Ngày nay, cùng với sự
phát triển của khoa học công nghệ, nhất là sự bùng nổ của mạng xã hội, fanpage
facebook được tạo ra để đại diện cho một tổ chức, cá nhân nhằm chia sẻ nhiều
thông tin, hình ảnh đến cộng đồng mạng xã hội nhất là những người có chung sự
quan tâm đối với các lĩnh vực, nội dung cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh những
fanpage “chính danh” do các cơ quan, tổ chức thiết lập đúng theo quy định, hiện
vẫn tồn tại khá nhiều fanpage giả mạo các cơ quan chức năng với những thông tin
thất thiệt, sai sự thật. Việc chia sẻ thông tin từ các fanpage giả mạo này
không chỉ tác động tiêu cực đến dư luận xã hội mà còn ảnh hưởng đến nhận thức,
hành vi của nhiều cá nhân…
Thời gian gần đây, các
đối tượng chủ yếu lợi dụng tâm lý lo ngại của người dân về dịch bệnh để giả mạo
thông tin của cơ quan chức năng, tổ chức y tế; giả mạo các fanpage liên quan
đến COVID-19, cung cấp nhu yếu phẩm, hoạt động từ thiện… Thủ đoạn chung của các
fanpage này đó là luôn lồng ghép giữa thông tin thật và thông tin giả, giữa tin
đã được kiểm chứng và tin chưa qua kiểm chứng… Một số fanpage còn ngang nhiên
ghi rõ địa chỉ cơ quan bị giả mạo để lấy được lòng tin của người truy cập.
Mới đây, Trung tâm xử
lý tin giả (VAFC), đơn vị trực thuộc Cục Phát Thanh-Truyền hình và Thông tin
điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cảnh báo về một số fanpage giả mạo
trên facebook như: fanpage “Ban Tuyên giáo Trung ương” giả mạo Ban Tuyên giáo
Trung ương; fanpage “Cảnh Sát Hình Sự” giả mạo kênh thông tin của Bộ Công an;
fanpage “Tin tức thời sự VTV3” giả mạo tài khoản kênh VTV3 của Đài Truyền hình
Việt Nam… Các fanpage này sử dụng hình ảnh đại diện, chia sẻ thông tin giống
hệt với những cơ quan bị mạo danh… Điều đáng nói, các fanpage giả mạo nói trên
có đến hàng trăm nghìn lượt người thích và chia sẻ (fanpage “Cảnh Sát Hình Sự”
có hơn 165 nghìn lượt thích, 176 nghìn lượt chia sẻ). Do vậy, khi những thông
tin thiếu kiểm chứng được đăng tải trên các fanpage này sẽ có sức ảnh hưởng lớn
đến hàng trăm nghìn lượt người thường xuyên theo dõi.
Ngoài ra, thời gian
vừa qua, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông
tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp triển khai chiến dịch “Khiên
Xanh” kêu gọi mỗi cá nhân chủ động báo cáo trang web không an toàn, các fanpage
giả mạo để bảo vệ người dùng Internet tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung tâm xử
lý tin giả Việt Nam đã khuyến cáo cộng đồng mạng không tiếp nhận và chia sẻ
thông tin từ những fanpage giả mạo các cơ quan chức năng. Người dùng mạng xã
hội cần tỉnh táo khi truy cập các fanpage trên facebook; cảnh giác trước những
thông tin kinh tế, xã hội, nhất là những thông tin liên quan đến dịch COVID-19,
thông tin liên quan đến các vấn đề nhạy cảm trong đời sống xã hội…
Việc xuất hiện những
fanpage giả mạo các cơ quan chức năng luôn tiềm ẩn những hệ lụy tiêu cực đối
với môi trường mạng xã hội, cũng như nhận thức, hành vi của nhiều người khi
truy cập vào các fanpage này. Vì vậy, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử
lý những cá nhân, tổ chức liên quan đến fanpage giả mạo của các cơ quan chức
năng thì mỗi người dùng mạng xã hội cũng cần trang bị cho mình kiến thức, tự
nâng cao ý thức cảnh giác, khả năng nhận biết các trang fanpage giả mạo và thực
sự là “người dùng thông thái” để vừa phát hiện, đấu tranh, loại bỏ những
fanpage giả mạo, vừa làm chủ thông tin trên mạng xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét