Pages - Menu

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

NGUY CƠ MẤT AN TOÀN BẢO MẬT THÔNG TIN CÁ NHÂN KHI DÙNG DỊCH VỤ CẬP NHẬT THÔNG TIN TIÊM CHỦNG VACCINE PHÒNG COVID-19 TRÊN MẠNG

 

Trước tình hình nhiều người dân sau khi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vẫn chưa được cập nhật thông tin về mũi tiêm (01 mũi tương ứng thẻ vàng, 02 mũi tương ứng thẻ xanh), trên một số nhóm, trang mạng xã hội đã rộ lên dịch vụ cập nhật thông tin giúp người có nhu cầu với mức giá 50.000 đồng/lần.

Cụ thể, thông tin dịch vụ này được rao trên nhóm Zalo “Quận 10” và một số trang Facebook, yêu cầu về thông tin cá nhân được đưa ra: Họ và tên, ngày sinh, địa chỉ, số căn cước công dân, số điện thoại; bên cạnh đó, khách hàng còn phải cung cấp các thông tin về mũi tiêm: Thời điểm, địa chỉ, loại vaccine đã tiêm mũi 1, mũi 2 hoặc cả 2 mũi cùng với chứng nhận tiêm chủng do cơ sở/đơn vị y tế cấp, xác nhận. Ngoài ra, đối tượng cung cấp dịch vụ cam kết kết quả thẻ vàng, thẻ xanh sẽ được cập nhật ngay lập tức vì “có tài khoản nhập liệu của trung tâm y tế”, thậm chí, đối tượng còn chấp nhận cập nhật thông tin trước nhận tiền công sau.

Tất nhiên, không ít người rất muốn được sớm cập nhật thông tin tiêm chủng, đặc biệt là trong bối cảnh từ ngày 01/10/2021 trở đi chứng nhận tiêm chủng (thẻ COVID-19) được sử dụng như một điều kiện để tham gia các hoạt động kinh tế xã hội khi TP. Hồ Chí Minh dần nới lỏng giãn cách, khôi phục sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, không ít người dù đã tiêm chủng xong mũi 2 nhiều tuần và cũng đã cập nhật thông tin lên các website, ứng dụng y tế theo hướng dẫn, nhưng đến nay, chứng nhận về mũi tiêm vẫn chưa đầy đủ. Nhiều người dân bày tỏ sẵn sàng chi ra 50.000 đồng cho dịch vụ cập nhật thông tin tiêm chủng “bao vàng” hoặc “bao xanh” thay vì phải chờ đợi quá lâu, hoặc cảm thấy băn khoăn, không yên tâm vì không biết dữ liệu tiêm chủng của mình có bị trục trặc, rơi rớt… và liệu có được cập nhật hay không.

KHÔNG NÊN ĐỂ BỊ THU THẬP THÔNG TIN CÁ NHÂN

Trên thực tế, những thông tin cá nhân mà dịch vụ cập nhật thông tin tiêm chủng với mức giá 50.000 đồng/lần đang được rao trên các nhóm, trang mạng xã hội không có gì khác với những thông tin cá nhân người dân phải điền trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 thuộc Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia. Và vấn đề đặt ra là sự bảo mật thông tin cá nhân cho người dùng.

Theo phân tích của chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, việc người dân tự cập nhật hay nhờ người thân quen cập nhật giúp thông tin tiêm chủng lên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, chí ít là được đơn vị thuộc Nhà nước cam kết về sự bảo mật thông tin, đồng thời website cũng có các công cụ, giải pháp công nghệ bảo mật thông tin cá nhân lưu trữ trong hệ thống, và chắc chắn không phải ai cũng có thể tùy tiện truy cập, truy xuất và sử dụng nguồn dữ liệu này.

Tâm lý người dân cảm thấy sốt ruột vì đã hoàn thành mũi tiêm lâu rồi vẫn chưa được cập nhật thẻ vàng, thẻ xanh trên các website, ứng dụng cũng là điều dễ hiểu. Với tâm lý đó, người dân cũng rất dễ dàng chi ra 50.000 đồng trả cho dịch vụ cập nhật thông tin tiêm chủng để sớm có thẻ vàng, thẻ xanh. Tuy nhiên, bên cạnh số tiền 50.000 đồng mà người dân phải chi trả cho đối tượng thực hiện dịch vụ thì vấn đề bảo mật thông tin cá nhân cũng đáng được lưu ý, bởi những thông tin đó có thể bị lợi dụng để làm những điều khuất tất, bất lợi gây hệ lụy cho chính bản thân chúng ta. Vì vậy, chúng ta không nên dễ dãi giao những thông tin cá nhân như vậy cho đối tượng rao dịch vụ qua Internet mà mình không biết rõ đó là ai; bênh cạnh đó, mỗi người dân cũng nên trang bị cho mình, người thân, bạn bè những kiến thức cơ bản trên các lĩnh vực, thường xuyên cập nhật tin tức, cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, thông tin giả trên các báo, đài chính thống nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, người dân sau khi hoàn thành mũi tiêm có thể theo dõi infographic bên dưới để kịp thời tra cứu, cập nhật, chỉnh sửa thông tin tiêm chủng trên các ứng dụng, website của Cổng thông tin tiêm chủng.

#gocnhinnguoidalat

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét