Pages - Menu

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO MỜI VAY TIÊU DÙNG

 

Gần đây, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, nhiều người lao động gặp khó khăn có nhu cầu vay tiền để trang trải cuộc sống, tình trạng mạo danh ngân hàng, công ty tài chính của một số đối tượng nhằm lừa đảo khách hàng vay tiêu dùng có xu hướng gia tăng.

Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) vừa qua đã phải khẩn cấp khuyến cáo khi một số đối tượng mạo danh công ty mời khách hàng vay vốn và sử dụng ứng dụng Auto Cash để giải ngân khoản tiền ảo với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản và chiếm đoạt. Thủ đoạn của các đối tượng thường là, gọi điện tới khách hàng mời vay và hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng Auto Cash giải ngân nhanh. Tiếp đó, tài khoản zalo có tên “Phê duyệt PTF” sẽ kết bạn với khách hàng để dụ dỗ, thuyết phục khách hàng vay vốn, chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng. Sau khi cài đặt ứng dụng và nhập các thông tin cá nhân như: Số điện thoại, chứng minh nhân dân... khách hàng sẽ được ứng dụng Auto Cash giải ngân một khoản tiền ảo kèm theo một hợp đồng tín dụng với con dấu giả mạo Công ty PTF. Để nhận được số tiền giải ngân, khách hàng phải gửi mật khẩu để xác nhận. Để có mật khẩu này, khách hàng phải tạm ứng và chuyển khoản đặt cọc một số tiền. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc, đối tượng lừa đảo cắt liên lạc hoàn toàn với khách hàng... Đại diện lãnh đạo Công ty PTF khẳng định: Công ty PTF không áp dụng đăng ký khoản vay, giải ngân và yêu cầu đặt cọc, tạm ứng... qua ứng dụng Auto Cash cũng như bất kỳ ứng dụng online nào. Với tất cả các khoản vay của PTF, khách hàng đều phải làm thủ tục và ký hồ sơ trực tiếp tại các điểm giao dịch của công ty.

Ngân hàng VPBank mới đây cũng phát hiện ứng dụng (app) VAYTOT mạo danh là app vay tiền của VPBank để yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí mới được giải ngân tiền vay. Sau khi chuyển tiền, khách hàng sẽ không thể liên hệ được các số điện thoại của đối tượng lừa đảo. Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cảnh báo về việc một số nhóm đối tượng tự soạn thảo văn bản giả mạo ngân hàng, giả mạo chữ ký/con dấu của chi nhánh MB. Theo đó, trong văn bản mà các nhóm đối tượng giả mạo có nội dung là MB đang liên kết với một công ty cho vay (Công ty Vay Việt), quá trình thẩm định hồ sơ vay có phát hiện một số dấu hiệu nghi ngờ như số tài khoản bị sai, tài khoản có dấu hiệu giả mạo/lừa đảo… và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định trong công văn để tiếp tục vay tiền… Trước những thủ đoạn trên, các ngân hàng VPBank, MB, OCB,…đã phát đi nhiều cảnh báo trong đó khẳng định, tất cả các khoản vay của ngân hàng không yêu cầu khách hàng phải nạp tiền/chuyển khoản/thanh toán; ngân hàng không thu bất kỳ loại phí nào trong quá trình xem xét và đánh giá khoản vay.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng đã thông tin về những điểm cần lưu ý khi muốn vay vốn. Khách hàng cần cân nhắc một số điểm quan trọng như: thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi; các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính, các loại phí khác... Người vay nên chủ động tìm hiểu thật kỹ, cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân; có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo khách hàng trước khi quyết định vay tiêu dùng, hoặc vay tín chấp qua thẻ tín dụng,… cần phải hết sức thận trọng và tỉnh táo để bảo vệ mình. Nên lựa chọn những tổ chức tài chính uy tín trên thị trường, chủ động nghiên cứu kỹ hợp đồng dịch vụ trong mỗi giao dịch tài chính. Đặc biệt, cần lưu ý bất kỳ khoản vay nào đều phải tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không có chuyện làm tắt hay bỏ qua những quy định bắt buộc.

Hi vọng với những thông tin mà Góc nhìn người Đà Lạt chia sẻ có thể giúp người dân, khách hàng hiểu rõ hơn về những thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng, qua đó nâng cao cảnh giác với các ứng dụng cho vay trực tuyến, không chuyển tiền, đưa tiền mặt cũng như cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện nghi ngờ cũng như có các dấu hiệu lừa đảo đã được nêu trên đây.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét