Trong suốt quá
trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, “nêu gương” luôn là một trong những phương
thức lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó cán bộ, đảng
viên “tự giác nêu gương” là điểm nổi bật.
Những thành tựu vĩ
đại, to lớn, có ý nghĩa lịch sử từ khi có Đảng lãnh đạo tới nay đã khẳng định một
trong những phương thức lãnh đạo đúng đắn của Đảng là “tự giác nêu gương” của
cán bộ, đảng viên. Đảng nêu rõ: “Đảng lãnh đạo bằng hành động gương mẫu của đảng
viên” và coi đó là một trong những nội dung phương thức lãnh đạo quan trọng.
Trong cuộc đời hoạt
động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gần 500 lần viết và luận giải về vấn
đề “gương mẫu” ở những khía cạnh khác nhau. Người luôn “đòi hỏi mỗi cán bộ phải
làm gương mẫu” và
chỉ ra những nội hàm của “gương mẫu”. Người chỉ rõ: “Người đảng viên ở bất kỳ
đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn
luôn: Đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải gần
gũi dân chúng, thương yêu, giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng. Phải
giữ vững đạo đức cách mệnh, là chí công vô tư”.
Đảng viên tự giác
nêu gương chính là làm gương thấm nhuần và thực hiện nghiêm đường lối, quan điểm,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Tự giác nêu gương của cán
bộ, đảng viên luôn là những chuẩn mực đạo đức để quần chúng soi rọi, noi theo.
Nếu đảng viên không gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp
luật, rèn luyện đạo đức, lối sống, thì chủ trương, chính sách của Đảng khó có
thể trở thành hiện thực, thậm chí bị thực hiện sai, nhân dân thiếu tin tưởng
vào chủ trương, chính sách, công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng
sẽ mất đi ý nghĩa thực tiễn.
Đất nước ta có được
cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay chính là nhờ có sự lãnh
đạo của Đảng, sự hy sinh quên mình và những tấm gương mẫu mực, trong sáng về
tinh thần tận trung với nước, với Đảng, tận hiếu với dân của lớp lớp thế hệ cán
bộ, đảng viên.
“Thực hiện đồng bộ
với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo
phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu” là một trong những nội dung
phương pháp quan trọng để Đảng phát huy vai trò, xứ mệnh của mình. Vì vậy, một
số lãnh đạo chủ chốt các cấp đã nêu gương về đổi mới tư duy, sáng tạo, dám
nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận
và hoàn thành tốt các nhiệm vụ do tổ chức phân công được quần chúng yêu mến,
tín nhiệm.
Tuy nhiên, hiện
nay vẫn còn “một bộ phận cán bộ, đảng viên công chức, viên chức chưa gương mẫu”,
chưa thể hiện vai trò tiên phong trước quần chúng nhân dân. Một số cán bộ, đảng
viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm
và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống,
tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít,
có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt, có cán bộ
lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của
Đảng, pháp luật Nhà nước. Điều đó đã gây ra dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng
đến thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, tổn hại đến
mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, hạ thấp sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo,
cầm quyền của Đảng.
Để thực hiện có hiệu
quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tăng cường phương thức lãnh đạo của Đảng
thông qua “tự giác nêu gương” của cán bộ, đảng viên tạo sự lan tỏa, thúc đẩy
phong trào cách mạng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cần
thực hiện nghiêm túc, thực chất một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, nâng cao
nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về việc “tự giác nêu
gương” của cán bộ, đảng viên.
Tự giác nêu gương
của cán bộ, đảng viên không tự nhiên mà có, mà phải do quá trình tự tu dưỡng,
rèn luyện hằng ngày, thông qua quá trình phấn đấu không ngừng mới có. Cho nên,
cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tiếp tục quán triệt
và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng như: Quy định
101-QÐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm
nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy
định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016, của Bộ Chính trị về“Một số việc cần làm ngay
để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW,
ngày 25/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ươngvề“Trách nhiệm nêu gương của cán bộ,
đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban
Chấp hành Trung ương”. Đặc biệt là Chỉ thị 01-CT/TW ngày 9/3/2021 của Bộ Chính
trị về việc “Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực
hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Việc nêu gương của
cán bộ, đảng viên đã thể hiện rõ phương thức lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở các
quy định của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quán triệt, cụ thể hóa, xây
dựng thành những quy định cụ thể về “tự giác nêu gương” sao cho phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ, chức trách của cán bộ, đảng viên. Từ đó, cán bộ, đảng viên phải
dựa vào các quy định ấy mà cam kết, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của bản
thân về mọi mặt; đồng thời, “tự soi, tự sửa” bản thân mình trong quá trình tu
dưỡng, rèn luyện và thực hiện chức trách, nhiệm vụ trên cương vị, được giao.
Hai là, “tự giác
nêu gương” tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng tiến lên.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ rõ: “Người chiến sĩ gương mẫu thì không bao giờ tự mãn tự túc, mà cố gắng
tiến bộ mãi”.
Đảng Cộng sản Việt Nam với vai trò lãnh đạo, cầm quyền, luôn coi trọng việc xây
dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, trong đó sự tự giác nêu gương của
cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu có ý nghĩa quyết định đến sự thành, bại
của sự nghiệp cách mạng. Đảng viên tự giác nêu gương không chỉ là một yêu cầu đối
với vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn được đặt ra như là một chuẩn mực đạo đức
của người đảng viên – “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Tự giác nêu
gương của cán bộ, đảng viên chính là để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò
tiên phong, gương mẫu của Đảng, tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng
tiến lên. Nhất là cán bộ, đảng viên “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”
Tự giác nêu gương
không chỉ ở lời nói mà còn ở chính việc làm của cán bộ, đảng viên. Bởi vì, cán
bộ, đảng viên là người dẫn dắt quần chúng, muốn quần chúng làm theo thì bản
thân phải là tấm gương, phải “cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”;
phải tự giác nêu gương toàn diện, không chỉ về tư tưởng, chính trị mà còn phải
nêu gương về đạo đức, lối sống; không chỉ nêu gương trong lời nói mà còn nêu
gương cả trong việc làm trên mọi lĩnh vực, trong mọi hoàn cảnh một cách tự
giác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Người đảng viên – dù công tác to hay nhỏ, địa
vị cao hay thấp – ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Mà muốn cho quần
chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để
quần chúng bắt chước, làm theo”. Nếu cán bộ, đảng viên không có uy tín với xóm
làng, khối phố, khu dân cư thì không thể nói họ gương mẫu được; cũng không thể
nói là nêu gương, nếu cán bộ, đảng viên chỉ “thuyết giáo” – yêu cầu mọi người
chấp hành pháp luật, còn mình thì “đứng ngoài pháp luật, đứng trên pháp luật”.
Đại hội XIII của Đảng
xác định: “tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong,
gương mẫu, tạo sự lan tỏa thúc đẩy các phong trào cách mạng”. Theo đó, cán bộ,
đảng viên “tự giác nêu gương” không chỉ nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của
Đảng, mà còn thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu tạo sự lan tỏa trong xã hội,
thúc đẩy các hoạt động thực tiễn, phong trào cách mạng liến lên.
Ba là, “tự giác
nêu gương” học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tự học tập, rèn
luyện của cán bộ, đảng viên cũng phải tuân theo các vấn đề có tính nguyên tắc
như: Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn; nâng cao kiến thức, kỹ
năng gắn liền với phát triển, củng cố bản lĩnh chính trị vững vàng. Chính vì vậy,
cán bộ, đảng viên không chỉ tự rèn luyện về trình độ, năng lực, phương pháp,
tác phong công tác mà còn tự rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống,
tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần
“tự giác gương mẫu” nhất.
Để việc tự giác
gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có hiệu
quả, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng, đầy đủ những nội dung cơ bản và giá
trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cụ thể hóa việc học tập
và làm theo bằng những việc làm cụ thể hằng ngày, gắn với nhiệm vụ chính trị của
cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Qua đó nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò,
trách nhiệm của mỗi người trong hệ thống chính trị, tự giác nêu gương về mọi mặt,
tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Cấp ủy, tổ chức đảng
các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện
nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ mọi mặt; quan tâm
giúp đỡ, động viên cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, xây dựng kế hoạch phấn đấu
vươn lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
“Đạo đức cách mạng
không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà
phát triển và củng cố”. Cán bộ, đảng viên không chỉ tự học qua sách, báo, qua
các phương tiện thông tin đại chúng, mà phải tự học tập lẫn nhau và thông qua
hoạt động thực tiễn để thâm nhập vào phong trào cách mạng của quần chúng, làm
cho phong trào đó phát triển đúng định hướng chính trị và qua đó tự rèn luyện
mình. Phải thực sự sâu sát với quần chúng, quý trọng nhân dân, gương mẫu về mọi
mặt, thì mới tổ chức, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
Bốn là, “tự giác
nêu gương” đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Cán bộ, đảng viên
phải “tự giác nêu gương” trong đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù
địch một cách gương mẫu nhất. Phải nhận thức rõ đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ thường
xuyên, là trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên. Trước những thông tin
xuyên tạc, các quan điểm sai trái, từng cán bộ, đảng viên cần khẳng định bản
lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội; không ngừng trau dồi để có trình độ lý luận sắc bén trong quá
trình đấu tranh…
Với phương châm “mỗi
đảng viên là một tuyên truyền viên của Đảng”, bằng kiến thức của mình, cán bộ,
đảng viên phải là những người đi đầu trong tuyên truyền, giải thích cho quần
chúng ở địa phương, đơn vị hiểu rõ bản chất sai trái, không nghe, không tin
theo các thông tin xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch.
Đảng ta khẳng định:
“Kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch,
cơ hội chính trị”. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần thường xuyên cung
cấp thông tin chính thống, vạch rõ tính chất sai trái, xuyên tạc; cung cấp luận
cứ khoa học, chứng cứ thực tiễn để cán bộ, đảng viên có cơ sở đấu tranh, phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị.
Năm là, “tự giác
nêu gương” ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cán bộ, đảng viên
“tự giác nêu gương” chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng,
chính sách, luật pháp Nhà nước; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế
làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực
hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất đạo đức,
lối sống.
Kiên quyết đấu
tranh với “lợi ích nhóm” và những tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm về
phẩm chất đạo đức, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Cấp ủy, tổ chức đảng
các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, uốn nắn và “xử lý
kịp thời, kiên quyết, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng
viên vi phạm”. Cần xây dựng quy chế, quy định cụ thể để mỗi cán bộ, đảng viên tự
giác chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chi bộ nơi công tác, nơi cư trú;
ngăn chặn việc tự đặt bản thân lên trên tổ chức, lên trên tập thể; kiên quyết
khắc phục tình trạng e dè, nể nang, bao che, lảng tránh trách nhiệm trong kiểm
tra, giám sát. Dựa vào nhân dân và đề cao trách nhiệm của nhân dân trong kiểm tra,
giám sát, đánh giá, nhận xét năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, các mối
quan hệ của cán bộ, đảng viên./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét