uỷ ban nhân quyền cũ, song có thêm một số chức năng mới quan trọng hơn nhiều và vị chủ tịch cơ quan này một lần nữa lại là người Mỹ, bà Mary Robinson. Ngày 30/12/1997, trong cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức tại Washington, Stroke Talbott – Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói không úp mở: “Nền tảng cơ bản của chính sách ngoại giao của chúng tôi là khẳng định tất cả các chính phủ phải tôn trọng nhân phẩm và tự do của công dân nước họ…”. Còn John Shattuck, Trợ lý Ngoại trưởng, phụ trách các vấn đề nhân quyền, dân chủ và lao động thì nhấn mạnh: vì còn quá nhiều người ở mọi nơi trên thế giới bị vi phạm nhân quyền và đó là lý do để nước Mỹ tiến hành thiết lập bản báo cáo này và mỗi quốc gia đều nhận được những đánh giá “trung thực, khách quan” về tình hình nhân quyền của nước mình dựa trên những chuẩn mực của Tuyên ngôn nhân quyền thế giới. Bản tin của Nhà Trắng ra ngày 9/12 cùng năm với tiêu đề “Những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền” thì công khai hoá trước thế giới một số số liệu tài chính. Theo đó, mỗi năm nước này chi hơn 500 triệu đô la cho các hoạt động “trợ giúp dân chủ và nhân quyền” ở các quốc gia. Đích thân cả hai vợ chồng Bill Clinton đã nhiều lần “đăng đàn” diễn thuyết về nhân quyền. Trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Clinton tiếp tục nêu rõ, nhân quyền là một yếu tố không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của nước này và khẳng định: “Chúng ta đã và đang đi đầu trong việc tăng cường sức mạnh của các thiết chế quốc tế về nhân quyền, bao gồm cả việc thành lập Cao uỷ Liên Hợp Quốc về nhân quyền. Đến nay, chúng ta phải bảo đảm cho Mery Robinson có đủ các nguồn tài lực thực hiện chức trách của mình và tôi cam kết sẽ tăng cường sự ủng hộ chính thức của nước Mỹ cho nỗ lực này”…

Mặt trái của vấn đề, liệu “gậy ông có đập lưng ông”?

Trên đây là những nét khái quát cơ bản về lịch sử và diễn biến chính trong quá trình thực hiện chính sách “ngoại giao nhân quyền” của Mỹ. Tuy nhiên, trong khi phê phán các nước khác trong lĩnh vực nhân quyền, dùng vấn đề này làm cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác thì sự thực về tình hình nhân quyền của nước Mỹ như thế nào?

Trước hết, có thể thấy trong việc đề cao các quyền tự do cá nhân, coi đó như là biểu hiện duy nhất của nhân quyền, Hoa Kỳ không thực sự quan tâm đến thực chất vấn đề mà trước hết nhằm mục đích lợi dụng vấn đề trong cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao, bởi lẽ ngay trong hệ thống pháp luật của Mỹ vẫn tồn tại nhiều điều khoản trái ngược với những nguyên tắc về quyền tự do cá nhân.

Điều 2385 cuốn “Mỹ quốc pháp điển” quy định: ” Bất kỳ ai cố ý hô hào, kích động, khuyến khích lật đổ hay phá rối chính phủ Mỹ và các tổ chức chính quyền cấp dưới đều phải bị tuyên phạt cao nhất tới 20.000 USD, hoặc phải ngồi tù 20 năm. Sau khi mãn hạn tù 5 năm cũng không được Chính phủ và các tổ chức khác tin dùng”. Ngoài ra, có rất nhiều tài liệu chứng minh tình trạng vi phạm các quyền cá nhân ở nước Mỹ hết sức trầm trọng. Năm 1996, tại Bắc Kinh đã đăng một bài báo có tên : “So sánh nhân quyền ở Trung Quốc và nhân quyền ở Mỹ”. Tác giả Ren Yanshi đã đưa ra những số liệu thống kê phong phú về tình trạng vi phạm quyền con người ở Mỹ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là quyền dân sự-chính trị. Vào năm 1998, cũng tại Trung Quốc đã xuất bản cuốn “Chính trị nhân quyền Mỹ” của tác giả Lục Kính Sinh đề cập một cách toàn diện những sự kiện vi phạm nhân quyền ở nước Mỹ từ khi thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cho tới thời điểm những năm cuối thập kỷ 80, trên cơ sở phân tích đến tận gốc rễ ảnh hưởng của các tư tưởng chính trị ở Hoa Kỳ tới vấn đề này. Tháng 10/1998, tổ chức Ân xá quốc tế công bố một báo cáo dài 150 trang về tình hình nhân quyền ở Mỹ, trong đó nêu và phân tích một cách chi tiết, có hệ thống với nhiều chứng cứ về tình trạng vi phạm nhân quyền thường xuyên và tràn lan ở nước này. Cũng trong năm đó, tổ chức này còn cho xuất bản một cuốn sách có cái tên mỉa mai là “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: Các quyền cho tất cả mọi người” (United States of America- Rights for All). Cuốn sách gồm 9 chương và nhiều biểu đồ minh hoạ, ảnh chụp các cảnh vi phạm nhân quyền ở Mỹ như cảnh sát đánh đập, hạ nhục những người biểu tình, người tù, ảnh những nạn nhân bị cảnh sát bắn chết, ảnh những tử tù bị trói chặt vào ghế điện… đã thực sự phơi bầy sự thật về tình hình nhân quyền ở Mỹ và vạch trần những luận điệu giả dối trong lĩnh vực này của chính phủ Mỹ.

Điều đáng nói là chính sách ngoại giao nhân quyền không chỉ vấp phải phản ứng ở ngoài nước mà cả phản ứng của dư luận trong chính nước Mỹ. Theo kết quả khảo sát của một tổ chức nhân quyền Mỹ tiến hành trong nước, có tới 63% số người được hỏi cho rằng nạn phân biệt đối xử là phổ biến ở Mỹ mà tầng lớp dân nghèo là nạn nhân thường xuyên. 50% số người được hỏi cho rằng những người già, người tàn tật, người da đen và những nhóm người thiểu số khác ở Mỹ bị phân biệt đối xử một cách có hệ thống. Chính ông giám đốc tổ chức Nhân quyền Mỹ (Human Rights USA) đã thừa nhận: cuộc khảo sát trên chứng tỏ các vấn đề nhân quyền đang tồn tại ngay trong lòng nước Mỹ.

Trong khi lớn tiếng phê phán các nước khác vi phạm các quyền tự do dân chủ thì nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cái gọi là “nền dân chủ kiểu Mỹ” chẳng qua chỉ là nền dân chủ của những kẻ giàu, dân chủ cho một nhúm người, chứ không phải dân chủ cho tất cả mọi người, một điều hoàn toàn trái ngược với nguyên nghĩa của từ này. Có những chứng cứ không thể chối cãi là: thông qua báo cáo tài sản riêng của các thành viên nội các Clinton, người ta thấy hơn một nửa trong số này có tài sản từ 1 triệu đô la trở lên, trong đó có trường hợp tài sản lên tới 80 triệu đô la. Điều tra của tờ Nước Mỹ ngày nay (USA Today) cho biết, bình quân thu nhập của 25 ứng cử viên bộ máy tư pháp mà tổng thống Clinton đưa ra là 1,8 triệu đô la/người. Một số liệu khác cũng cho thấy 34,1% thẩm phán ở Mỹ là những nhà triệu phú, còn tỷ lệ triệu phú trong Quốc hội thì cao hơn bên ngoài đến hàng chục lần. Pháp luật Hoa Kỳ quy định bắt buộc các ứng cử viên vào các cơ quan quyền lực phải sở hữu những khoản tài sản lớn. Rõ ràng, bộ máy quyền lực Mỹ chỉ dành riêng cho những kẻ giàu có.

Một ví dụ nữa, Mỹ là quốc gia luôn khoe khoang với thế giới về “nền báo chí tự do” của họ, đồng thời không tiếc lời công kích các nước khác là bóp nghẹt công luận, chà đạp quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của trường đại học Sonoma, bang Canifornia cho thấy, thực chất nền báo chí Mỹ chỉ là công cụ của giới tài phiệt, vì các ông chủ của các tập đoàn đa quốc gia đồng thời cũng là chủ hoặc có cổ phần chủ yếu trong các toà soạn, đài phát thanh, đài truyền hình lớn. 11 nhà in và tập đoàn thông tin đại chúng lớn nhất nước Mỹ hiện nay đều do 144 trên tổng số 1000 công ty lớn nhất nước chi phối. 81 vị giám đốc của 6 tập đoàn thông tin đại chúng lớn nhất của Mỹ cũng đồng thời nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong 104 công ty khổng lồ của nước này. Dĩ nhiên, với hình thức sở hữu tư nhân như vậy thì các phóng viên không thể có cái gọi là “tự do tư tưởng”, nguy cơ bị mất việc làm của họ rất cao nếu dám bộc lộ tư tưởng cá nhân trái với ý muốn giới chủ. Báo cáo này khẳng định: Chính phủ Mỹ muốn các công dân của mình phải tin rằng các cơ quan thông tin đại chúng là những “tổ chức độc lập”, song thực tế đó chỉ là những “con tin” phục vụ các giá trị và lợi ích kinh tế của các ông chủ.

Trên đây chỉ là một số ví dụ tiêu biểu chứng minh cho tính lố bịch trong chính sách ngoại giao nhân quyền của chính phủ Mỹ. Chính sách này đã, đang và sẽ vấp phải sự phản ứng quyết liệt của dư luận thế giới. Gậy ông đang đập lại lưng ông. Càng lên mặt “dạy” các nước khác về nhân quyền, Mỹ càng bộc lộ bộ mặt thật xấu xa của mình. Trên thực tế, cả thế giới đều công khai hoặc ngấm ngầm chống lại chính sách này của Mỹ bởi chẳng có một quốc gia nào có thể tỏ ra thích thú khi bị nước khác “thò mũi” vào chính sự của nước mình. Tờ Tuần báo Châu A’ xuất bản tại Mỹ từng vạch rõ: “Châu A’ còn lâu mới chấp nhận những giá trị theo quan niệm của Washington. Họ đối phó bằng cách chỉ ra rằng, bản thân xã hội Mỹ không hoàn hảo, bạo lực tràn lan, vô kỷ luật về tài chính, sự tan vỡ gia đình. Họ nhắn nhủ rằng người Mỹ hãy thu xếp trật tự trong nhà mình trước khi thuyết giáo những người khác…”. Cách đây 6 năm, Mahathir Mohamad – Thủ tướng nổi tiếng của Malayxia – trong một hội nghị quốc tế lớn tại Kuala Lumpur đã đọc bài diễn văn nảy lửa, đòi Mỹ “hãy về suy nghĩ lại về nhân quyền”.

Kỳ họp lần thứ 56 về nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa diễn ra mới đây đã chứng tỏ thất bại ngày càng nặng nề của Hoa Kỳ trong việc áp dụng chính sách ngoại giao nhân quyền. Rất nhiều quốc gia đã chỉ trích gay gắt việc Hoa Kỳ tiếp tục ban hành cái gọi là “Báo cáo tình hình nhân quyền tại các quốc gia” hàng năm và coi đó là sự can thiệp trắng trợn vào công việc của nước khác. Báo ánh sáng mới của Myanmar ra ngày 19/4 đã đăng xã luận lên án Mỹ vu khống các nước khác vi phạm nhân quyền, trong khi lại phớt lờ tình trạng nhân quyền bị vi phạm ở ngay chính nước Mỹ. Bài báo cũng nêu rõ, chính phủ Myanmar bác bỏ bản báo cáo của Mỹ công bố tháng 3/2000 về vấn đề nhân quyền ở Myanmar, coi đó là những luận điệu hoàn toàn giả dối, mang ý đồ chính trị xấu nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Cũng trong ngày 19/4, I-ran và I-rắc cũng bác bỏ những đánh giá của Uỷ ban nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) về nhân quyền ở hai nước này và cho rằng đó chỉ là những luận điệu cũ rích, một hành động do Mỹ giật dây nhằm vi phạm chủ quyền của nước khác.

Song, minh chứng hùng hồn nhất cho thất bại của Mỹ trong kỳ họp này phải nói là sự kiện Uỷ ban nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 18/4/2000 đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Mỹ lên án Trung Quốc về vấn đề quyền con người. Cùng với sự thất bại trong việc dùng con bài nhân quyền gây sức ép với nước này trong việc hưởng quy chế tối huệ quốc, đây là một sự bất lực rất đau đớn với Hoa Kỳ bởi Trung Quốc là một “trọng điểm công kích” ở Châu A’ và trên thế giới trong quá trình áp dụng chính sách ngoại giao nhân quyền. Từ lâu, Hoa Kỳ luôn dùng con bài nhân quyền để công kích, gây rắc rối cho Trung Quốc trên trường quốc tế. Sự kiện này càng chứng tỏ chính sách ngoại giao nhân quyền của Mỹ đã lỗi thời, phản tác dụng, “gậy ông càng ngày càng đập lại lưng ông”.

Vũ Khương Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét