Chỉ còn ít nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Năm nay, các hoạt động đón Tết Nguyên đán chắc chắn sẽ sôi nổi hơn khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
Điểm mới nhất, được quan tâm nhất trong Nghị định 137 là Chính phủ cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nghị định cũng bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, đã quy định cụ thể hơn với 09 HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG SỬ DỤNG PHÁO (quy định tại Điều 5), so với 04 hành vi như trước đây.
Nhiều người hào hứng khi nghị định cho sử dụng pháo hoa. Song không ít người đã chưa hiểu đúng bản chất của quy định, khi họ cho rằng ai cũng có thể được đốt tất cả các loại pháo hoa.
Trên thực tế, chỉ những người đủ hành vi năng lực dân sự mới được phép sử dụng. Hiện nay, có hai loại pháo hoa, gồm loại chỉ tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, mà KHÔNG GÂY RA TIẾNG NỔ và loại tạo ra âm thanh, ánh sáng và KÈM THEO TIẾNG NỔ, đây được gọi là PHÁO HOA NỔ.
Nghị định 137 quy định rõ ràng, cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp đã nêu trên. Như vậy, Nghị định 137 có quy định “mở” hơn. Song cá nhân vẫn KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG PHÁO HOA NỔ. Loại pháo hoa nổ chỉ được sử dụng trong các dịp kỷ niệm, bởi những cơ quan, tổ chức nhất định.
Mặt khác, nghị định cũng quy định rất rõ, việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh pháo hoa phải do các tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng thực hiện. Các tổ chức này phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.
Như vậy, mặc dù cho phép sử dụng pháo hoa, nhưng các quy định đi kèm vẫn hết sức chặt chẽ, bao quát tất cả các khâu từ nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ cho đến sử dụng. Nghị định 137 sắp có hiệu lực, việc hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của nghị định có thể khiến dẫn tới hành vi vi phạm trong sản xuất, mua bán, tàng trữ, dẫn tới bị xử lý trước pháp luật, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề, nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao.
Còn nhớ vào đầu năm nay, trong đêm giao thừa tết Canh Tý (24/01/2020) tại xã Hàm Giang (Trà Cú – Trà Vinh) có 02 thanh niên gồm Kim Vũ Lâm, sinh năm 1991 và Trịnh Thành Tài, sinh năm 1987 đã tự chế pháo nổ, hậu quả làm cho Trịnh Thành Tài, bị pháo nổ làm mất một bàn tay, bàn tay còn lại bị bỏng nặng; Kim Vũ Lâm bị chấn thương khả năng hỏng mắt phải, cả hai phải nhập viện điều trị.
Qua vụ việc việc trên khuyến cáo mọi người hãy vì tính mạng sức khỏe, tài sản của bản thân gia đình và cộng đồng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, “Nói không với pháo nổ”.
Bên cạnh đó, tuy không có thuốc nổ gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng việc sử dụng pháo hoa không đúng nơi, đúng chỗ có thể gây nguy cơ mất an toàn cháy nổ, chập điện... nhất là ở đô thị, nơi không gian chật hẹp.
Bởi vậy, cần tuyên truyền để người dân sử dụng mức độ hợp lý, đề cao tính an toàn.
Pháo hoa thường được sử dụng trong những dịp vui, nhưng hiểu đúng, sử dụng đúng mới giúp các cuộc vui ấy trọn vẹn. Do đó, người dân chỉ được sử dụng pháo hoa, là loại pháo không có thuốc pháo nổ, chỉ tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, KHÔNG GÂY RA TIẾNG NỔ.
N.V.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét